Nhiều nước đang coi Việt Nam là điểm trũng về gian lận thương mại

Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đang coi Việt Nam là điểm trũng về gian lận thương mại, khiến nguy cơ bị thu hẹp thị trường xuất khẩu là rất lớn.
Tôn thép phủ màu, thép không gỉ… là nhóm hàng xuất khẩu bị vướng kiện nhiều nhất từ đầu năm tới nay (ảnh minh họa)

Tôn thép phủ màu, thép không gỉ… là nhóm hàng xuất khẩu bị vướng kiện nhiều nhất từ đầu năm tới nay (ảnh minh họa)

Nguy cơ mất thị trường xuất khẩu, hoặc nhẹ hơn là sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh đang hiện hữu với các mặt hàng xuất khẩu bị vướng kiện chống bán phá giá.

Theo công bố của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), số lượng các vụ khởi kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam từ các thị trường nhập khẩu gia tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm tới nay, đã có gần 20 vụ khởi kiện chống bán phá giá hàng hóa xuất khẩu, từ sắt thép, xơ sợi, săm lốp xe đạp, đồ gỗ, cho tới giấy màng… Tổng cộng, hàng hóa xuất khẩu trong nước đã vướng khoảng 100 vụ kiện phòng vệ thương mại.

Vụ việc mới nhất, ngày 29/10/2015, Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phát đi thông báo về mặt hàng pin khô AA nhập khẩu từ Việt Nam, mã HS 8506.10 đã chính thức bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, tình trạng hàng hóa xuất khẩu bị vướng kiện nhiều, đến nỗi Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ coi Việt Nam là điểm trũng về gian lận thương mại, khiến cho nguy cơ bị thu hẹp thị trường xuất khẩu là rất lớn.

Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã phải đưa ra cảnh báo, tôn thép phủ màu, thép không gỉ… là nhóm hàng xuất khẩu bị vướng kiện nhiều nhất từ đầu năm tới nay.

Chỉ trong trung tuần tháng 9, ngành thép đã vướng tới 3 vụ kiện chống bán phá giá từ Thái Lan đối với sản phẩm tôn lạnh, tôn phủ màu và ống thép không gỉ xuất khẩu sang thị trường này. Cần phải nói thêm, đây mới chỉ là thống kê các vụ kiện từ Thái Lan, còn nếu tính từ đầu năm 2015 và từ các thị trường trong khu vực, số vụ khởi kiện với các sản phẩm thép xuất khẩu đã lên tới cả gần chục vụ.

Chưa nói đến việc hàng hóa xuất khẩu của ta bị sai phạm và liệu có bị các thị trường khởi kiện áp dụng biện pháp phòng vệ hay không, nhưng chỉ riêng việc doanh nghiệp phải theo kiện, thực hiện các thủ tục trình tự pháp lý liên quan đến vụ việc đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nếu thép là ngành có nhiều sản phẩm vướng kiện nhất trong số các ngành hàng xuất khẩu, với tần suất bị khởi kiện khá dày đặc từ đầu năm tới nay, thì sợi xuất khẩu cũng là mặt hàng bị vướng kiện tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Nguyễn Nam, Giám đốc Công ty Sợi An Nam (Bình Dương) cho biết, chưa cần biết quá trình điều tra của nguyên đơn cho kết quả ra sao, nhưng từ thời điểm nhận thông báo bị điều tra, xuất khẩu sản phẩm sợi của Công ty đã gặp khó khăn, do bị đối tác nhập khẩu soi xét kỹ hơn. Tình trạng này cũng xảy ra với sản phẩm xuất khẩu của một số doanh nghiệp cùng ngành có thị trường xuất khẩu tại Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Nam, giá trị xuất khẩu sợi của Công ty sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015 sẽ giảm ít nhất 10-15%, bắt buộc Công ty phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế.

Đại diện Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho rằng, Ấn Độ đang coi dệt may Việt Nam là đối thủ cạnh tranh “nặng ký”, nên đã đưa vào tầm ngắm đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này.

Đặc biệt, khi năng lực cung ứng ngành sợi nội địa liên tục gia tăng, với sản lượng đã xấp xỉ 990.000 tấn và giá trị xuất khẩu đã vượt 2,5 tỷ USD từ cuối năm 2014.

“Khi các nguyên đơn cáo buộc có sự gia tăng nhập khẩu sản phẩm trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước thì việc tìm chứng cứ chứng minh “không bán phá giá” đối với bị đơn là các doanh nghiệp Việt Nam là rất khó khăn”, theo đại diện VCOSA.

Theo khuyến cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do lớn và trong xu thế xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các vụ kiện chống bán phá giá sẽ ngày càng trở nên dày đặc và phức tạp hơn.

Điển hình là hiệu ứng khởi kiện dây chuyền đối với một vài loại hàng hóa xuất khẩu trong nước. Chỉ cần một quốc gia kiện thì các quốc gia khác cũng kiện theo với  thời gian áp thuế gần như vô thời hạn do liên tục gia hạn và sự thua thiệt luôn là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực có hàng hóa bị kiện.

“Điều quan trọng là, DN cần nâng cao ý thức phòng vệ, điều chỉnh đơn giá và sản lượng xuất khẩu hợp lý, bởi các thị trường đều có cảnh báo trước mỗi vụ khởi kiện để tránh mọi thua thiệt khi để hàng hóa bị các quốc gia khởi kiện”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập  lưu ý.

Tin bài liên quan