Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ vẫn mở rộng kinh doanh: Do “nhờn thuốc” chống chuyển giá?

Tình trạng chuyển giá nhằm trốn thuế của một bộ phận doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Trước thực tế này, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế sẽ sớm sơ kết việc thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đồng thời tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chống chuyển giá.

Việt Nam có “bề dày” 20 năm chống chuyển giá, nhưng các chuyên giakinh tế, đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội vẫn cho rằng, tình trạng chuyển giá diễn ra hết sức phức tạp. Bà có bình luận gì về ý kiến này?

Pháp luật không cấm, không hạn chế giao dịch liên kết. Nhưng thực tế, lợi dụng mối quan hệ liên kết, các thành viên trong cùng tập đoàn, công ty đa quốc gia hoặc giữa công ty mẹ với công ty thành viên thực hiện mua bán, giao dịch hàng hóa, dịch vụ không theo giá thị trường, nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp và tối đa lợi nhuận dựa vào các chính sách ưu đãi miễn thuế, giảm thuế của từng quốc gia và ưu đãi miễn, giảm thuế giữa các vùng miền của từng quốc gia. 

Nhiều doanh nghiệp báo lỗ vẫn mở rộng kinh doanh: Do “nhờn thuốc” chống chuyển giá? ảnh 1

 Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) 

Tình trạng trốn thuế thông qua chuyển giá không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà diễn ra trên toàn thế giới. Vấn nạn này ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, các cơ quan thuế trên thế giới đang phải căng mình chống lại tình trạng chuyển giá.

Đối với Việt Nam, tôi khẳng định, tất cả các hình thức, phương thức chuyển giá trên thế giới đã được nhiều doanh nghiệp FDI áp dụng.

Hoạt động chuyển giá gia tăng và diễn biến phức tạp được thể hiện ở điểm nào?

Không thể phủ nhận khu vực FDI có đóng góp hết sức tích cực vào GDP, tạo việc làm, đóng góp vào ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng năm 2017, khu vực này đóng góp vào ngân sách từ các khoản thu nội địa (không kể dầu thô) 172.020 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2012. Tuy nhiên, mức đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, hiệu quả hoạt động của khu vực FDI.

Một điều đáng lưu ý là, hàng năm có trên dưới 50% số doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ trong năm tài chính, khoảng 60% số doanh nghiệp báo cáo có lỗ lũy kế, trong đó 16% báo cáo lỗ mất hết vốn, nhưng rất nhiều doanh nghiệp báo cáo lỗ vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Có những doanh nghiệp từ khi đầu tư vào Việt Nam, hoạt động 15-20 năm, năm nào cũng báo cáo lỗ, nhưng năm nào cũng mở rộng hoạt động.

Điều này là phi lý, vì trong cơ chế thị trường, kinh doanh thua lỗ thì doanh nghiệp hoặc phải thu hẹp hoạt động, hoặc phá sản, giải thể, đóng cửa, hoặc chuyển hướng kinh doanh, chứ không doanh nghiệp nào tiếp tục mở rộng hoạt động.

Điều này cho thấy hoạt động chuyển giá vẫn diễn ra hết sức phức tạp, cần phải tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chống chuyển giá.

Trước thực trạng một bộ phận doanh nghiệp FDI trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá trong các giao dịch liên kết, thưa bà, cơ quan thuế Việt Nam đã làm gì để ngăn chặn?

Ngay từ năm 1997, Việt Nam đã quan tâm đến hoạt động chống chuyển giá thông qua việc từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm quản lý hoạt động giao dịch liên kết trong khu vực doanh nghiệp FDI, nhưng vẫn phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách thu hút FDI. Nhưng phải đến năm 2012, Tổng cục Thuế mới thành lập Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Ngoài thực hiện chức năng quản lý thuế như xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu thực hiện phân tích rủi ro; lựa chọn đối tượng thanh tra, kiểm tra…, Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá còn thực hiện chức năng nghiên cứu mô hình quản lý thuế đối với giao dịch liên kết của các nước và áp dụng tại Việt Nam.

Năm 2015, Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng tại Tổng cục Thuế và các địa phương có nhiều doanh nghiệp FDI gồm Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương được thành lập, nhằm chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa công tác thanh tra giá chuyển nhượng.

Dù các cơ quan, đơn vị đã rất nỗ lực, nhưng tình trạng gian lận thuế, trốn thuế thông qua hoạt động chuyển giá của một bộ phận doanh nghiệp FDI vẫn diễn biến hết sức phức tạp, do hành lang pháp lý quản lý hoạt động này chưa được hoàn thiện.

Chính vì vậy, việc Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã mở ra một chương mới trong hoạt động chống chuyển giá.

Sau một năm thực hiện Nghị định 20/2017/NĐ-CP, kết quả đạt được thế nào, thưa bà?

Triển khai Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cơ quan thuế đã tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giao dịch liên kết, về tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp giao dịch độc lập thuộc một số ngành, lĩnh vực có giao dịch liên kết, chuyển giá…

Ngay sau khi Nghị định có hiệu lực, toàn ngành đã tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết.

Kết quả là, năm 2017, thanh tra, kiểm tra được 734 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, đã truy thu, truy hoàn và phạt 2.270,58 tỷ đồng, tăng 870,38 tỷ đồng so với năm 2016; giảm lỗ 9.291,43 tỷ đồng (tăng hơn 1.800 tỷ đồng); giảm khấu trừ 92,22 tỷ đồng (tăng 12,92 tỷ đồng); điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.625,87 tỷ đồng (tăng gần 684 tỷ đồng).

Tuy nhiên, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động giao dịch liên kết, chúng tôi nhận thấy rằng, tình trạng chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, nên cần sớm sơ kết Nghị định 20/2017/NĐ-CP, từ đó tìm ra các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống chuyển giá.

Tin bài liên quan