Phải có những người xứng đáng là “minh chủ” về tầm nhìn khi chỉ đạo làm luật

Phải có những người xứng đáng là “minh chủ” về tầm nhìn khi chỉ đạo làm luật

(ĐTCK) “Phải có những người xứng đáng là “minh chủ” về tầm nhìn khi chỉ đạo làm luật trong mỗi lĩnh vực và Nhà nước phải là thể chế hỗ trợ loại bỏ cơ bản các nhóm lợi ích trong một xã hội thượng tôn pháp luật”, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch HĐQT CTCP Vicostone chia sẻ khi nói về hội nhập và quản trị.

Một báo cáo của ADB gần đây cho thấy, 60% DN Thái Lan tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong khi tỷ lệ này với DN Việt Nam rất thấp. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này của các DN Việt?

Thực tế, các DN có hệ thống và trình độ quản trị quốc tế đều có những hoạt động hội nhập rất tốt và nhiều trong số đó đã và đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tuy ở các mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, tỷ lệ các DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn rất thấp. Trước hết, do quy mô của các DN hầu hết là quá nhỏ, năng lực tài chính yếu. Đặc biệt, trình độ quản trị của các DN đa số ở mức thấp, hiểu biết về môi trường kinh doanh quốc tế không nhiều.

Hiện các DN Việt Nam đang cố gắng tìm hiểu để hội nhập, nhưng do nguồn lực (nhất là con người) có hạn nên sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện mình, do đó có thể bị chậm và mất cơ hội vào tay các công ty nước ngoài.

Ông Hồ Xuân Năng 

Đã có nhiều cuộc hội thảo được tổ chức, đặc biệt là khung chính sách được xây dựng nhằm cải thiện tình trạng này, nhưng mọi việc dường như vẫn đứng yên. Theo ông, vướng mắc nằm ở đâu?

Vướng mắc chủ yếu nằm ở hệ thống thể chế và chính sách pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng. Không có cơ chế giải trình rõ ràng về trách nhiệm từ cơ quan làm luật đến cơ quan triển khai và giám sát thực hiện luật.

Ví dụ, luật có các quy định thông thoáng, nhưng có thể bị hạn chế bởi các văn bản hướng dẫn và đôi khi các văn bản này “to” hơn luật. Ngoài ra, lợi ích nhóm có thể còn phổ biến và là nguy cơ cho mọi lĩnh vực. Do đó, tính thượng tôn pháp luật chưa thực sự được đảm bảo.

Tôi cho rằng, việc đầu tiên cần phải tháo gỡ đó là cơ chế làm luật và chất lượng của luật: chỉ có luật là cao nhất, sau đó là văn hoá thượng tôn pháp luật. Vấn đề hiệu quả của luật còn phụ thuộc vào tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật. Trong đó, lợi ích nhóm là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến sự công bằng trong thực thi. Vì thế, phải có những người xứng đáng là “minh chủ” về tầm nhìn khi chỉ đạo làm luật trong mỗi lĩnh vực và Nhà nước phải là thể chế hỗ trợ loại bỏ cơ bản các nhóm lợi ích trong một xã hội thượng tôn pháp luật.

Ngoài trông mong vào sự thay đổi và các cú hích từ chính sách, thì đâu là những vấn đề DN cần lưu ý khi muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?

Chính sách là do Nhà nước ban hành, chính sách đó thông thoáng và tạo điều kiện đến đâu cho DN phát triển thì đó là cơ hội, nếu bó lại thì đó là khó khăn và DN phải tìm cách thích nghi cho phù hợp.

Về phía DN, đương nhiên để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, bắt buộc phải hội nhập. Muốn hội nhập thì phải đảm bảo ít nhất là: hiểu được luật pháp Việt Nam và quốc tế để tuân thủ pháp luật, dù ở bất cứ nơi đâu; hội nhập với trình độ quản trị quốc tế, muốn vậy phải có nguồn nhân lực trình độ quốc tế, chuyên nghiệp và kinh nghiệm; có chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược về nguồn lực rõ ràng và phù hợp với chuỗi giá trị mình muốn tham gia.

Đã có những bài học hoặc kinh nghiệm thất bại xảy ra với DN. Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về những kinh nghiệm này?

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thượng tôn luật pháp là tối quan trọng, dù kinh doanh ở đâu, với ai. Ngoài ra, hiểu rõ mình là ai, đang đứng ở đâu, đối tác của mình như thế nào và hiểu thấu đáo chuỗi giá trị mình sẽ tham gia. Đồng thời, thực hiện đầy đủ những gì mình đã nói và cam kết. Đó là văn hoá kinh doanh ít rủi ro nhất.

Trong quá trình phát triển thành DN toàn cầu của các DN Việt, liệu có nên lo lắng về những cuộc thâu tóm hoặc những “trận đánh” quá sức đối với DN và doanh nhân Việt không, thưa ông? Điều gì sẽ hóa giải những thách thức này?

Vấn đề không phải là lo lắng hay không, mà là chúng ta có chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để phòng chống các rủi ro hay không. Không ra khơi thì không thể trải nghiệm thực tế sóng lớn ở mức độ nào. Tuy nhiên, trước khi ra khơi, để tránh bị sóng vùi, cần phải tìm hiểu và phòng bị đầy đủ nhất có thể. Với kinh doanh, yếu tố sống còn để phát triển bền vững là phải có nguồn lực con người đủ mạnh, trên nền tảng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, với trách nhiệm giải trình minh bạch, sau đó mới là nền tảng công nghệ, vốn và thiết bị.

Kinh doanh hay đánh trận không thể tránh được yếu tố thời thế và may rủi. Về việc này, bản lĩnh lãnh đạo DN sẽ cho phép DN đó dẫn dắt may rủi hay là không.

Tin bài liên quan