Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của khối tư nhân đang ngày càng gia tăng

Xu hướng đầu tư ra nước ngoài của khối tư nhân đang ngày càng gia tăng

Rộng cửa cho doanh nghiệp Việt “đi đánh xứ người”

(ĐTCK) Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với đà mở cửa thị trường, đặc biệt là với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài. 

Việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động này là tiền đề thuận lợi để các DN Việt Nam kỳ vọng đón đầu những cơ hội đầu tư rộng mở tại “xứ người”.

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay, Việt Nam đã đầu tư tại 63 quốc gia và vùng lãnh thổ với 891 dự án, tổng vốn đăng ký đạt gần 20 tỷ USD. Trong đó, Lào là quốc gia thu hút nhiều dự án đầu tư của Việt Nam nhất với 249 dự án, giá trị tổng vốn đầu tư đạt 7,4 tỷ USD; tiếp đến là Campuchia với 161 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 3,4 tỷ USD; Singapore có 55 dự án, Myanmar 22 dự án và Liên bang Nga 19 dự án. Trong 6 tháng đầu năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 47 dự án đầu tư sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 19 lượt điều chỉnh vốn, tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 155,4 triệu USD.

Một xu hướng rất đáng quan tâm gần đây là, song hành cùng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn và DNNN lớn như Viettel, Vinamilk…, đầu tư của khối tư nhân, đặc biệt đầu tư của cá nhân, các DN vừa và nhỏ ra nước ngoài ngày càng tăng. Cùng với đó, dòng vốn đầu tư của Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh chóng ở các thị trường truyền thống, mà được mở rộng sang các quốc gia châu Mỹ La tinh, châu Phi, châu Âu và các quốc gia phát triển. Xu thế này đã thể hiện rõ nét trong bức tranh đầu tư ra nước ngoài 6 tháng đầu năm.

Theo đó, đứng ngay sau quốc gia thu hút vốn đầu tư của Việt Nam nhiều nhất là Lào với 4 dự án mới và 2 lượt điều chỉnh nâng tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư Việt Nam tại thị trường này đạt 53,9 triệu USD, là thị trường Hoa Kỳ với 50,8 triệu USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, với 7 dự án cấp mới và 1 lượt điều chỉnh.

Đứng thứ ba là CHLB Đức có 1 dự án mới, 1 lượt điều chỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26,5 triệu USD (chiếm 17% tổng vốn đầu tư đăng ký). Điều này cho thấy, bên cạnh các thị trường truyền thống, các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới giờ đây đang trở thành đích nhắm đầy tiềm năng của các DN Việt.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam gần đây đã có sự tăng trưởng rất nhanh về quy mô vốn, số lượng dự án, lĩnh vực đầu tư cũng như địa bàn đầu tư.

Nguyên nhân, trước hết là nền kinh tế nội địa thời gian qua tăng trưởng nhanh, đòi hỏi mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tìm kiếm thêm những nguồn lực mới, phục vụ cho mục tiêu phát triển của đất nước.

Thứ hai, số lượng DN đầu tư ra nước ngoài tăng cao cả về quy mô và phạm vi hoạt động đã đặt ra nhu cầu vươn ra thị trường nước ngoài để mở rộng phạm vi hoạt động. Đặc biệt, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, thúc đẩy hoạt động dịch chuyển dòng vốn được tốt hơn và hiệu quả hơn, bao gồm cả hoạt động đầu tư vào Việt Nam và hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN.

Đánh giá về cơ hội và xu thế đầu tư ra nước ngoài tới đây, Ths. Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty N&G Group, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, cho rằng, các DN Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội rất tiềm năng, bởi Việt Nam đã tiến rất sâu trong tiến trình hội nhập, đặc biệt với việc tham gia TPP cùng các hiệp định song phương thế hệ mới.

“Đầu tư ra nước ngoài đang có nhiều cơ hội lớn, tất nhiên các cường quốc hơn hẳn chúng ta vì họ đi trước cả về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, song trong toàn bộ cấu trúc kinh tế, vẫn có những khe cửa dù hẹp những đầy tiềm năng cho các DN tại quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc tìm hiểu và nắm bắt cơ hội đầu tư ra ngoài, đặc biệt bám sát các cơ hội đầu tư mở ra từ TPP và các FTA đang là đích nhắm trong kế hoạch phát triển của nhiều DN Việt Nam”, ông Hoàng nói và cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định 83 đã tạo khung pháp lý quan trọng, nhưng ở các cấp khuôn khổ hướng dẫn thấp hơn như thông tư, văn bản hướng dẫn… cũng cần sớm được kiện toàn, tạo điều kiện cho DN khi đầu tư ra nước ngoài được thông thoáng và thuận lợi.

Tin bài liên quan