Phận “làm dâu trăm họ” của chính sách cổ tức

Phận “làm dâu trăm họ” của chính sách cổ tức

(ĐTCK) Cổ tức là một yếu tố để đánh giá tiềm năng DN và “đo” tính hấp dẫn của cổ phiếu.

Tuy vậy, cổ tức cao hay thấp không chỉ được đo lường bằng con số tuyệt đối, mà cần so sánh với thị giá của DN. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, cổ tức cao chưa hẳn hấp dẫn và ngược lại.

Ngày 11/6 tới, CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) sẽ trả cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 50%. Trước đó, tháng 3/2015, GIL đã tạm ứng trước 30% bằng tiền mặt. Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2014 của GIL lên tới 80%, trong khi giá cổ phiếu trong 3 tháng trở lại đây chỉ dao động từ 26.000 - 31.000 đồng/CP. Năm 2015, ĐHCĐ GIL thông qua kế hoạch chi trả cổ tức từ 25% đến 50%.

Một số DN khác cũng có mức cổ tức cao, nhưng tính trên thị giá thì lại là thấp. Ngày 19/6 tới, CTCP Xây dựng Cotec (CTD) sẽ trả cổ tức năm 2014 ở mức 50% bằng tiền mặt, trong khi cổ phiếu CTD đang giao dịch ở mức giá 72.000 đồng/CP.

Ngoài GIL, CTD, năm 2015, khá nhiều DN “mạnh tay” chi trả cổ tức cao, như CTCP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long (HTL) trả cổ tức ở mức 100%, trong đó  50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Tiếp nối mức cổ tức cao ngất 104% trong năm 2014, CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài - NoibaiCargo (NCT) dự kiến trả cổ tức năm 2015 ở mức 100%. CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) dự kiến trả cổ tức năm 2015 từ 40 - 60%... Tuy nhiên, cùng với mức cổ tức cao, giá cổ phiếu của các DN này cũng cao tương ứng. Đơn cử, NCT đang được giao dịch với mức giá 95.500 đồng/CP (chốt phiên ngày 9/6).

Trong khi đó, với những DN dù chỉ trả cổ tức ở mức trung bình, trong một số trường hợp, cổ phiếu vẫn có thể hấp dẫn hơn nếu xét đầu tư dài hạn.

CTCP Lilama 45.4 (L44) dự kiến trả cổ tức 17% năm 2015, trong khi giá cổ phiếu L44 hiện nay là 6.600 đồng/CP. Nghị quyết ĐHCĐ 2015 của L44 cho biết, trường hợp DN không thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông theo đúng kế hoạch thì DN sẽ trả thêm phần lãi suất. Một DN khác là CTCP Phân bón Miền Nam (SFG), ngày 10/6 là ngày đăng ký cuối cùng chi trả cổ tức năm 2014 bằng tiền với tỷ lệ 20%, nhưng hiện cổ phiếu có giá xấp xỉ 15.000 đồng/CP.

DN có thể chọn lựa nhiều chính sách chi trả cổ tức, như chính sách cổ tức thặng dư, chính sách cổ tức ổn định… Về phía thị trường, nhiều người cho rằng, việc DN dốc hết tiền trả cổ tức thì chỉ cổ đông, nhất là cổ đông lớn được hưởng lợi, còn DN có thể sẽ bị ảnh hưởng nhất định về lợi thế kinh doanh. Nhiều người khác lại cho rằng, DN chi trả cổ tức thật, nhưng cổ đông không được hưởng thật, bởi giá cổ phiếu trên sàn bị điều chỉnh giảm đúng bằng cổ tức sẽ được nhận, khi DN chốt quyền. Theo cách suy nghĩ này, nhà đầu tư mua cổ phiếu để kỳ vọng vào mức tăng giá, hơn là trông chờ vào cổ tức từ DN.

Chính sách cổ tức của DN được ví như “làm dâu trăm họ”. Trả cao hay thấp đều bị cổ đông soi xét. Nhiều DN đặt kế hoạch kinh doanh thấp hơn năm ngoái, nhưng quyết định nâng mức cổ tức cao hơn, cũng có cổ đông không vừa ý. CTCP Gạch ngói cao cấp (MCC) là một trường hợp. ĐHCĐ MCC thông qua kế hoạch năm 2015 với doanh thu hơn 43 tỷ đồng (giảm 14%) và lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng (giảm 24%). Trong khi đó, Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2015 ở mức 30%, trong khi cổ tức năm 2014 là 17%.

Cổ tức là một yếu tố hấp dẫn, nhưng dường như nhà đầu tư mong cổ phiếu tăng giá hơn là mong DN trả cổ tức. Do vậy, với nhiều DN, dù mức cổ tức cao, nhưng thanh khoản thấp thì vẫn chưa thuyết phục nhà đầu tư. Tuy vậy, DN trả cổ tức cao thường thu hút được nhà đầu tư dài hạn. Họ rót vốn vào DN và ở lại với DN lâu dài, đó cũng là lý do khiến cổ phiếu của DN loại này kém thanh khoản.

Tin bài liên quan