Quy định mới hạn chế giá xăng tăng vọt

Thời gian ổn định giá xăng sẽ kéo dài hơn, thành phần tham gia kinh doanh trên thị trường sẽ gia tăng hơn so với trước, tổng đại lý có thể mua xăng từ nhiều nguồn khác nhau… là những điểm mới của thị trường xăng dầu trong nước kể từ ngày 1/11/2014.

Theo quy định mới, nếu giá cơ sở tăng 0-3%, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được tự điều chỉnh giá bán lẻ.

Theo quy định mới, nếu giá cơ sở tăng 0-3%, doanh nghiệp phân phối xăng dầu được tự điều chỉnh giá bán lẻ.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực vào ngày 1/11/2014, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ năm 2009), với sự tham gia của hơn 10 doanh nghiệp (DN), tổng đại lý kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, Nghị định 83 vẫn đảm bảo giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng lại có những điểm mới căn bản, nhằm đưa thị trường xăng dầu phát triển tiệm cận thị trường xăng dầu thế giới.

Một trong những tiến bộ căn bản là Nghị định quy định, DN đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn. DN đầu mối và DN phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều 38 về giá bán xăng dầu của Nghị định 83.

Theo đó, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Liên quan đến vấn đề điều chỉnh giá, được cho là nhạy cảm với người tiêu dùng, DN và cả nền kinh tế, Nghị định 83 nêu rõ, nếu giá cơ sở tăng 0-3%, thì DN tự quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá.

Trường hợp giá cơ sở tăng 3-7%, việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các bộ Công thương, Tài chính. Nếu giá cơ sở tăng trên 7% là do Chính phủ quyết định.

Theo ông Ruệ, quy định mới này nhằm hạn chế sự tăng mạnh của giá bán lẻ xăng dầu, bởi theo Nghị định 84 hiện đang áp dụng, DNđược quyền tự quyết tăng giá nếu giá cơ sở tăng đến 7%. Nếu vẫn giữ nguyên mức này, tính tại thời điểm giá xăng hơn 23.000 đồng/lít như hiện nay, mỗi lần tăng giá, DN được quyền tăng tới 1.500 đồng/lít, sẽ tạo áp lực lớn lên nền kinh tế.

Một điểm khác cũng được cho là tích cực là Nghị định 83 bổ sung 2 thành phần tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu, đó là DN phân phối và DN nhận quyền. Đối với DN phân phối, quyền và nghĩa vụ sẽ ngang với đầu mối kinh doanh xăng dầu, được mua xăng dầu từ nhiều đầu mối và quyết định giá, nhưng không được quyền nhập khẩu xăng dầu. DN nhận quyền là DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo phương thức nhượng quyền thương mại từ DN đầu mối và DN phân phối.

Thừa nhận những điểm mới trong quy định kinh doanh xăng dầu, nhưng đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các DN cũng chỉ ra không ít vấn đề vướng mắc khi Nghị định 83 có hiệu lực vào ngày 1/11/2014.

Bản thân ông Ruệ cũng cho rằng, ngay quy định về “Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập và sử dụng liên tục, thường xuyên” tại Nghị định 83 là không hợp lý, bởi nếu trích quỹ liên tục, người tiêu dùng sẽ thiệt, còn nếu xả quỹ liên tục, thì gánh nặng sẽ đè lên vai DN.

Đại diện DN, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xăng dầu Tự Lực 1 (Sơn Tây, Hà Nội), tổng đại lý của Công ty cổ phần Xăng dầu Khu vực 1 cho rằng, về cơ bản, nội dung của Nghị định 83 là ổn, nhưng nếu không có thông tư hướng dẫn cụ thể, thì rất khó đi vào cuộc sống.

Theo ông Tiu, theo Điều 18 về quyền và nghĩa vụ của tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, được kinh doanh theo hình thức là bên đại lý cho một DN đầu mối và được hưởng thù lao đại lý. Thế nhưng, từ trước đến nay, mang danh là tổng đại lý, nhưng thực chất đều là mua đứt, bán đoạn. Bởi vậy, thông tư hướng dẫn không cụ thể, thì chẳng khác gì Nghị định 84. Chưa kể, nếu hướng dẫn không rõ ràng, sẽ dẫn đến việc thực hiện chế độ ghi chép chứng từ phù hợp với hình thức kinh doanh là đại lý trong các khâu kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của Bộ Tài chính là “bất khả thi” với doanh nghiệp.

“Còn quá nhiều việc phải làm từ nay đến ngày 1/11/2014. Riêng với DN làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, còn phải gửi hồ sơ đến Bộ Công thương để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, nhưng với thời gian gấp gáp như hiện tại, khả năng bị trễ là rất lớn”, ông Tiu lo ngại.

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), Nghị định 83 đã được ban hành và chỉ một thời gian ngắn nữa chính thức có hiệu lực. Với 4 chương, 9 mục và 43 Điều, nhưng hoàn toàn không có nội dung về chế tài xử phạt, chỉ quy trách nhiệm của từng bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố…

Góp ý của các DN tại Hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP gần như đều được khởi đầu bằng ý kiến “Nghị định đã được ban hành, nên chủ yếu nêu những vấn đề cần được chỉ rõ tại thông tư hướng dẫn dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới”.

Một nghị định được thừa nhận có nhiều điểm mới, ưu việt hơn hẳn nghị định cũ, nhưng xem ra, trách nhiệm của cơ quan trong ban hành thông tư hướng dẫn còn khá nặng nề.

Tin bài liên quan