Ngỏ lời mua cổ phần của Vissan quá sớm, CJ tự đưa mình vào thế bất lợi

Việc công khai ý định mua lại cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), thành viên của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, có thể khiến Tập đoàn CheilJadang Corporation (Hàn Quốc) gặp bất lợi.

Không chỉ CJ, hiện có rất nhiều đối tác cùng quan tâm tới việc chào mua cổ phần của Vissan. Ảnh: Lê Toàn

Không chỉ CJ, hiện có rất nhiều đối tác cùng quan tâm tới việc chào mua cổ phần của Vissan. Ảnh: Lê Toàn

CJ “yêu” đơn phương Vissan?

Một kế hoạch khả thi khi tham gia cổ phần hóa Vissan được ông Lee Hae Sun, Tổng giám đốc Tập đoàn CheilJadang Corporation (CJ), tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, vạch ra khá rõ ràng trong cuộc gặp với Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân tuần qua mà báo chí tung tin khiến dư luận hết sức quan tâm.

Cụ thể, Vissan là doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm hàng đầu Việt Nam, 45 năm có mặt trên thị trường, với hơn 130.000 điểm bán trên cả nước, tổng doanh thu trung bình mỗi năm 4.500 tỷ đồng. Trong khi CJ cũng là tập đoàn có nhiều thế mạnh trong lĩnh vực thực phẩm - dịch vụ thực phẩm ở Hàn Quốc và một số nước khác. Nếu trở thành cổ đông của Vissan, CJ không những sẽ đưa thương hiệu Vissan phát triển hơn nữa ở thị trường trong nước, mà còn mở rộng ở thị trường nước ngoài thông qua việc xuất khẩu sản phẩm thực phẩm dưới thương hiệu Vissan. 

Như để minh chứng thêm tiềm năng của cơ hội hợp tác này, lãnh đạo CJ dẫn chứng đã tham gia hoạt động đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam. Năm 1999, CJ thành lập Công ty TNHH CJ Vina Agri, chuyên sản xuất, kinh doanh cám gia súc, gia cầm và thủy sản. CJ hiện có 3 nhà máy tại Long An, Hưng Yên, Vĩnh Long và một trại chăn nuôi giống ở Bình Dương. Theo đó, nếu mua cổ phần của Vissan thành công, CJ sẽ tham gia sâu hơn vào ngành chăn nuôi, từ việc cung cấp con giống, thức ăn cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến sản phẩm...

CJ chỉ là một trong nhiều đối tác quan tâm đến việc mua cổ phần của Vissan. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết: “CJ đơn phương bày tỏ ý định, trong khi Vissan chưa có ý gì và đang hoàn thiện thủ tục để cổ phần hóa trong năm nay”.

Ông Mười từ chối cung cấp thông tin do lo ngại làm ảnh hưởng đến các đối tác khác cũng đang quan tâm tới Vissan. Mặc dù không tiết lộ về phương án lựa chọn đối tác chiến lược, nhưng ông Mười vẫn nhận định, CJ sẽ là đối tác tốt vì họ chịu khó đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là có tiềm năng đứng đầu ngành thực phẩm.

Sau định giá, đến với CJ vẫn chưa muộn

Mới đây, Vissan đã chọn Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities - VCSC) để tư vấn cổ phần hóa.

Ông Đinh Quang Hoàn, Phó tổng giám đốc VCSC cho biết: “Vissan chưa có kế hoạch cụ thể về tiêu chí lựa chọn đối tác, tỷ lệ bán, chiến lược hay quy mô, vị thế cần hướng đến sau cổ phần hóa. Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp đều theo quy định của Nhà nước, nhưng việc quan trọng nhất cần làm trước mắt là định giá Vissan để kịp tiến độ IPO ngay trong năm nay. Còn việc lựa chọn đối tác chiến lược có thể để sau khi IPO cũng chưa muộn”.

Phần định giá doanh nghiệp cũng là điều mà lãnh đạo Vissan lo lắng và quan tâm nhất. Trong đó, điều ông Mười băn khoăn nhất là, làm thế nào để thẩm định một cách chính xác nhất giá trị của doanh nghiệp. Đó là cơ sở quan trọng để Vissan có đủ căn cứ quyết định cho việc bổ sung nguồn lực cần và các đối tác chiến lược. 

