Số công ty khởi nghiệp nhận được sự đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn khá ít ỏi

Số công ty khởi nghiệp nhận được sự đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn khá ít ỏi

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 1

(ĐTCK) Chuyến thăm Việt Nam và cuộc đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó là cộng đồng khởi nghiệp (startup) của Tổng giám đốc Tập đoàn Google vào những ngày cuối cùng của năm 2015 thổi bùng câu chuyện vốn đã âm ỉ nhiệt bấy lâu nay.
 

Manh mún và bất cập

Vị CEO Google Pichai Sundar khuyên các startup Việt Nam tập trung vào thị trường trong nước trước và kiên nhẫn chờ đợi các cơ hội. "Khi có trong tay một thị trường lớn, các bạn sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Các startup thành công tại Trung Quốc hay Ấn Độ đều tập trung vào thị trường trong nước trước khi xuất ngoại”.

Sự kiện của Google khá trùng hợp với kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường GFK Đức, khi trước đó, vào giữa tháng 12/2015, lần đầu tiên Việt Nam xuất hiện trên Bảng xếp hạng Tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới năm 2015, ở vị trí thứ 7/44.

Đây là báo cáo quy mô nhất từ trước tới nay về khởi nghiệp, do Trường đại học Technische Universitat Munchen và GFK thực hiện. Song khởi nghiệp tại Việt Nam có dễ không? Nếu bạn có ý tưởng hay, bạn có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp và phát triển được các sản phẩm tốt? Khởi nghiệp có trở thành một trong những động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam? Câu trả lời là không dễ. 

Vũ Hoài Thu, Giám đốc Công ty Thực phẩm Lý tưởng Việt Nam cho biết, cô và các cộng sự đã mày mò tìm kiếm ở hàng chục trang web liên quan đến khởi nghiệp để tìm kiếm một nguồn hỗ trợ tài chính phù hợp, tuy nhiên đều thất bại. Cho đến nay, tại Việt Nam, hầu như chưa có bất cứ quỹ hỗ trợ khởi nghiệp nào công bố công khai các điều kiện mà một dự án khởi nghiệp cần có để có thể nhận được hỗ trợ cả về tài chính và các điều kiện kỹ thuật khác như lập kế hoạch, quản trị dòng tiền… Các startup đều phải tự bơi, tự xoay xở.

“Chúng tôi ước gì Nhà nước có các quỹ đầu tư hoặc tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm được thành lập. Trong đó nêu rõ các điều kiện đối với từng dự án, từng vòng thẩm định… Với các doanh nghiệp lớn, một vài tỷ đồng không phải là số tiền đáng kể, song đối với những người mới bắt đầu như chúng tôi, sự hỗ trợ đó rất ý nghĩa”, nữ giám đốc trẻ chia sẻ.

Chính phủ đặt mục tiêu cả nước có 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đến cuối năm 2015, tạo ra 4 triệu việc làm, đóng góp 35% vào ngân sách quốc gia. Đến năm 2020, cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp.    

Bởi vậy mà Thu và các cộng sự không khỏi chạnh lòng khi biết được nguồn lực eo hẹp của Nhà nước đang được sử dụng lãng phí và phân bổ không đúng địa chỉ. Cô kể trường hợp một doanh nghiệp nọ tại Bắc Giang đang làm trong ngành xây dựng, nhờ mối quan hệ, họ nhận được khoản ngân sách lên tới gần 7 tỷ đồng cho dự án trồng nấm công nghệ cao. Dự án được lập qua loa, với một vài khu đất, vài hạng mục thiết bị đầu tư lèo tèo và nhà sản xuất chẳng cần lo bán hàng. Kết quả là sau một thời gian ngắn, dự án lỗ, đóng cửa, tiền của Nhà nước đầu tư thất thoát, kém hiệu quả.

Là một người rất tâm huyết với các dự án khởi nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đã thúc đẩy FPT thành lập FPT Ventures, chuyên đầu tư cho dự án công nghệ với tuyên bố chỉ cần có ý tưởng, các startup sẽ được hỗ trợ tài chính, kinh nghiệm với khoản đầu tư có thể lên tới 1 triệu USD/dự án. Khi đó, ông Bình kỳ vọng: “FPT Ventures sẽ thổi một luồng khí sáng tạo tới khắp đất nước, để mỗi cá nhân sẽ trở nên sáng tạo hơn, doanh nghiệp nhỏ lớn hơn, còn doanh nghiệp lớn sẽ thành vĩ đại”.

Tuy bắt đầu khởi động từ tháng 5/2015 song đến nay, khi được hỏi về kết quả bước đầu, đại diện của FPT Vneture cho biết “chưa có gì để nói”.

