Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực LienVietPostBank phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3

“Sẵn sàng lắng nghe những thông tin khác nhau, thẳng thắn về mắc ca”

(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) khi ĐTCK đề cập đến việc hiện nay trên thị trường có nhiều luồng thông tin khác nhau về cây mắc ca. Theo ông Hưởng, các quan tâm đó đồng thời có cả những điểm tốt và những điểm chưa tốt cũng sẽ giúp cho dự án phát triển hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn.

Ông có thể cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, kế hoạch phát triển cây mắc ca đã được tiến triển như thế nào?

Nếu tính từ thời điểm Hội thảo “Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên” cách đây 3 tháng, thì đến nay LienVietPostBank, Him Lam và các nhà đầu tư đã làm được rất nhiều việc.

Cụ thể, đã hình thành được 2 nhà máy chế biến mắc ca, một là của nhà đầu tư Úc ở Khe Sanh, Quảng Trị đã khởi công và một nhà máy nữa của Him Lam sẽ khởi công vào tháng 7 để trước hết đón đầu sản phẩm, bao tiêu mắc ca cho nông dân.

Ngoài ra, LienVietPostBank đã ban hành quy định quy trình cho vay cây mắc ca. Ngay tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội lần thứ 3, LienVietPostBank, Him Lam đã ký với Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên bản ghi nhớ, trong đó riêng Lâm Đồng sẽ được đầu tư khoảng 10 ngàn tỷ đồng cho mắc ca và các đối tượng khác. 

Ngân hàng cũng duy trì 20 ngàn tỷ trong 10 năm nữa cho Tây Nguyên để phục vụ các dự án phát triển cây mắc ca kết hợp tái canh cây cà phê, trồng xen giữa cà phê và mắc ca. 

Đồng thời, LienVietPostBank cũng đã nghiên cứu kỹ các thị trường Mỹ, Úc, Trung Quốc và hợp đồng với các chuyên gia Úc để làm việc cho Him Lam, LienVietPostBank chuyên về phát triển thị trường và kỹ thuật mắc ca.

Ông vừa đề cập đến tín dụng cho chương trình này, chắc chắn đây là một trong những yếu tố then chốt để dự án thành công. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn? 

Đúng vậy. Để dự án đầu tư vào cây mắc ca thành công, không thể không kể đến chính sách tín dụng rất ưu đãi của ngân hàng cho các hộ gia đình. Hoạch định của LienVietPostBank là ưu đãi cho các hộ gia đình và DN vay tín dụng trung dài hạn với kỳ hạn vay lên tới 7-10 năm và ân hạn cả nợ gốc và lãi trong 5 năm đầu.

Mặc dù thực tế nếu trồng chăm sóc đúng kỹ thuật thì chỉ trong 2 năm mắc ca đã ra quả, năm thứ 4 đã cho sản lượng, lợi nhuận cao nhưng năm thứ 6 các hộ gia đình và DN mới bắt đầu trả dần cả gốc và lãi.

Cụ thể hơn, để đầu tư vào vườn cây mắc ca, các chi phí đầu tư cơ bản bao gồm: 1) chi phí cây giống; 2) chi phí cơ sở hạ tầng (bao gồm chi phí đất, làm cỏ và đào hố trồng cây); 3) chi phí phân bón; 4) chi phí tưới tiêu; 5) chi phí phòng chống dịch bệnh; và 6) chi phí nhân công. Trong các chi phí này, chi phí 1 cây giống tốt hiện nay dao động từ 70.000-80.000 đồng.

Tổng chi phí ước tính trồng mắc ca trong 4 năm đầu vào khoảng từ 75-130 triệu đồng/ha đối với hộ gia đình và khoảng 100-160 triệu đồng/ha đối với DN. 

Hiện nay, giá bán của hạt mắc ca trên thị trường Việt Nam có thể lên tới 150.000 - 300.000 đồng/kg, thậm chí có nơi bán tới 500.000 đồng/kg hạt tại vườn... phụ thuộc vào nhu cầu mua làm giống hoặc mức độ chế biến của sản phẩm.

Tuy nhiên, theo quan điểm của LienVietPostBank thì trong trung dài hạn khi cây mắc ca được trồng ở quy mô lớn thì giá bán mắc ca sẽ tiến sát mặt bằng giá thế giới.

Cụ thể, giá bán hạt mắc ca Việt Nam sẽ tương đương giá bán mắc ca trên thế giới là 50.000-60.000 đồng/kg (tính theo mức giá bán ra tối thiểu).

