Tham gia Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững, DN nâng cao uy tín với khách hàng, đối tác

Tham gia Chương trình đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp bền vững, DN nâng cao uy tín với khách hàng, đối tác

Phát triển bền vững, cuộc chơi không chỉ của “ông lớn”

(ĐTCK) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với một số bộ, ngành, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khởi động Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững 2016. Sân chơi mới này không chỉ là của các DN lớn, mà các DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ cũng có cửa tham gia.

Cuộc đua phát triển bền vững

“Đây là năm đầu tiên VCCI tổ chức Chương trình đánh giá, xếp hạng DN phát triển bền vững, theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo 398/TB-VPCP ngày 15/12/2015 về xếp hạng DN bền vững từ năm 2016. Chương trình này được thực hiện thông qua bộ chỉ số về phát triển bền vững (Corporate Sustainability Index-CSI)...”, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết tại Lễ phát động Chương trình đánh giá, xếp hạng các DN bền vững 2016 vừa diễn ra.

Ở vai trò là Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc VCCI, đồng thời là thành viên Ban chỉ đạo Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững 2016, ông Vinh cho biết thêm, bất kể là DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN Nhà nước, công ty cổ phần… có quy mô lớn, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đang hoạt động tại Việt Nam đều có thể đăng ký tham gia xếp hạng nếu thỏa mãn 3 điều kiện: có chiến lược phát triển bền vững toàn diện; nhận thức rõ về lợi ích của phát triển bền vững là bộ khung chính để DN xây dựng bộ máy hoạt động của mình, tối ưu quy trình sản xuất - kinh doanh, chuỗi cung ứng; hoạt động kinh doanh có hiệu quả kinh tế...

Một vấn đề có liên quan là việc áp đặt các DN lập báo cáo phát triển bền vững, ông Vinh cho biết, nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều nước tại châu Á đã đưa ra các quy định buộc DN phải công khai các hoạt động phi tài chính. Liên minh châu Âu đưa ra quy định yêu cầu các DN sử dụng từ 500 lao động trở lên phải lập báo cáo phát triển bền vững hàng năm. Trung Quốc cũng đã áp dụng quy định này từ năm 2006, nhằm nâng cao tính minh bạch, bền vững trong hoạt động của DN. Tuy nhiên, tại Việt Nam mới dừng ở tình trạng khuyến khích các DN niêm yết lập báo cáo phát triển bền vững.

Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam, phát triển bền vững hiện trở thành mục tiêu và yêu cầu mang tính sống còn đối với hoạt động của mỗi quốc gia, mỗi DN. Chương trình đánh giá xếp hạng DN bền vững có ý nghĩa quan trọng, giúp thúc đẩy hơn nữa phát triển bền vững trong cộng đồng DN, đồng thời góp phần hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam...

Những lợi ích mà DN nhận được khi tham gia Chương trình đánh giá, xếp hạng DN bền vững, theo ông Vinh, đó là nâng cao uy tín của DN với khách hàng và chứng tỏ cam kết của DN trong thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR), cải thiện hiệu quả kinh doanh, gắn bó nhân viên với công ty, nâng cao lợi thế cạnh tranh... Ban tổ chức cho biết, sẽ có 100 DN được tôn vinh tại Lễ công bố Bảng xếp hạng DN bền vững năm 2016, dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 10/2016.   

DN lúng túng khi áp dụng thử nghiệm CSI

Bộ chỉ số CSI là công cụ để “cân đo” các DN có đạt điểm về phát triển bền vững hay không. Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban thư ký của VBCSD cho biết, CSI được xây dựng dựa trên quy định của hệ thống pháp luật có liên quan, hướng dẫn Báo cáo phát triển bền vững GRI G4, hướng dẫn về trách nhiệm xã hội TCVN ISO 26000: 2013…, nên  cho phép đo lường chính xác các yếu tố phát triển bền vững của DN về các mặt hiệu quả kinh doanh, xã hội và môi trường. CSI bao gồm 151 chỉ số định tính và định lượng, trong đó có 14 chỉ số chung, 137 chỉ số cụ thể đối với từng lĩnh vực kinh tế, môi trường và xã hội.

Sau khi CSI được đưa vào áp dụng thử nghiệm tại 20 DN thuộc nhiều lĩnh vực vào đầu năm nay đã cho kết quả tích cực. Đến nay, bộ chỉ số này đã sẵn sàng cho chấm điểm các DN về phát triển bền vững.

“Tuy nhiên, quá trình áp dụng thử nghiệm CSI cũng bộc lộ một số vấn đề. Đó là các DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ khá lúng túng về phát triển bền vững cả trên khía cạnh am hiểu khái niệm lẫn các tiêu chí liên quan. DN cũng ngại cung cấp một số thông tin nhạy cảm. Kết quả áp dụng thử nghiệm CSI do lãnh đạo DN cung cấp, nên chưa có cái nhìn đa chiều từ các bên liên quan tại DN…”, ông Hải nói cho biết thêm, việc khắc phục các hạn chế này đang được thúc đẩy, để đảm bảo việc chấm điểm chuẩn xác, tin cậy.    

Tin bài liên quan