Giá xăng giảm 12 lần liên tiếp, tổng mức giảm là 7.760 đồng/lít

Giá xăng giảm 12 lần liên tiếp, tổng mức giảm là 7.760 đồng/lít

Petrolimex tiếp tục “kêu” cơ chế kinh doanh xăng dầu

(ĐTCK) Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) mới đây vừa đưa ra một số kiến nghị về Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ quy định về cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu vốn mới chính thức được đưa vào áp dụng kể từ ngày 1/11/2014.

Theo đánh giá của Petrolimex, đà sụt giảm liên tiếp trong các tháng cuối năm của giá dầu thô kéo theo giá xăng dầu thành phẩm giảm liên tục và hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, cộng với việc áp dụng Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu chính là những nhân tố nổi bật có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của 19 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu, trong đó có Petrolimex.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 83, cũng như các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu nói chung, Petrolimex đã và đang gặp phải hai khó khăn lớn.

Thứ nhất, việc Nghị định 83 ra đời và có hiệu lực thi hành đúng vào giai đoạn giá xăng dầu thế giới trong xu thế giảm liên tục, kéo dài là cơ hội thuận lợi để cơ quan quản lý Nhà nước điều hành giá bán theo một chiều duy nhất là giảm giá. Theo thống kê, có 12 lần giảm giá xăng liên tiếp với tổng mức giảm là 7.760 đồng/lít; 13 lần giảm giá dầu với tổng mức giảm 5.830 đồng/lít.

Theo ông Bảo, việc điều chỉnh giảm là có lợi cho nền kinh tế, song đây cũng chính là một trong những yếu tố khiến kết quả hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014 của hầu hết DN đầu mối rơi vào tình trạng lỗ, mà Petrolimex cũng không là ngoại lệ.

“Do công thức tính giá cơ sở theo Nghị định 83 lấy theo bình quân 15 ngày giá thế giới sát ngày công bố giá cơ sở; trong khi thương nhân đầu mối phải dự trữ lưu thông 30 ngày theo quy định, dẫn đến giá bán thường thấp hơn giá vốn do DN phải xuất bán từ tồn kho 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ và phát sinh lỗ. Chưa kể, để hạn chế kinh doanh mất vốn trong xu thế giá giảm, các đại lý/tổng đại lý thường chỉ mua hàng cầm chừng (để tối ưu hóa tồn kho, giảm dự trữ) đủ đáp ứng nhu cầu bán hàng cho khách, nên dự trữ lưu thông dồn về thương nhân đầu mối. Toàn bộ tích lũy lỗ từ hàng tồn kho do giảm giá dồn về thương nhân đầu mối; đồng thời tổng đại lý, đại lý dự trữ lưu thông thấp, gây bất ổn thị trường”, ông Bảo phân tích.

Từ thực tế này, Petrolimex kiến nghị Liên bộ Tài chính - Công thương nghiên cứu xem xét trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định điểm d khoản 1 Điều 37 Nghị định 83 về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu áp dụng cho cả trường hợp giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ diễn ra trong thời gian dài, từ đó giúp DN kinh doanh không mất vốn như đã nêu trên. Trước mắt, cho phép thương nhân đầu mối thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo đúng quy định và nguồn được bù đắp từ Quỹ bình ổn giá.

Khó khăn thứ hai mà Petrolimex nêu ra là thủ tục cấp giấy chứng nhận và việc thiết lập hệ thống phân phối theo quy định mới của Nghị định 83 còn rườm rà, phức tạp, gây mất thời gian.

“Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với tổng đại lý, thương nhân phân phối, đại lý có nhiều điểm bán vẫn tương đối phức tạp và còn mất nhiều thời gian. Vì vậy, việc thiết lập hệ thống phân phối, ký kết hợp đồng bán hàng theo Nghị định 83 cho năm kế hoạch 2015 của Tập đoàn với khách hàng gặp không ít khó khăn”, ông Bảo cho biết.

Để đơn giản hóa và giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các DN thực thi Nghị định, Petrolimex đề xuất Bộ Công thương áp dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký phê duyệt và cấp Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, cũng theo Petrolimex, theo quy định hiện nay về sở hữu hàng hóa; về hạch toán doanh thu, chiết khấu thanh toán và hoa hồng hoặc chiết khấu giảm giá đối với đại lý, tổng đại lý nếu thực hiện theo quy định mà Nghị định 83 đưa ra là ít khả thi do tính chất mặt hàng và mạng lưới kinh doanh. Nếu DN buộc phải thực hiện sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ trong việc giám sát tới tận cửa hàng xăng dầu của đại lý, tổng tổng đại lý, chưa kể dễ nảy sinh tiêu cực.

“Để khắc phục bất cập này, đề nghị Liên bộ nghiên cứu xem xét quy định cho phù hợp với thực tiễn nhằm tiết giảm chi phí kinh doanh, tăng cơ hội giảm giá cho người tiêu dùng và phản ánh đúng thị trường hiện nay”, ông Bảo đề xuất.

Trên thực tế, ngay khi Nghị định 83 chuẩn bị ban hành, những điểm bất cập này đã từng được Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam lên tiếng cảnh báo. Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng, trong cả 3 nội dung quan trọng nhất tại Nghị định 83 là thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn và cơ chế điều hành giá bán, thì cả 3 đều có vấn đề. Mặt khác, cho đến thời điểm này vẫn chưa có đầy đủ các hướng dẫn để thực thi Nghị định, càng khiến cho DN tù mù không biết áp dụng thế nào cho đúng.              

Tin bài liên quan