Ông Lê Phước Vũ cho biết chưa chính thức được cấp phép thực hiện dự án thép Cà Ná.

Ông Lê Phước Vũ cho biết chưa chính thức được cấp phép thực hiện dự án thép Cà Ná.

Ông Lê Phước Vũ: Thép Cà Ná vẫn chưa có giấy phép, chưa chọn nhà thầu

Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cho biết do vẫn chờ cơ quan quản lý chấp thuận chủ trương nên dự án thép 10 tỷ USD tại Cà Ná chưa hề chốt công nghệ hay đối tác.  

Dự án tổ hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận vừa được Tập đoàn Hoa Sen công bố đầu tư với tổng vốn bỏ ra khoảng 10 tỷ USD trong vòng 15 năm. Sau nhiều bê bối ở nhiều dự án thép khác tại Việt Nam, đặc biệt là thảm hoạ môi trường Formosa, khu liên hợp của đại gia ngành tôn - Lê Phước Vũ khiến nhiều người lo lắng, hoài nghi về vấn đề môi trường, công nghệ cũng như nguồn vốn. VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen xung quanh những nghi ngại này.

- Tập đoàn Hoa Sen vừa công bố đầu tư vào dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận) với tổng quy mô lên tới 10 tỷ USD. Doanh nghiệp của ông đến nay đã làm được gì với dự án này?

- Chúng tôi bắt đầu có ý tưởng đầu tư vào Cà Ná từ năm 2015 song đến nay, thực sự tập đoàn chưa có bất cứ giấy phép nào cho dự án này. Công ty đang trong quá trình xin thủ tục cấp phép. Đối với công nghệ, chúng tôi phải chờ Bộ Công Thương thẩm định và chỉ đạo, còn về giải pháp môi trường thì phải trình Bộ Tài nguyên & Môi trường xem xét. Về thủ tục đầu tư, phải có sự cho phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và chấp thuận của Chính phủ. Với đơn vị tư vấn, chúng tôi đã chọn được công ty GMC của Mỹ để giúp doanh nghiệp đưa ra các giải pháp tốt nhất về môi trường.

Ông Lê Phước Vũ: Thép Cà Ná vẫn chưa có giấy phép, chưa chọn nhà thầu ảnh 1

Mô phỏng dự án Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận. 

- Thông tin gần đây cho thấy Hoa Sen đã cùng đơn vị tư vấn thiết kế CISDI Group, có trụ sở tại Trùng Khánh, Trung Quốc đến khảo sát mặt bằng dự án. Sự việc gây ra nhiều lo ngại bởi doanh nghiệp này cũng từng liên quan đến công nghệ tại Formosa Hà Tĩnh. Vậy đối tác Trung Quốc nêu trên có quan hệ như thế nào đến dự án của ông?

- Trên thực tế, khi thông tin về dự án được đưa ra thì có nhiều doanh nghiệp bên ngoài quan tâm, muốn hợp tác và việc một đơn vị như CISDI đến khảo sát là bình thường. Ngoài CISDI, chúng tôi còn tiếp các đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Italy... Tôi khẳng định một lần nữa là Hoa Sen chưa được cấp bất cứ giấy phép nào nên quá trình chọn đối tác vẫn chưa thể diễn ra. Là công ty đại chúng trên sàn, doanh nghiệp buộc phải thông tin minh bạch. Do vậy, nếu được cấp giấy phép và Chính phủ chấp thuận dự án, chúng tôi sẽ đấu thầu công khai để lựa chọn đối tác. 

Tập đoàn đang có 3 đơn vị đến từ Mỹ và châu Âu rất thiện chí muốn làm đối tác cung cấp công nghệ là SMS (Đức), Danieli (Italy) và Primetals Technologies (Liên doanh của Áo và Mỹ). Các đối tác này đều có công xưởng đặt tại Trung Quốc. Nếu chúng tôi có ký mua công nghệ thì chắc chắn trong tổ hợp đó, một phần thiết bị sản xuất ở Trung Quốc. Điều này là bình thường vì ngay cả những tập đoàn lớn trên thế giới đều có công xưởng ở những quốc gia có nhân công lao động rẻ. Ngay cả Apple họ cũng đang sản xuất iPhone tại Trung Quốc. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối tác nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất là Hoa Sen chọn được công nghệ phù hợp. Ngược lại, nếu dự án này gây ra ô nhiễm, công ty sẽ chấp nhận hết rủi ro và tự động dừng hoạt động ngay lập tức. 

- Cam kết là vậy nhưng không ai có thể chờ đến khi sự cố xảy ra. Với một dự án quy mô lớn, doanh nghiệp đã chuẩn bị giải pháp môi trường như thế nào?

- Về vấn đề này, công ty thuê cả chuyên gia trong và ngoài nước để tham mưu dự án, đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn. Toàn bộ chất thải sẽ được xử lý ngay trong nhà máy. Nước ở bên trong nhà máy được tái sử dụng và cam kết không thải bất cứ gì ra ngoài. Về bụi và khí thải thì công ty này sẽ chọn từng thiết bị lọc ở mỗi công đoạn sao cho phù hợp và xử lý tốt nhất. Ngoài việc xử lý bằng công nghệ, đội ngũ công nhân và quản lý ở đây sẽ liên tục kiểm tra kiểm soát, nếu có sự cố xảy ra sẽ hành động ngay.

- Tập đoàn Hoa Sen chuẩn bị như thế nào để có số vốn 230.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD cho dự án?

- Chúng tôi dự kiến số vốn nêu trên để hoàn thành Khu liên hợp Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná với công suất 16 triệu tấn một năm, nhưng đó là sau khi hoàn thành vào năm 2031, sau 5 giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện từ 2017 đến 2019 với công suất dự kiến 3 triệu tấn một năm, cuối 2018 sẽ bắt đầu có sản phẩm ra thị trường.

Để có vốn trước mắt, lợi nhuận và khấu hao để lại của công ty năm nay có thể đạt 2.000 tỷ đồng, 2017 và 2018 dự kiến mỗi năm trên 2.000 tỷ. Như vậy lợi nhuận giữ lại 3 năm của Hoa Sen sẽ giúp giai đoạn một của dự án có nguồn vốn ổn định. Ngoài ra, Vietinbank đã cam kết số vốn 500 triệu USD cho dự án nên Hoa Sen không có ý định phát hành thêm cổ phiếu hoặc trái phiếu để thu hút vốn.

Còn trong vòng 10 năm tới, dự kiến vốn điều lệ của Hoa Sen sẽ tăng lên 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi sẽ tiến hành giai đoạn II năm 2020-2022, công suất dự kiến là 6 triệu tấn một năm. Giai đoạn III từ 2023 đến 2025 với 9 triệu tấn và giai đoạn IV là 2025-2028 với 12,5 triệu tấn một năm. Gia đoạn cuối 2029-2031, công suất mới đạt 16 triệu tấn một năm.

Tin bài liên quan