Dưới tất cả các hình thức trồng mắc ca: trồng thuần (mật độ trồng 350-400 cây/ha) và trồng xen canh (mật độ trồng 200-250 cây/ha), trung bình tới năm thứ 5 khi cây bắt đầu cho thu hoạch là doanh thu đã đủ để bù đắp chi phí phát sinh trong năm.

Vì hộ gia đình có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều so với DN, nên hộ gia đình hoàn vốn đầu tư được sớm hơn (trong 6 năm) so với DN (trong 7 năm). Từ năm thứ 8 trở đi, doanh thu ổn định ở mức cao, đảm bảo cuộc sống cho người trồng thoát nghèo và có thể làm giàu từ mắc ca.

Tiềm năng như vậy nhưng hình như người nông dân và các nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa mạnh dạn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mắc ca. Theo ông, nguyên nhân là gì?

Thứ nhất, còn quá nhiều người, kể cả một số cán bộ của các ngành chức năng chưa hiểu hết giá trị kinh tế của loại cây này, vì ít đi khảo sát thực tế nên cứ nói đến cây trồng mới thì tốt nhất là tìm cách đưa ra lý luận tránh rủi ro cho chính mình sau đó là lo xa cho nông dân... 

Thứ hai, người nông dân và nhà đầu tư chưa đủ nguồn lực để thực hiện vì với nguồn vốn ít sẽ khó tiếp cận và mở rộng vườn cây mắc ca.

Thêm vào đó, cây mắc ca lai chưa có quy hoạch phát triển chính thức ở một số tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng, vấn đề đầu ra cho hạt mắc ca tưởng chừng dễ dàng nhưng thực tế sẽ tiềm ẩn nhiều khó khăn do mặc dù thị trường thế giới vẫn có nhu cầu tiêu thụ mắc ca cao nhưng các DN Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được thị trường này.

Cùng với đó, sự hạn chế của kỹ thuật bảo quản, chế biến mắc ca khiến chất lượng đầu ra của mắc ca giảm sút...

Giải pháp nào cho vấn đề ông vừa nêu?

Để phát triển cây mắc ca thành một cây nông, lâm sản chủ lực cần có quy hoạch rõ ràng về vùng trồng cây mắc ca bên cạnh các yêu cầu về nguồn giống chất lượng cao và tư vấn kỹ thuật trồng - thu hái - chế biến.

Để cây mang lại hiệu quả thực sự, cần huy động nguồn vốn ưu đãi và cho vay trung dài hạn bởi nếu không trồng chăm sóc đúng kỹ thuật thì sau 4 năm cây mới cho thu hoạch cao và thời gian đầu triển khai trồng cần đầu tư lớn về giống cây trồng, phân bón hóa chất và hệ thống tưới tiêu trong khi bà con nông dân lại không thể thu xếp được nguồn vốn lớn trong thời gian dài như vậy.

Vì vậy, một chính sách hỗ trợ, bảo đảm về vốn, tín dụng ưu đãi và bảo hiểm nông nghiệp mới có thể khuyến khích người nông dân chuyển đổi cây trồng sang hướng mới hiệu quả hơn, thay thế hoặc trồng xen canh cây cà phê.

Tuy vậy, giải pháp chính là phải có nhiều người, nhiều ngành lo cho dân thực sự bằng hành động đổi mới chứ không phải lời nói suông; trong đó truyền thông đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về cây mắc ca, vậy kế hoạch phát triển cây mắc ca của LienVietPostBank và Him Lam có đi theo đúng kế hoạch?

Tôi cho rằng sẽ đi theo đúng kế hoạch, vì hiện nay sau 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành và các tỉnh quy hoạch cây mắc ca, xác định nguồn giống mắc ca.

Bên cạnh đó, các câu hỏi hóc búa của những người khó tính nhất khi bàn câu chuyện mắc ca cũng đã có lời giải đáp thỏa đánh trên những vườn mắc ca tại Việt Nam đã được 10 - 15 năm tuổi trồng theo đúng kỹ thuật và các đơn vị bao tiêu sản phẩm hỗ trợ vốn đã vào cuộc.

Ngoài ra, với nhiều luồng thông tin khác nhau về cây mắc ca, tôi nghĩ đó là điều tốt vì thể hiện rằng đây là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Cho dù những quan tâm đó đồng thời có cả những điểm tốt và những điểm chưa tốt cũng sẽ giúp cho dự án phát triển hoàn thiện hơn, mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan