Sắp xếp gọn gàng các mảng hoạt động sẽ giúp REE tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Sắp xếp gọn gàng các mảng hoạt động sẽ giúp REE tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

REE sẽ tiếp tục đặt cược vào điện

Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) đang đẩy mạnh đầu tư vào hai nhóm điện và nước để gia tăng lợi nhuận, khi mảng cơ đang chịu cạnh tranh cao và có dấu hiệu bão hòa. Nhưng mảng điện, đầu tư theo hình thức liên doanh liên kết, mới đây đã bộc lộ dấu hiệu bất ổn, vậy REE sẽ làm gì với mảng này?

Giảm lãi vì điện

Đầu tư vào các công ty năng lượng (than, điện, nước) theo hình thức liên doanh liên kết là “con bài” chiến lược của REE từ năm 2012. Tuy nhiên, các số liệu báo cáo trong hai quý đầu năm 2014 cho thấy, REE đang đối mặt với không ít rủi ro trong chiến lược mới.

Trong quý II/2014, lợi nhuận từ nhóm công ty liên kết âm 70 tỷ đồng, khiến lợi nhuận ròng của REE giảm 20%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2014, với mức giảm 100% lợi nhuận từ nhóm này đã kéo lợi nhuận ròng của REE sụt giảm. Nói cách khác, REE gần như chưa thu được gì từ việc đầu tư liên doanh liên kết trong nửa đầu năm 2014.

“Con bài” liên kết có vai trò lớn nhất để gia tăng lợi nhuận cho REE trong hai năm qua, mà nhóm công ty điện, có sức nặng đáng kể nhất, thì nay, đó cũng là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận REE giảm rõ rệt, chủ yếu là từ Nhiệt điện Phả Lại (PPC). PPC đã lỗ 50 tỷ đồng trong quý II/2014 và kéo lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2014 giảm trên 80% so với cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 6/2014, REE có 4 công ty điện liên kết, chiếm tỷ lệ vốn lớn nhất là PPC với hơn 22% cổ phần và giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.

Theo công bố của PPC, Công ty lỗ cả ở hoạt động sản xuất, kinh doanh chính và hoạt động tài chính. Giá vốn của PPC gần chạm mức 100% trong quý II/2014 do chi phí sản xuất tăng mạnh, trong đó, chi phí nguyên liệu tăng tới 50%. Đồng thời, PPC cũng gánh một khoản lỗ hơn 155 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá đồng yên (Nhật Bản), sau khi lãi lớn từ khoản này năm trước đó.

Thật ra, rủi ro tỷ giá ở PPC là chuyện không mới, thậm chí, hầu hết các doanh nghiệp đều không muốn vay vốn đầu tư bằng đồng yên Nhật, vì vậy, chuyện này chắc REE nắm rất chắc. Nhiều năm liền, lỗ từ chênh lệch tỷ giá đã ăn mòn gần hết vào lãi gộp của PPC. Vì thế, trong suốt giai  đoạn 2009 - 2011, dù doanh thu đạt 4.000 - 5.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của PPC chỉ ở mức vài ba tỷ đồng. Rủi ro này sẽ còn khiến PPC và REE “đắn đo” trong thời gian tới.

Và REE sẽ còn thêm đắn đo với rủi ro giá nhiên liệu than tăng, cả với PPC và Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), nơi REE đang nắm gần 30% cổ phần. Để dỡ bỏ việc bù giá chéo giữa các ngành công nghiệp, giá than bán cho ngành điện đã tăng thêm 5% nữa từ ngày 21/7/2014. Kể từ sau quý II/2013 đến hết quý II/2014, giá than bán cho ngành điện đã tăng hơn 30%, theo tính toán của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE).

Trong khi đó, giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của các công ty sản xuất điện có thể giảm ngay trong năm 2014. Cuối năm 2013, Bộ Công thương đã ban hành văn bản áp định mức lợi nhuận (được áp dụng từ năm 2014) cho các nhà máy điện đã cổ phần hóa. Theo đó, lợi nhuận của các nhà máy điện được tính bằng một tỷ lệ lợi nhuận nhất định nhân với vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ khiến lợi nhuận của các công ty sản  xuất điện giảm và chuyện đàm phán giá bán điện vốn đã phức tạp nay càng khó khăn hơn. Trước mắt, “giá bán điện bình quân quý II/2014 đã giảm 10% so với quý I/2014, dù có tăng khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2013”, theo nhận định từ MBKE.

Có chia tay điện?

Đứng trước những thách thức này, liệu REE có thoái vốn ở ngành điện?

