Phát triển bền vững, doanh nghiệp đã chuyển biến rõ ràng về nhận thức

Phát triển bền vững, doanh nghiệp đã chuyển biến rõ ràng về nhận thức

(ĐTCK) 87 trong tổng số 121 báo cáo lọt vào vòng chung khảo Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (BCTN) 2015 có nội dung phát triển bền vững. Thực tế này gây một ấn tượng mạnh với Hội đồng bình chọn trong mùa giải Báo cáo thường niên năm nay.

Không chỉ nằm ở số lượng, chất lượng nội dung báo cáo phát triển bền vững cũng có sự tiến bộ.

Nếu như trong báo cáo thường niên các năm trước, nội dung báo cáo phát triển bền vững hầu hết chỉ nêu sơ sài một số hoạt động từ thiện của doanh nghiệp, thì trên nhiều báo cáo năm nay, các chính sách đãi ngộ người lao động, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quản trị nhân sự, các hoạt động cộng đồng, bảo vệ môi trường..., những nội dung của phát triển bền vững đã được đề cập khá đầy đủ, phong phú.

Số doanh nghiệp tham khảo chuẩn mực quốc tế về lập báo cáo phát triển bền vững (đặc biệt là chuẩn G4 của Tổ chức Global Reporting Intiative) cũng gia tăng đáng kể so với các năm trước. Các doanh nghiệp như PVD, Vinamilk, Bảo Việt, Imexpharm, HSC…, đã làm rất tốt báo cáo này.

Từ năm 2013, trong khuôn khổ Cuộc bình chọn BCTN tốt nhất, Ban Tổ chức đã quyết định bình chọn và trao giải cho các DN có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất. Sau 3 mùa giải, với những gì được trình bày trên các báo cáo, không khó để nhận ra một thực tế, đã có sự chuyển biến rõ ràng về nhận thức của các doanh nghiệp về tăng trưởng bền vững.

Không chỉ là thực hiện trách nhiệm với môi trường, với xã hội, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra rằng, những chính sách ưu đãi người lao động, ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, hay hoạt động từ thiện… cũng giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn cũng như nâng cao uy tín thương hiệu.

Đã qua cái thời người ta chỉ chăm chăm vào các chỉ tiêu tài chính, con số lợi nhuận, nhà đầu tư hôm nay đã quan tâm hơn đến các chính sách quản trị, nhân sự của doanh nghiệp, những chỉ tiêu phi tài chính của doanh nghiệp.

Theo kết quả khảo sát gần đây do Hãng nghiên cứu Nielsen thực hiện, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người tiêu dùng thể hiện cảm tình với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cao thứ nhì thế giới.

Cáo buộc của Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness), mà người đứng sau là tỷ phú Goerge Soros về việc vi phạm môi trường của một số DN Việt Nam hồi năm 2013, đã khiến DN phải mất nhiều thời gian để lấy lại uy tín. Hay như Vedan, vụ xả thải ra sông Thị Vải bị phát hiện hồi năm 2006 không chỉ khiến Công ty phải đứng trước trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân vùng bị ảnh hưởng, mà uy tín của Công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản phẩm của Vedan từng bị người tiêu dùng tẩy chay.

Giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững không chỉ là sự tôn vinh những doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất, mà còn hướng các doanh nghiệp đến những chuẩn mực minh bạch thông tin và kinh doanh có trách nhiệm trong mối quan hệ với các bên liên quan.

Điều này có ý nghĩa rất lớn, bởi nói như Christine Koblun, Trưởng bộ phận Phát triển mạng lưới toàn cầu của Tổ chức Global Reporting Intiative thì việc quan tâm lập báo cáo phát triển bền vững chính là cách để tăng niềm tin, sự tôn trọng và hiệu quả hoạt động cho mỗi DN, mỗi tổ chức trong xã hội.

Vì thế, không chỉ DN làm báo cáo phát triển bền vững, Tổ chức Global Reporting Intiative khuyến nghị rằng, các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ cũng nên quan tâm lập báo cáo phát triển bền vững. Muốn trụ vững và phát triển, hoạt động của mỗi cá nhân, tổ chức phải được gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Tin bài liên quan