Quản trị nợ, không chỉ “nóng” với doanh nghiệp

Quản trị nợ, không chỉ “nóng” với doanh nghiệp

(ĐTCK) Phát hành trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ công đang là chủ đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư cũng như giới phân tích trên thị trường tài chính.

Thành công của các đợt phát hành (nếu có) gắn liền với những thông tin về Việt Nam sẽ trở thành thước đo uy tín của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính trong con mắt của giới đầu tư nước ngoài. Bởi vậy, những quyết sách quan trọng này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách điều hành kinh tế vĩ mô trong nước mà còn có thể tạo ra những tác động to lớn đối với cả thị trường vốn của Việt Nam.

Một trong những nội dung được tranh luận nhiều nhất là việc Việt Nam có nên huy động vốn quốc tế để đảo nợ và mức lãi suất nào là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Năm 2014, để tái cơ cấu danh mục nợ công, Bộ Tài chính đã phát hành thành công trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD với lãi suất 4,7%/năm, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm. Theo Bộ Tài chính, việc này giúp tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ trong 10 năm.

Tuy nhiên, động thái này cộng với việc gần 7,6 nghìn tỷ đồng trong kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2015 được ứng trước cho một số dự án, theo quan điểm của các chuyên gia Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có thể tạo ra lo ngại về việc phần lớn trái phiếu chính phủ phát hành năm 2014 để đảo nợ chứ không phục vụ cho đầu tư.

Rõ ràng là nếu không cân nhắc và tính toán kỹ, các thế hệ sau có thể phải trả giá rất đắt cho việc này. Chưa cần tính xa, ngay những năm tiếp theo (2016-2020), hai lô trái phiếu quốc tế phát hành trước đây sẽ đáo hạn (1 lô trị giá 750 triệu USD năm 2005 và 1 lô 1 tỷ USD năm 2010), tiếp đó là lô thứ ba phát hành năm 2014 sẽ đáo hạn năm 2024.

Giới chuyên gia nhận xét rằng, áp lực trả nợ nước ngoài dưới hình thức trả nợ trái phiếu quốc tế sẽ rất lớn và trường kỳ, có khả năng đưa Việt Nam đứng trước các tình thế nguy hiểm tại các thời điểm nóng về đáo hạn nợ. Trong khi đó, với việc các khoản vay ODA đối với Việt Nam ngày càng bị thu hẹp, chúng ta sẽ dần phải tiếp cận với các khoản vay ít ưu đãi và các khoản vay với điều kiện vay thương mại hoặc các khoản vay có lãi suất thả nổi. Do đó, cần phải cân nhắc đến rủi ro lãi suất trong các đợt phát hành trái phiếu quốc tế tới đây.

Bên cạnh những tranh luận về việc nên hay không phát hành trái phiếu quốc tế để trả nợ sớm, khuyến nghị xây dựng hệ thống phân tích và quản trị nợ công một cách minh bạch, chính xác và có hiệu quả chính là việc làm rất cần thiết lúc này.

Tin bài liên quan