Nếu nhìn lại, REE bắt đầu bước chân vào ngành điện từ đầu năm 2012, khi thoái xong vốn ở các doanh nghiệp ngành tài chính. Đây là lĩnh vực mang lại những khoản lãi ấn tượng và lớn nhất trong hoạt động đầu tư  liên kết của REE. Chẳng hạn, năm 2013, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở nhóm điện lên đến 26,4%. Đứng trước những thách thức này, liệu REE có thoái vốn ở ngành điện? Chắc chắn, đây vẫn là câu hỏi khó, thậm chí rất khó đối với REE.

Theo ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Đầu tư Công ty Chứng khoán MaritimeBank (MSBS), sẽ khó có chuyện REE thoái vốn ở ngành điện trong tương lai gần. “Ngành điện vẫn rất đáng để REE tiếp tục đánh cược”, ông Khánh nhận xét. Có hai lý do để nhà đầu tư tin rằng, REE vẫn muốn nắm chắc ngành điện.

Việt Nam đang từng bước phát triển một thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Ở giai đoạn cuối, dự kiến diễn ra vào năm 2022, thị trường điện của Việt Nam sẽ là thị trường bán lẻ cạnh tranh ở ba khâu phát điện, bán buôn và bán lẻ. Trong một phát biểu gần đây, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc REE nói: “Giá điện sẽ được nới lỏng theo thời gian, mỗi năm vài phần trăm”. Với việc nắm cổ phần ở các công ty sản xuất điện, cả ở công ty than – cung cấp nhiên liệu cho ngành điện, REE sẽ có được vị thế quan trọng trên thị trường này trong vài năm tới. Vị thế này khá vững chắc vì REE còn có sẵn chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong ngành.

Mặt khác, REE cũng đang gia tăng sở hữu cổ phần ở ngành điện. Hồi cuối tháng 5/2014, REE mua thêm 12,5 triệu cổ phiếu Thủy điện Thác Bà (TBC). Với giao dịch này, REE biến TBC từ công ty liên kết thành công ty con từ cuối quý II/2014. Trước khi giao dịch, REE đang đàm phán mua cổ phiếu TBC từ Công ty Chứng khoán HSC bằng đúng lượng cổ phiếu trên.

“Kết quả kinh doanh vừa rồi bắt nguồn từ việc, PPC chưa chốt được giá bán điện. Điều này không ảnh hưởng đến định hướng đầu tư lâu dài vào ngành điện của REE”, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Giám đốc Tài chính của REE cho biết.

Như vậy, có thể thấy quyết tâm của REE với ngành điện, kể cả với than và cung cấp nước sạch là nắm giữ lâu dài. Bài toán này không chỉ nằm ở mức liên kết mà còn xa hơn. REE đã manh nha ý tưởng lập một công ty cổ phần quản lý các khoản đầu tư điện và nước, theo phát biểu của bà Mai Thanh hồi cuối năm 2013. Chuyện này có vẻ giống với động thái mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã làm trước đây.

Trong chiến dịch tái cơ cấu Tập đoàn, HAG lập nên Công ty An Phú chuyên quản lý các khoản đầu tư vào bất động sản. Không lâu sau đó, HAG chào bán gần như toàn bộ cổ phần công ty này ra công chúng. Giám đốc Đầu tư một quỹ Đầu tư tại TP.HCM cho rằng: “Rất có thể, REE cũng sẽ làm như vậy”. Tuy nhiên, điện và nước là ngành giúp REE hưởng lợi lâu dài. Do đó, bán 49% để thu tiền về, trong khi vẫn nắm quyền chi phối có vẻ là lựa chọn hoàn hảo. Nếu có, REE vừa đạt mục đích sắp xếp gọn gàng các mảng hoạt động, tăng sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, vừa thu về khoản tiền đáng kể.

Song “con bài” chính giúp REE gia tăng lợi nhuận đã gần như mất tác dụng trong 2 quý đầu năm. Trong khi đó, các rủi ro ở ngành điện vẫn tiếp tục và có thể gia tăng ở nửa cuối năm 2014 với các công ty điện liên kết của REE. Vì vậy, lợi nhuận ròng năm nay của REE chắc chắn bị ảnh hưởng.

Trong một đánh giá dè dặt gần đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) ước đoán, REE có thể đạt 856 tỷ đồng lợi nhuận ròng, thấp hơn mục tiêu 892 tỷ đồng mà REE đặt ra hồi đầu năm. Đánh giá về điều này, ông Nguyễn Ngọc Thái Bình nói: “Chúng tôi vẫn giữ kế hoạch cũ. Khi lập kế hoạch kinh doanh, REE đã tính đến những yếu tố trên. Khó khăn đang diễn ra tại PPC chỉ là tạm thời”. 

Có vẻ như REE chấp nhận những rủi ro của ngành điện và tiếp tục rót vốn thêm, vì cái lợi xa và lớn hơn sắp tới - một vị thế có ảnh hưởng to lớn trên thị trường điện.

Tin bài liên quan