Những ngả đường hướng đích 2 triệu doanh nghiệp Việt - kỳ 1 ảnh 1

CEO Google Sundar Pichai giao lưu với startup Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam mới đây - Ảnh: Internet

Phạm Duy Hiếu, một trong những sáng lập viên Startup Vietnam Foundation, cho biết, có nhiều lý do dẫn đến hoạt động khởi nghiệp còn mang tính tự phát tại Việt Nam, trong đó có sự thiếu vắng các quỹ đầu tư mạo hiểm. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài khi vào Việt Nam không thể hoạt động vì thiếu cơ sở pháp lý. Bởi vậy, khi doanh nghiệp Việt Nam nhận được sự đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài, thường phải di chuyển thể nhân của họ sang các nước xung quanh như Singapore, Thái Lan.

Ông Hiếu cho rằng, không quá muộn nhưng cũng không còn sớm để Việt Nam bắt tay vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, dù đã vài năm nay chúng ta tham gia Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, với mong muốn mở ra, khuyến khích những ý tưởng và biến chúng thành hiện thực, tạo việc làm mới, khai phá những đổi mới cho xã hội và tăng cường sự ổn định cho nền kinh tế. 

Lời hứa Bộ trưởng: Dở dang

Tại Diễn đàn Quốc hội tháng 11/2015, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nhắc lại với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân về việc ông chưa thực hiện lời hứa lập quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Bộ trưởng Quân nói rằng, các quốc gia đi trước Việt Nam đều có bài học rất đáng học tập, đó là phải có một hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó có vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ cơ chế chính sách, có vai trò của các Viện nghiên cứu, trường đại học là nơi tạo ra công nghệ, có vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc nhập khẩu công nghệ của Việt Nam, có vai trò của các tổ chức dịch vụ trong thị trường, tư vấn, môi giới, định giá và hỗ trợ cho chuyển giao công nghệ, đặc biệt là vai trò của quỹ đầu tư mạo hiểm. Không có quỹ đầu tư mạo hiểm thì không thể có được hệ sinh thái khởi nghiệp.

"Vừa qua, chúng tôi mời các nhà đầu tư đến tham quan, lập tức có những dự án được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, có những nhóm sinh viên bây giờ đã nhận được vốn đầu tư tới 2 triệu USD cho 1 dự án, chắc chắn là họ sẽ thành công" - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân.

Khi xây dựng Luật Công nghệ cao năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo với Quốc hội và được Quốc hội thông qua điều khoản, sớm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tế các văn bản để triển khai công việc này có rất nhiều vướng mắc từ Luật Ngân sách, Luật Đầu tư, các luật thuế. Bộ Khoa học, công nghệ đã từng trình Chính phủ một Nghị định để hướng dẫn quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa được chấp nhận bởi vì thiếu căn cứ pháp lý, chưa từng có tiền lệ.

Bản thân Bộ Khoa học và Công nghệ đã thí điểm thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Vì chưa có quy định của pháp luật, nên Bộ Nội vụ rất lúng túng trong việc quy định cơ chế hoạt động của quỹ này. Cuối cùng, Bộ Khoa học và Công nghệ đành phải chấp nhận là quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng cơ chế hoạt động của nó lại giống như một quỹ tín dụng nhân dân, hoặc một quỹ từ thiện, trong khi đầu tư mạo hiểm là một quỹ hoạt động siêu lợi nhuận.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã thí điểm lập một đề án về thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng silicon. Trong 2 năm vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, mặc dù vốn đầu tư ít nhưng thành công rất lớn. Dự án hỗ trợ cho 10 doanh nghiệp khởi nghiệp, đây là các nhóm sinh viên giỏi hoặc nhóm cán bộ trẻ rất giỏi, họ có ý tưởng và dự án hỗ trợ cho họ ươm tạo công nghệ.

“Vừa qua, chúng tôi mời các nhà đầu tư đến tham quan, lập tức có những dự án được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, có những nhóm sinh viên bây giờ đã nhận được vốn đầu tư tới 2 triệu USD cho 1 dự án, chắc chắn là họ sẽ thành công”, bộ trưởng Quân nói. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng khuyên họ nên di chuyển pháp nhân, thể nhân của họ sang Singgapore hoặc Thái Lan.

Giải pháp để lời hứa Bộ trưởng không dang dở, theo ông Quân, cần luật hóa quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm, trước mắt có thể đưa vào Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo. “Quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu là phục vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp bắt đầu khởi nghiệp với vốn gần như không có gì, tài sản lớn nhất chỉ là ý tưởng và trí tuệ”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, người được coi rất tâm huyết với việc tìm ra các động lực mới cho sự phát triển của nền kinh tế, cũng rất trăn trở với câu chuyện khởi nghiệp. Ông đặt ra những câu hỏi đáng suy nghĩ như tại sao DN Việt Nam lại yếu và thiếu cơ chế hỗ trợ họ, tại sao Việt Nam không có cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp, không có các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới lại bị chê bai… "Những câu hỏi đó cần Nhà nước có chính kiến và phải bắt tay vào làm, bây giờ phải làm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định trách nhiệm “Nhà nước phải làm”, tại nhiều diễn đàn đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế khi tuyên bố “Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, đặc biệt khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển”.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan