Cả dệt may và da giầy đều đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm nay

Cả dệt may và da giầy đều đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10% trong năm nay

Nhiều ngành đặt kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu cao

(ĐTCK) Với 5 nhóm hàng xuất khẩu vượt xa mốc 1 tỷ USD, cùng nhiều mặt hàng tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu ngay trong tháng 1/2018, câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD năm nay hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thành viên mới.

Đặt mục tiêu xuất khẩu đạt tổng kim ngạch 33,5 tỷ USD trong năm 2018, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận là khá thách thức, song không phải là không có cơ sở để ngành dệt may hiện thực  hóa được mục tiêu này.

“Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành vẫn đạt hơn 31 tỷ USD trong năm 2017. Với dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới đang phục hồi tích cực, đặc biệt là các hiệp định thương mại quan trọng đã ký kết như EVFTA hay CPTPP lần lượt dự kiến có hiệu lực trong năm nay và năm tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển hơn", ông Giang nhìn nhận.

Để hiện thực hóa được mục tiêu này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho rằng, không còn cách nào khác là phải gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành lên hơn 10% thông qua việc tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, làm chủ được các sản phẩm đưa ra thị trường thế giới nhằm tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả.

Với ngành hàng da giày, ước tính năm 2017, xuất khẩu toàn ngành đạt giá trị hơn 17 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Cũng là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ việc mở rộng thị trường từ các FTA đã ký kết, trong năm 2018, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) và các doanh nghiệp da giày tin tưởng giá trị xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh.

Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn không giấu tham vọng đưa kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2018 đạt từ 19,5-20 tỷ USD, tăng 10% so với 2017, trong đó riêng sản xuất công nghiệp da giày tăng 5%, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm da giày đạt 55%, xuất khẩu giày dép tiếp tục đứng thứ 4 và túi, cặp đứng thứ 10 trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

“Vấn đề mấu chốt hiện nay là các doanh nghiệp cần cải thiện hơn nữa về năng suất lao động thì mới gia tăng được nguồn hàng, từ đó tăng kim ngạch và giá trị gia tăng. Theo tính toán, hiện nay, trung bình 1 người lao động Việt Nam chỉ sản xuất được 3-4 đôi giày/ngày, trong khi năng suất của 1 lao động Trung Quốc đạt gấp đôi.

Vì thế, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hướng tới áp dụng mô hình quản lý chất lượng, đồng thời đẩy mạnh liên kết với khối doanh nghiệp FDI để tiếp cận và chuyển giao mô hình quản lý tốt vào thực tiễn quản trị của doanh nghiệp...”, ông Thuấn chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, năm 2018 dự báo sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu nói chung, cũng như các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nói riêng.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10%, Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các giải pháp về tổ chức sản xuất, quy hoạch đối với các mặt hàng nông-thủy sản gắn với thị trường, nhằm tạo nguồn hàng có chất lượng để phục vụ xuất khẩu; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, chế biến sâu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến...”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng khẳng định, sẽ chỉ đạo tập trung rà soát các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý minh bạch, công khai để doanh nghiệp thuận lợi nhất trong tiếp cận thị trường, đẩy mạnh sản xuất. 

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 1/2018, có 5 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Dẫn đầu là nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện, với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 80,7% so với tháng 1/2017.

So với cùng kỳ, xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%; các sản phẩm giày dép ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,05 tỷ USD, tăng 18,2%. Bên cạnh đó, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy hải sản, cà phê, nông sản, gạo… cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng cao trên 20%.

Tin bài liên quan