Tăng sản lượng và tăng xuất khẩu, nhưng hiệu quả của ngành xi măng vẫn thấp. (Ảnh minh họa: KT)

Tăng sản lượng và tăng xuất khẩu, nhưng hiệu quả của ngành xi măng vẫn thấp. (Ảnh minh họa: KT)

Nghịch lý của ngành xi măng

Tăng sản lượng và tăng xuất khẩu, nhưng hiệu quả vẫn thấp, đó là nghịch lý đáng lo ngại hiện nay của ngành xi măng hiện nay.

Cả nước hiện có 82 dây chuyền sản xuất xi măng đạt công suất gần 100 triệu tấn sản phẩm mỗi năm.

Hầu hết các nhà máy xi măng đang phát triển với công nghệ hiện đại, chủng loại đa dạng cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem), các chỉ số về năng lực cạnh tranh cốt lõi đều đảm bảo, các nhà máy sử dụng hầu hết công nghệ hiện đại từ các nước G7, đội ngũ công nhân lành nghề.

Các hệ số sử dụng tài nguyên, tiêu hao nhiên liệu bằng với các nước Châu Âu.

Chi phí biến đổi của clanhke là 20-21 USD/tấn, tiệm cận và tương đương mức chi phí của khu vực và thế giới.

Chất lượng xi măng đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Nam Mỹ và các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao các sản phẩm xi măng của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng có giá bán thấp nhất trong khu vực và trên thế giới.

Cụ thể: sản phẩm xi măng bao của các nhà máy có giá từ 48-50 USD/tấn, trong khi đó tại các nước trong khu vực, như Thái Lan có giá 65 USD/tấn, Indonesia 102 USD/tấn, Philippines là 99 USD/tấn.

Bởi vậy, sản xuất xi măng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung còn ở mức rất khiêm tốn, chỉ đạt 2% trong 8,7% tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2017.

Năm 2017, các nhà máy của Tổng công ty Vicem đã sản xuất và tiêu thụ được trên 26,6 triệu tấn, tăng 3% , nhưng giá trị mang lại thấp hơn, giảm 6% so với năm 2016.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS. Nguyễn Đình Cung, việc tăng lượng mà giảm giá trị là biểu hiện của lãng phí tài nguyên.

“Chúng ta nói chỉ số có thể lượng tăng nhiều hơn tốc độ tăng trưởng GDP nhưng tính về hiệu quả và năng suất thì kém hơn. Như vậy sẽ không đóng góp vào tăng trưởng, không phải là tăng lượng là sẽ tăng về giá trị gia tăng. Tăng lượng nhiều khi lại mất tài nguyên.”, ông Cung phân tích.

Mặc dù giá thành sản xuất thấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế nhưng sản lượng xuất khẩu xi măng hiện nay của Vicem chỉ đạt khiêm tốn 7 triệu tấn/năm, bằng hơn một nửa xuất khẩu clanhke (13 triệu tấn).

Trong khi đó, xi măng thành phẩm hàm lượng giá trị gia tăng gấp đôi clanhke.

Như vậy, xuất khẩu clanhke thực chất là xuất nguyên liệu thô. Cũng phải nói thêm rằng giá xuất khẩu clanhke của nước ta cũng rất thấp chỉ khoảng trên dưới 30 USD/tấn, chưa bằng một nửa giá clanhke xuất khẩu của Trung Quốc. 

Các nhà quản lý, nghiên cứu kinh tế lo ngại việc lấy số lượng bù hiệu quả, là đang bán rẻ tài nguyên. Bởi đá vôi nguyên liệu chính sản xuất xi măng chỉ là tài nguyên hữu hạn, khiến nguyên liệu trong nước nhanh cạn kiệt, đặt ngành sản xuất xi măng trước nguy cơ phát triển kém bền vững. 

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, đây không phải vấn đề của riêng Vincem, của ngành sản xuất xi măng mà còn là vấn đề của quốc gia.

"Giá cả là vấn đề lớn, giá xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng một nửa của Indonesia và Philippines. Tại sao thấp như thế mà chúng ta vẫn bán, buộc phải bán? Xi măng tốt mà cứ phải bán với giá thấp. Đây là vấn đề không chỉ của Vicem mà còn là vấn đề của doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh”, ông Thiên nói.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam hiện chiếm khoảng 35% trong thị phần 90 triệu tấn xi măng của Việt Nam. Cùng với đó, các công ty liên doanh với Vicem cũng chiếm khoảng 26-27% thị phần. Gần một nửa thị phần còn lại là các doanh nghiệp tư nhân.

Có thể chính sự cạnh tranh kém lành mạnh, hạ giá giữa các doanh nghiệp trong nước đã đẩy giá xi măng và clanhke ở nước ta vào hàng thấp nhất thế giới. Dẫn tới việc sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, lợi nhuận thấp chưa đủ tái đầu tư cũng như bù đắp xứng đáng cho những thiệt hại về môi trường.

Đây là thách thức đặt ra cho Vincem và ngành sản xuất xi măng trong vấn đề bảo vệ, tiết kiệm tài nguyên cho đất nước.

Rõ ràng, thay vì tăng sản lượng tràn lan thì việc đầu tư công nghệ đi vào sản xuất chiều sâu, tăng giá trị và hiệu quả cần có một chiến lược bao trùm. 

Theo đó, việc tái cấu trúc doanh nghiệp xi măng theo hướng tinh gọn, tăng năng suất, tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, gắn với cổ phần hóa Vicem, hướng tới phát triển bền vững là bước đi cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh, cho rằng, trong tái cấu trúc của Tổng công ty Xi măng, phải làm sao trước khi cổ phần hóa chúng ta có được giá bán tốt hơn.

Bộ Xây dựng và Tổng công ty Xi măng Việt Nam quan niệm rằng, không chỉ quan tâm đến giá bán mà phải làm sao cho xi măng phát triển tốt hơn, hiệu quả hơn, sử dụng tài nguyên tiết kiệm hơn và năng suất cao hơn.

Nếu có thể thì chuyển giao một số doanh nghiệp về Tổng công ty xi măng để tiếp tục tái cơ cấu.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam đứng thứ 4 trong 10 nước sản xuất xi măng và clanhke nhiều nhất thế giới. Sản lượng xi măng Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới, nếu phát triển theo đúng lộ trình đã quy hoạch thì có thể sẽ đứng ở vị trí thứ 5 vào năm 2020.

Tuy nhiên vấn đề vị thế về sản lượng sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với tăng trưởng kinh tế, nếu tăng trưởng sản lượng tỷ lệ nghịch với tăng giá trị.

Để phát triển bền vững ngành xi măng, Bộ xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất xi măng triển khai chương trình sử dụng tiết kiệm tài nguyên, kiểm soát tác động đến môi trường.

Trong đó chú trọng xây dựng phương pháp quản lý khai thác tiên tiến để giảm tỷ lệ nguyên liệu phế thải và thu hồi tối đa sản phẩm sau khai thác.

Tối ưu hóa sản xuất, tập trung cải tiến chiều sâu để tăng năng suất, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm giá trị gia tăng, giảm xuất khẩu tài nguyên thô,chú trọng tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm.

Về sản lượng sẽ cơ bản giữ ổn định các dây chuyền sản xuất xi măng như hiện nay, không tăng thêm đến năm 2025.

Đồng thời, mới đây Vicem cũng đề xuất với Bộ Xây dựng, Chính phủ ủng hộ phương án cho mua bán lại các doanh nghiệp theo hình thức sáp nhập để có sự thống nhất trong chiến lược phát triển.

Tin bài liên quan