Rót tỷ đô, Viettel kỳ vọng làm bùng nổ thị trường viễn thông Myanmar

Sau hơn 10 năm “mai phục” và nhiều lần lỡ hẹn, cuối cùng, Viettel cũng có trong tay “tấm vé” chót trên chuyến tàu viễn thông vào thị trường vàng Myanmar.     

Phần thưởng cho 10 năm chờ đợi

Giấy phép dịch vụ viễn thông cơ bản vừa được Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar cấp cho Liên doanh Myanmar National Tele & Communications Co.,Ltd - liên doanh giữa Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) với Myanmar National Telecom Holding Public Limited (MNTH) và Star High Public Company Limited (Star High), sau 9 tháng liên doanh này đạt thỏa thuận.

Rót tỷ đô, Viettel kỳ vọng làm bùng nổ thị trường viễn thông Myanmar  ảnh 1

 Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần, hai đối tác Star High và MNTH chiếm lần lượt là 28% và 23%

Còn nhớ, Viettel từng bị tuột khỏi tay tấm vé đầu tư vào viễn thông năm 2013 khi bỏ thầu quốc tế cùng với 11 nhà thầu khác trên thế giới. Ooredoo (Qatar) và Telenor (Na Uy) đã chiến thắng trong cuộc đua gay cấn.

Dù thua thầu, nhưng Viettel vẫn không bỏ cuộc. Nhà mạng này tính chuyện “đi tắt” bằng cách đề nghị góp 800 triệu USD vào hãng viễn thông quốc doanh Yatanarpon Teleport (YTP), hãng viễn thông thứ 4 được cấp phép ở Myanmar để lập liên doanh.

Cuối cùng, với một số cam kết về đối tác, xây dựng hạ tầng và việc đầu tư 2 tỷ USD, Liên doanh đã có trong tay tấm vé này.

Ngày 8/9/2016, Viettel đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với hai đối tác Myanmar. Tổng vốn đầu tư của liên doanh là 2 tỷ USD, trong đó Viettel nắm giữ 49% cổ phần, hai đối tác Star High và MNTH chiếm lần lượt là 28% và 23%.

Khai trương trong 12 tháng tới

Giấy phép này được cấp cho liên doanh với thời hạn 15 năm. Liên doanh của Viettel đặt mục tiêu khai trương sau 12 tháng và phủ 95% dân số Myanmar trong vòng 3 năm.

Ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Quan điểm của Viettel từ trước đến nay là bắt đầu khai trương thì mạng lưới phải tốt hơn nhà mạng tốt nhất ở đó. Chúng tôi sẽ xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp trên toàn Myanmar và sẽ cố gắng nỗ lực làm rất nhanh”.

Theo ông Dũng, Viettel đã có kinh nghiệm trong việc tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, biết cách đưa dịch vụ đến mọi người dân. Chiến lược đầu tư dài hạn của Viettel thông qua vùng phủ rộng toàn quốc, chất lượng mạng lưới vượt trội và cách kinh doanh phù hợp với từng địa phương, Viettel đã nhận được sự ủng hộ, chào đón của rất nhiều chính phủ, nhà đầu tư viễn thông trên thế giới.

Hồi tháng 5/2016, ngay sau khi đạt thỏa thuận thành lập Liên doanh, một đoàn khảo sát kỹ thuật của Viettel với hơn 20 người đã lên đường tới Myanmar bắt đầu chuyến khảo sát hạ tầng mạng cùng với nhóm của phía đối tác Myanmar.

Viettel đã có kinh nghiệm trong việc tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, biết cách đưa dịch vụ đến mọi người dân.

Viettel cho biết, sau khi có giấy phép, Viettel và các đối tác sẽ gấp rút triển khai hạ tầng và bắt tay vào kinh doanh. Dự kiến, Liên doanh sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho các hạng mục quan trọng như nộp tiền giấy phép, làm hạ tầng, đấu giá mạng 4G…, sau đó sẽ đưa vào kinh doanh.

“Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 5 - 7 triệu thuê bao và lọt vào Top 3 tại Myanmar sau 2 năm có giấy phép”, ông Dũng cho biết.

“Gà vàng” sớm cất tiếng gáy

Đánh giá về tiềm năng thị trường Myanmar, đại diện Viettel cho biết, Myanmar là thị trường nước ngoài lớn nhất của Viettel tính đến thời điểm hiện tại. Myanmar được kỳ vọng sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” cho Viettel.

Theo phân tích của ông Dũng, Myanmar là thị trường mới nổi, là thị trường có GDP tăng trưởng bình quân tới 8%/năm, nên rất tiềm năng.

Myanmar có gần 60 triệu dân, trong đó, 60% dùng smartphone. Doanh thu trung bình của một khách hàng (APRU) tại thị trường này là 4 USD. Đặc biệt, tại Myanmar có các công ty chuyên đầu tư phát triển hạ tầng độc lập, nên Liên doanh có thể thuê lại hạ tầng trạm BTS để tiết kiệm vốn đầu tư ban đầu và nhanh chóng triển khai cung cấp dịch vụ ngay sau khi có giấy phép.

Tuy nhiên, Viettel cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, như tỷ lệ thâm nhập các dịch vụ viễn thông tại Myanmar đã lên tới 75% dân số, giá cước (thoại và dữ liệu) rẻ (hiện tương đương với Việt Nam, khoảng 2 UScent/phút), sự cạnh tranh khốc liệt của các nhà mạng tại Myanmar…

Những thách thức lớn đang đón chờ Viettel, nhưng “với kinh nghiệm triển khai kinh doanh tại 9 thị trường nước ngoài, cùng chiến lược kinh doanh linh hoạt, hiệu quả, Viettel tự tin cạnh tranh với các nhà mạng tại Myanmar”, lãnh đạo Viettel khẳng định.

Tin bài liên quan