Quản trị rủi ro thuế, cách nào?

Quản trị rủi ro thuế, cách nào?

(ĐTCK) Khá nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ không cố tình vi phạm thuế, mà chủ yếu là do cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý khác nhau. Trong bối cảnh cơ quan thuế sẽ siết chặt kỷ luật thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông có nhận xét gì về tính tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp hiện nay so với trước đây?

Với vai trò là một trong những công ty kiểm toán và tư vấn thuế chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, Deloitte Việt Nam đã tham gia trợ giúp cho rất nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn khác nhau, cũng như thường xuyên phối hợp, làm việc với cơ quan thuế trong việc đóng góp và xây dựng chính sách thuế. Qua đó, chúng tôi nhận thấy, mức độ tuân thủ thuế của các doanh nghiệp hiện nay đang ngày càng được nâng cao đáng kể so với trước đây.

Theo chúng tôi, điều này xuất phát từ 2 lý do chính: Một là, bản thân các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt chính sách pháp luật thuế để đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ thuế tốt hơn.

Hai là, trong thời gian vừa qua, ngành thuế đã có nhiều nỗ lực cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, phổ biến chính sách thuế, mặt khác tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, góp phần nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Khá nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ không cố tình vi phạm thuế, mà chủ yếu là do cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý khác nhau, ông có bình luận gì?

Đây là thực tế mà rất nhiều doanh nghiệp và cơ quan thuế đang gặp phải trong việc thực thi chính sách thuế. Theo chúng tôi, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các văn bản pháp luật về thuế hiện nay có những điểm chưa rõ ràng, chưa bao quát đầy đủ các tình huống thực tế xảy ra, khiến cho việc diễn giải quy định pháp luật thường tồn tại các quan điểm khác nhau, không đồng nhất.

Ông Bùi Ngọc Tuấn 

Chẳng hạn, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định, dự án đầu tư mở rộng được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đầu tư ban đầu nếu cùng lĩnh vực, địa bàn với dự án đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, khi diễn giải quy định “cùng địa bàn”, có các cách hiểu khác nhau về vấn đề này như “cùng địa bàn địa lý” (địa bàn tỉnh, thành phố), “cùng loại địa bàn” (địa bàn khu công nghiệp, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn).

Giải pháp để hạn chế bất cập này là gì, theo ông?

Từ quan điểm tư vấn thuế, chúng tôi cho rằng, ngành thuế cần tập trung giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề, đó là hoàn thiện thể chế chính sách và quản lý thuế.

Thứ nhất, ngành thuế cần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về chính sách thuế, hướng dẫn doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các quy định còn chưa rõ ràng trong các văn bản pháp luật thuế, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổci chính sách, chế độ thuế theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để đảm bảo áp dụng thống nhất giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Trong trường hợp quy định chưa rõ ràng, cơ quan thuế nên có cách nhìn nhận tích cực dựa vào bản chất nghiệp vụ để có những hướng dẫn linh động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận và bằng nhiều phương thức đa dạng như qua văn bản, điện thoại, hướng dẫn trực tiếp, tổ chức các hội nghị đối thoại, nhằm hiểu rõ hơn khó khăn thực tế của người nộp thuế, cũng như giúp người nộp thuế nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin, hướng dẫn về pháp luật thuế để áp dụng phù hợp.

Theo ông, cơ quan thuế nên có giải pháp gì để vừa khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ quy định về thuế, vừa góp phần thu thuế hiệu quả, động viên doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai nộp thuế?

Để đạt được những mục tiêu này, cơ quan thuế cần triển khai đồng bộ các giải pháp cả về xây dựng và hoàn thiện chính sách thuế lẫn công tác quản lý thuế như đã đề cập ở trên.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế, hướng tới mục tiêu đạt mức trung bình của nhóm các nước ASEAN 4.

Các văn bản pháp luật về thuế hiện nay có những điểm chưa rõ ràng, chưa bao quát đầy đủ các tình huống thực tế xảy ra, khiến cho việc diễn giải quy định pháp luật thường tồn tại các quan điểm khác nhau, không đồng nhất   

Gần đây, việc cơ quan thuế thực hiện chủ trương hoàn thuế điện tử là một ví dụ rõ ràng nhất của việc cải cách thuế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Bên cạnh đó, trong xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, các dự án, đề xuất nâng cao ứng dụng về hóa đơn điện tử, thắt chặt thanh toán không dùng tiền mặt... cũng sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch trong xử lý thông tin, gia tăng tính tuân thủ từ phía doanh nghiệp và hệ thống quản lý của cơ quan thuế.

Cơ quan thuế cũng cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Với mục tiêu tối thiểu 90% doanh nghiệp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp được lựa chọn thông qua đánh giá rủi ro, bộ tiêu chí đánh giá rủi ro của cơ quan thuế cần được thường xuyên rà soát và cập nhật để lựa chọn đúng đối tượng. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ bị thanh tra, hoặc kiểm tra hai năm liên tiếp, nhưng số truy thu phát sinh không nhiều.

Ngoài ra, trình độ của cán bộ thanh tra thuế cần tiếp tục được nâng cao, đặc biệt là cách thức tiếp cận vấn đề trên cơ sở hiểu rõ bản chất hoạt động của doanh nghiệp, để đảm bảo xử lý đúng các sai phạm, đồng thời giúp doanh nghiệp phát hiện các sai sót nội tại, hoàn thiện cơ cấu quản lý và nâng cao tính tuân thủ. Trong xu hướng thanh tra, kiểm tra thuế là hoạt động tất yếu của cơ chế tự khai, tự nộp thuế và cơ quan thuế Việt Nam đặt mục tiêu số lượng cán bộ thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 35% tổng số cán bộ toàn ngành, thì các giải pháp trên về thanh tra là rất cần thiết.

Trên góc độ quản lý tuân thủ nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế có thể học tập kinh nghiệm của quốc tế để áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam, ví dụ mô hình đánh giá, phân loại tuân thủ của doanh nghiệp theo 4 cấp độ (cam kết, chấp nhận, miễn cưỡng, từ chối), từ đó có các biện pháp quản lý thuế tương ứng đối với từng nhóm đối tượng, đã được áp dụng rất thành công tại các nước OECD như Australia, Newzealand...

Về phía doanh nghiệp, nên lưu ý những gì trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế, tránh nguy cơ vi phạm dẫn tới tổn thất về tài chính cũng như uy tín?

Với kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật thuế, tôi cho rằng, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động triển khai một số giải pháp sau để tránh các rủi ro từ việc không tuân thủ pháp luật thuế.

Thứ nhất, thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt chính sách thuế; chủ động tham gia các chương trình tuyên truyền hỗ trợ, các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị đối thoại… do cơ quan thuế, hoặc các công ty tư vấn thuế uy tín tổ chức để cập nhật các chính sách mới được ban hành, quan điểm xử lý của cơ quan thuế đối với những vướng mắc cụ thể.

Thứ hai, chủ động kiến nghị các vướng mắc qua nhiều kênh khác nhau (trực tiếp kiến nghị qua đường công văn, hoặc kiến nghị qua các tổ chức chuyên môn như hội tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn…) để cơ quan thuế, Bộ Tài chính nắm được vướng mắc trong thực tiễn và có hướng sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định thuế phù hợp.

Thứ ba, định kỳ thường xuyên tự rà soát lại hoặc mời các công ty tư vấn độc lập vào soát xét việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp mình để tìm ra các rủi ro tiềm tàng, qua đó hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ, lưu trữ hồ sơ chứng từ cho mục đích thuế cho phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế và tuân thủ triệt để các quy định về thuế.

Tin bài liên quan