Xu hướng này đã được phản ánh vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong năm 2015.
Năm 2014 được coi là năm thắng lợi lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản khi tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7,92 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2013. Trong đó, mặt hàng tôm đóng góp kim ngạch xuất khẩu 4,1 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm trước, với mức giá cao kỷ lục; kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,8 tỷ USD, tăng 14% so với 2013. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết, diễn biến giá không khả quan như năm trước.
Vừa trở về từ hội chợ thủy sản quốc tế Boston 2015 (Mỹ), ông Trần Thiện Hải, Tổng giám đốc CTCP Thủy sản Minh Hải cho biết, nguồn cung thủy sản ở các nước có thế mạnh xuất khẩu đang tăng, trong khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường lớn như EU và Mỹ lại giảm. Cụ thể, mặt hàng tôm đang trong tình trạng dư cung, còn mặt hàng cá tra của Việt Nam bị sức ép cạnh tranh từ sản phẩm thay thế là các loại cá thịt trắng ở các nước khác. Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ, Indonesia tham gia Hội chợ đã nhận thức được tình hình đó nên chủ động chào giá giảm để sớm ký được hợp đồng. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Thủy sản Năm Căn (SNC) là một công ty có thế mạnh về xuất khẩu tôm, tôm chiếm trên 70% tổng sản lượng xuất khẩu của SNC trong năm qua. Năm 2014, SNC thu về 944 tỷ đồng doanh thu, với tổng sản lượng 2.847 tấn, lợi nhuận trước thuế đạt 38 tỷ đồng. Dự báo, giá thủy sản xuất khẩu có xu hướng giảm, bà Đỗ Thị Việt Hoa, Chủ tịch HĐQT SNC cho biết, Công ty đặt kế hoạch xuất khẩu vừa phải, giảm so với thực hiện năm trước là 2.700 tấn, doanh thu 815 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm rất mạnh so với năm 2014, với 15 tỷ đồng.
Bà Hoa cũng cho biết thêm, mặt hàng tôm xuất khẩu, đặc biệt là tôm sú của doanh nghiệp Việt đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ, Bangladesh vì nguồn tôm sú tại hai nước này đang dư cung. Giá tôm chào bán xuất khẩu của SNC trong những tháng đầu năm 2015 thấp hơn 2014. Bên cạnh đó, tại thị trường châu Âu, SNC còn phải đối mặt với một khó khăn nữa là sự xuất hiện của các hàng rào kỹ thuật là giấy phép các loại cho tôm nhập khẩu.
Ngay như CTCP Thủy sản Bến Tre (ABT) là doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu tôm cũng đặt kế hoạch lợi nhuận khá thận trọng. Trong khi doanh thu kế hoạch là 500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với năm trước (448 tỷ đồng) thì mục tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty này trong năm 2015 chỉ tương đương với kế hoạch 2014 (80 tỷ đồng) và thấp hơn so với mức thực hiện của năm trước (hơn 90 tỷ đồng).
Ông Trần Tấn Tâm, Tổng giám đốc CTCP Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) cũng cho biết, nhiều công ty thành viên của Seaprodex trong những tháng đầu năm dù có tăng sản lượng xuất khẩu, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tăng so với cùng kỳ 2014. Đây là một tín hiệu không thuận lợi và biến động giá thủy sản xuất khẩu năm nay rất khó lường. Do vậy, theo ông Tâm, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần phải gia tăng năng lực cạnh tranh bằng việc hiện đại hóa dây chuyền sản xuất hơn nữa, đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn, để giá trị xuất khẩu không bị sụt giảm. Tại ĐHCĐ thường niên 2015, Đại hội đầu tiên sau khi IPO, cổ đông Seaprodex đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 2015 ở mức 2.560 tỷ đồng, giảm 28% so với năm 2014.
Theo dự báo của CTCK Ngân hàng BIDV, năm 2015, ngành tôm vẫn có triển vọng tăng trưởng tích cực 15% so với 2014 dù không còn lợi thế về giá xuất khẩu. Tuy nhiên, lượng cung thế giới đang tăng về mức trước khi xảy ra dịch hội chứng tôm chết sớm (EMS) do ngành tôm Trung Quốc và Thái Lan đang phục hồi trở lại.
Còn theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015, tôm vẫn là mặt hàng tiếp tục có đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản với kim ngạch khoảng 4 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam được hưởng lợi khi Mỹ áp mức thuế 1% với tôm Việt Nam theo kết quả kiểm tra chống bán phá giá lần thứ 9 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), giảm hơn 5% so với lần 8.