Ứng dụng công nghệ cao để “làm nông bằng trí”
Nếu trước đây, kinh tế hộ mang sứ mệnh lịch sử quan trọng, đưa Việt Nam từ chỗ thiếu đói trở thành một nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, thì trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng nông nghiệp đang cần nhân tố mới để tăng tốc và phát huy tiềm năng mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà quản lý nhận định, đó chính là yếu tố công nghệ cao.
GS-TS. Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm Chương trình Phục vụ xây dựng nông thôn mới nhấn mạnh: “Phải xây dựng một chiến lược phát triển khoa học công nghệ cho nông nghiệp và nông thôn, để từ nay đến năm 2020, các thành tựu khoa học công nghệ sẽ đóng góp 40 - 50% GDP nông nghiệp, trong đó sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm 30% giá trị sản xuất của các sản phẩm chủ yếu”.
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cũng khẳng định: “Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mang một sứ mệnh lịch sử quan trọng, cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Nếu chậm trễ, nền nông nghiệp sẽ mất cơ hội, rơi vào khó khăn trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng này”.
Trên thực tế, mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Việt Nam xuất hiện chưa nhiều, song đã mang lại những hiệu quả rất rõ rệt và đáng chú ý. Rất nhiều tỷ phú nông nghiệp đã ra đời nhờ làm nông bằng trí”.
TS. Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tự tin cho biết, tại Lâm Đồng, DN giàu nhất là DN làm nông nghiệp. Nghe có vẻ khó tin, song đây là thực tế, bởi tỉnh có tới hàng chục ngàn héc-ta đất nông nghiệp có doanh thu 100 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm. Đặc biệt, trong số đó, có 1.000 ha có doanh thu 1 - 2,5 tỷ đồng/ha/năm.
Ở Nghệ An, trước đây, không ai nghĩ vùng phía Tây của tỉnh, nơi gió Lào cỏ cháy có thể nuôi được bò sữa. Song thực tế đã chứng minh, nhờ áp dụng khoa học công nghệ, nhập khẩu toàn bộ bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel, Tập đoàn TH đã nâng giá trị canh tác của mỗi héc-ta đất tại đây tăng gấp 10-20 lần.
Đến nay, chỉ sau 3 năm hoạt động, Tập đoàn TH với thương hiệu TH true MILK đã trở thành nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam. Doanh thu thuần năm 2013 là 3.500 tỷ đồng, dự kiến tới năm 2015 là 15.000 tỷ đồng; 2017 là 23.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2015, TH đáp ứng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu.
Dẫu đã thấm thía hết những khó khăn, nhọc nhằn khi khai phá lĩnh vực đầy mới mẻ này, song đến giờ nhìn lại, bà Thái Hương vẫn tin tưởng, nông nghiệp công nghệ cao là con đường đúng đắn.
Cần khơi thông nguồn tín dụng…
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao như TH true MILK, Đà Lạt Hasfarm, Unifarm… thời gian qua đã chứng minh rằng, nếu được đầu tư đúng hướng, nông nghiệp vẫn là “mảnh đất vàng”. Thế nhưng, đến nay, cả nước mới chỉ có 6 DN được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là DN ứng dụng công nghệ cao. Con số này thực sự ít ỏi và chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng của nông nghiệp công nghệ cao.
Theo bà Thái Hương, điều mà DN cần nhất khi triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao trước hết là chính sách và sự minh bạch. “Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi, có những chính sách ưu tiên và đãi ngộ thật sự đặc biệt để khuyến khích, lôi kéo ngày càng nhiều các DN đủ tâm - trí - lực đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao”, bà Hương nói.
Những đãi ngộ đặc biệt ở đây chính là vốn và đất đai. Thực tế, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Đơn cử, Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp” có tổng mức đầu tư khi hoàn thành lên tới 1,2 tỷ USD và hiện đang được triển khai trên quy mô rộng lớn với khoảng 4.000 ha. Những dự án như dự án của TH cần những cơ chế đột phá trong vay vốn và tích tụ đất đai.