Thực tế, các quy chế, quy định của Nhà nước về việc này đã rất đầy đủ, nhưng nếu không có quy chế mời các công ty tư vấn đủ năng lực để đánh giá đúng phần giá trị vô hình, khả năng bị “hố” khi định giá hoàn toàn có thể xảy ra. Và rất có thể, đó là nguyên nhân gây thất thoát tài sản, Nhà nước và người lao động ở Vissan chịu thiệt.

Cần phải nhắc lại, VCSC từng tư vấn, môi giới nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập khủng ở thị trường Việt Nam. Điển hình năm 2013, VCSC tham gia hoạt động mua bán, sáp nhập và mua bán cổ phần khá sôi động với các nhà đầu tư lớn, như KKR, Soco International, Lotte, Ayala, Warburg Pincus, Chanler (Singapore) và nhiều nhà đầu tư khác với tổng giá trị ước tính không dưới 4 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, hàng tiêu dùng, bán lẻ, khí gas.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu Satra và Vissan cổ phần hóa trước thời hạn. Trong đó, Vissan xác định thời điểm định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2014 và cổ phần hóa ngay sau đó. Do đó, đến thời điểm này, VCSC chưa xem hồ sơ cổ phần hóa của Vissan đã là muộn.

Trong khi đó, với một số nhà đầu tư lọc lõi trên thị trường thì động thái của CJ có thể khẳng định chiến lược đầu tư đa ngành và lâu dài ở Việt Nam, song đây cũng có thể là dấu hiệu bất lợi với CJ.

Một nhà đầu tư uy tín, có kinh nghiệm ở nhiều thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn nhận định, việc CJ công khai quá sớm ý định mua cổ phần của Vissan có thể gây bất lợi lớn cho CJ khi đàm phán giá, bởi hiện có rất nhiều đối tác khác cũng quan tâm tới việc chào mua cổ phần của Vissan.

“Việc cổ phần hóa tài sản của Nhà nước và đấu giá rất tế nhị, liên quan đến lợi ích của nhiều người. Nếu CJ công khai chào mua sớm khi mọi thứ còn đang trong trứng nước, thì sẽ bất lợi lớn khi đàm phán giá, thậm chí mức giá mua cổ phần Vissan sẽ bị các nhà đầu tư khác đẩy lên cao. Còn họ dùng cách gì để mua, thì chắc chắn sẽ vướng phải làn sóng phản đối của các cổ đông Vissan”, nhà đầu tư trên nhận định.

Tham vọng “CJ thứ ba”

Trở lại với câu chuyện của CJ tại Việt Nam. Không chỉ muốn tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp thực phẩm như Vissan, CJ còn nhắm vào lĩnh vực giải trí và truyền thông khi muốn được tham gia các dự án đầu tư truyền thông và truyền hình của TP.HCM. Tuy nhiên, mảng truyền hình hiện chưa có chủ trương cổ phần hóa, CJ cần tính đến phương án hợp tác với Đài Truyền hình TP.HCM để sản xuất các chương trình truyền hình. Năm 2011, CJ ra mắt kênh mua sắm tại nhà SCJ thông qua hợp tác với truyền hình SCTV.

Việt Nam là thị trường mục tiêu trong chiến lược mở rộng trên toàn cầu của Tập đoàn CJ. Chủ tịch Tập đoàn CJ Lee Jay Hyun nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường Việt Nam và sẽ đầu tư mạnh cho lĩnh vực thực phẩm, chăn nuôi và nông nghiệp, vui chơi giải trí tại đây. Ngoài ra, Việt Nam là thị trường kết nối với Campuchia, Lào, Myanmar. Việt Nam sẽ là một “CJ thứ ba”, sau các cam kết trước đó được thực hiện ở Trung Quốc, nên gần đây, lãnh đạo cấp cao của CJ liên tục đến Việt Nam để hiện thực hóa chiến lược này. Liệu “chàng rể” Hàn Quốc có kết duyên được với “cô gái đẹp” Vissan hay không chưa biết, nhưng dù sao động thái công khai phần nào cho thấy họ sẵn sàng đối đầu với những rủi ro của khoản đầu tư sắp tới.

Tin bài liên quan