Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến nhập khẩu khoảng 15% tổng nhu cầu dầu thô phục vụ chế biến

Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến nhập khẩu khoảng 15% tổng nhu cầu dầu thô phục vụ chế biến

Nhập siêu sẽ đạt 6 - 8 tỷ USD khi kinh tế “vào guồng”

(ĐTCK) Theo số liệu công bố của Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm 2014, xuất siêu ước đạt 1,9 tỷ USD. 

Nếu không có diễn biến bất thường, dự báo năm nay sẽ là năm thứ 3 liên tiếp cán cân thương mại Việt Nam trong trạng thái xuất siêu, với mức kỷ lục 1,5 tỷ USD, vượt khá xa so với mức xuất siêu 300.000 USD năm 2013 và 749 triệu USD năm 2012. Tuy nhiên, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ và Quốc hội, tình trạng nhập siêu sẽ quay trở lại vào năm sau, với chỉ tiêu dự kiến 6 - 8 tỷ USD.

Cụ thể, theo tính toán của bộ này, năm 2015, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ước đạt 163 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 170 tỷ USD, nhập siêu khoảng 6 - 8 tỷ USD, chiếm khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu. Con số nhập siêu này, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, hoàn toàn nằm trong chỉ tiêu cho phép của giai đoạn 2011- 2020.

“Theo tính toán, phải đến năm 2020, Việt Nam mới có thể cân bằng được cán cân thương mại và 2015 vẫn nhập siêu khoảng 10,2% so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương mới trình Quốc hội phương án nhập siêu 5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm, trong 2 năm qua, Việt Nam đã đạt được tình trạng cân bằng cán cân thương mại “sớm” so với thời hạn 2020.

Việc xây dựng chỉ tiêu nhập siêu 5% cho năm tới, được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, đã có sự tính toán rất kỹ lưỡng trên cơ sở những dấu hiệu cải thiện tích cực của nội tại nền kinh tế trong nước trong nửa cuối năm 2014 cũng như xu hướng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế thế giới. Nhập siêu là do các DN trong năm tới sẽ tăng cường nhập khẩu máy móc trang thiết bị để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, trong khi xuất khẩu sẽ khó tăng trưởng đột biến vì một số mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu) hay dầu thô đã đạt đến ngưỡng đỉnh, còn giá thì lại rất bấp bênh, thậm chí đang có xu hướng giảm. Một số mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của DN FDI như linh kiện điện thoại, điện thoại di động, hàng điện tử cũng đã đạt tới mức cao nhất theo hiệu suất thiết kế của DN.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu duy trì kim ngạch nhập khẩu, để rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu cân bằng cán cân thương mại”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.

Cụ thể hơn về những yếu tố tác động đến xu hướng nhập siêu vào năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thặng dư cán cân thương mại thời gian qua chủ yếu dựa vào đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, trong khi cán cân thương mại của khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu (năm 2012, nhập siêu 11,6 tỷ USD, năm 2013 là 13,7 tỷ USD và năm 2014 ước 16,9 tỷ USD).

“Qua theo dõi những năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI đang có xu hướng giảm dần, xuất khẩu của khu vực FDI năm 2012 tăng 31%; năm 2013 tăng 22%; năm 2014 ước tăng 12,9% do khối doanh nghiệp này hoạt động gần hết công suất”, ông Hải phân tích.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết, năm 2015 sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, xuất khẩu chưa có khả năng tăng trưởng mạnh, do nguồn hàng trong nước chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng để thâm nhập vào các thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng như đòi hỏi cao về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhóm hàng nông sản, thủy sản, công nghiệp chế biến đã đến ngưỡng về năng lực sản xuất nên tăng trưởng xuất khẩu đang có xu hướng giảm; đồng thời là chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô gồm dầu thô, quặng sắt... Ngoài ra, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng tốt hơn, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư để đón bắt những cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp được ký kết, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị để phục vụ cho các dự án đầu tư mới. Những diễn biến bất ổn trên biển Đông cũng yêu cầu Việt Nam phải đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị; tăng nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu từ các thị trường khác ngoài thị trường Trung Quốc, như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Những sản phẩm, hàng hóa này có chất lượng tốt hơn và giá cũng cao hơn, làm cho tổng kim ngạch nhập khẩu tăng.

Một yếu tố quan trọng nữa là triển vọng phát triển thị trường xuất khẩu thông qua sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và hiệu quả mang lại từ các FTA sắp ký kết là động lực để các DN trong nước thúc đẩy sản xuất, làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị cho đầu tư mới và nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, năm 2015, một số nhà máy nhiệt điện sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, những nhà máy này sẽ sử dụng một phần than nhập khẩu; Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng dự kiến nhập khẩu thêm khoảng 15% tổng nhu cầu dầu thô để phục vụ cho sản xuất.

Đánh giá về xu hướng nhập siêu trở lại vào năm 2015, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tín hiệu tốt, cho thấy nền kinh tế đang phục hồi tích cực, với sự tăng trưởng nhập khẩu để tăng đầu tư phát triển sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời phản ánh bức tranh xuất khẩu còn thiếu tính bền vững của Việt Nam, đó là sự phụ thuộc quá lớn vào khu vực doanh nghiệp FDI.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khu vực doanh nghiệp FDI đang đóng góp 65% giá trị xuất khẩu của cả nước. Khối doanh nghiệp nội địa đóng góp tỷ trọng thấp hơn xuất phát từ năng lực cạnh tranh của khối này còn hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa được cải thiện, giá trị gia tăng thấp.

“Việc nền kinh tế phụ thuộc quá mức vào khu vực nước ngoài là một vấn đề rất đáng lo ngại. Chính phủ cần nhìn rõ thực trạng này để có giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng năng lực nội tại, chứ không nên tự huyễn hoặc mình với những thành tích đã đạt được”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.               

Tin bài liên quan