Trước những yêu cầu cấp thiết và thực tế phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước và Báo Nhân dân đã phối hợp tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm giúp các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà quản lý tập hợp ý kiến đóng góp của các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, kinh nghiệm thực tiễn của các DN ứng dụng khoa học - công nghệ và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp.
Tại Hội thảo, liên quan đến chính sách tín dụng, có nhiều kiến nghị cho rằng:
Thứ nhất, cần cơ chế vay trọn gói đối với dự án nông nghiệp công nghệ cao, không cho vay hợp vốn, không cho vay theo từng giai đoạn vì mỗi ngân hàng có một mục tiêu khác nhau, nếu ngân hàng A cho vay, nhưng ngân hàng B chưa cho vay, thì dự án vẫn nằm im ở đó.
Thứ hai, cho phép các dự án nông nghiệp công nghệ cao được cấp tín dụng theo nhu cầu, không phải tuân theo quy định một khách hàng không được vay quá 15% vốn tự có của ngân hàng hiện nay. Bởi vì đặc thù của các dự án ứng dụng công nghệ cao là cần nguồn vốn nhiều, quy mô lớn, thời gian thực hiện kéo dài, thu hồi vốn lâu, trong khi đa phần ngân hàng trong nước quy mô nhỏ, nguồn vốn ít. Nếu cho vay theo quy định trên, thì một ngân hàng không có đủ vốn theo tỷ lệ quy định để đáp ứng vốn cho một dự án lớn.
Thứ ba, để tạo điều kiện huy động vốn cho DN, Chính phủ cần nới lỏng điều kiện phát hành trái phiếu DN. Theo quy định hiện nay, DN chỉ được phát hành trái phiếu khi năm liền kề trước khi phát hành phải có lãi… Điều này gây khó khăn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, vì sản xuất nông nghiệp thường có khối lượng vốn lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn lâu, nên thường có lỗ trong kế hoạch từ 2 đến 3 năm đầu đi vào sản xuất, kinh doanh.
Cũng trong tình trạng khát vốn đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Đình Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rừng hoa Đà Lạt kiến nghị, cần hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư các DN, nhằm hỗ trợ vốn cho các DN thực hiện đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật. Quỹ sẽ cho DN vay vốn trung, dài hạn. Theo ông Sơn, công ty của ông hiện chỉ được vay vốn ngắn hạn, với lãi suất 9 - 10%/năm, nên chỉ đủ sức đầu tư từng phần.
… và giải quyết bài toán tích tụ đất đai
Bên cạnh vốn, đất đai là vướng mắc lớn nhất của các DN nông nghiệp công nghệ cao hiện nay. TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, ba điểm nghẽn khiến các DN nông nghiệp khó áp dụng công nghệ cao là vốn, đất đai và cơ sở hạ tầng. Do đó, để thu hút DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, không chỉ cần các chính sách hỗ trợ “lặt vặt”, mà phải có những đột phá trong chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng.
Đồng tình ý kiến này, bà Thái Hương cho rằng, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhà đầu tư cần những diện tích đất lớn, thời gian sử dụng đất 50 - 100 năm. Bên cạnh đó, để khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, các địa phương cần hỗ trợ bằng cách giao quỹ đất sạch 70% cho DN.
Theo đề nghị của Tập đoàn TH, trong giai đoạn đầu của cuộc cách mạng đưa khoa học - công nghệ vào nông nghiệp, Nhà nước cần giao quỹ đất của các nông lâm trường làm ăn kém hiệu quả cho các DN thực hiện, mà chưa cần sử dụng quỹ đất của các hộ nông dân. Sau khi các dự án có được sự thành công, có sức lan tỏa, sẽ lôi kéo các hộ nông dân tham gia trong các giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, với kinh nghiệm lăn lộn khắp nơi tìm đất, tận mắt chứng kiến nhiều nơi đất đai đang để hoang hóa, trong khi các DN khác lại khát đất sản xuất, bà Thái Hương đề nghị, nên triệt để thu thuế đất để tăng trách nhiệm sử dụng đất. DN nào không có khả năng đóng tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất thì phải có lộ trình và kế hoạch trả lại đất lại cho Nhà nước, để Nhà nước giao cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao có hiệu quả hơn.