Ngành bán lẻ Việt đang thiếu cả về nguồn nhân lực chất lượng, nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống quản trị chuyên nghiệp

Ngành bán lẻ Việt đang thiếu cả về nguồn nhân lực chất lượng, nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống quản trị chuyên nghiệp

Ngành bán lẻ Việt: Nắm bắt thời cuộc để làm chủ cuộc chơi

(ĐTCK) Cuộc “so găng” giữa doanh nghiệp bán lẻ nội-ngoại đang ngày càng khốc liệt, khi các hệ thống bán lẻ ngoại liên tục đổ bộ vào Việt Nam. Chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển ngành bán lẻ” do Forbes tổ chức mới đây, các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, để “làm chủ cuộc chơi” trước các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài vốn có lợi thế về vốn, công nghệ và kinh nghiệm, doanh nghiệp bán lẻ trong nước luôn phải trong tâm thế sẵn sàng thay đổi.

Chiến lược bán hàng linh hoạt

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, lâu nay, chúng ta hay đổ lỗi yếu kém do khâu phân phối, nhưng vấn đề chính là ngành bán lẻ Việt Nam còn manh mún, nên luôn ở thế yế khi cạnh tranh với các nhà bán lẻ quốc tế.

“Những năm gần đây ngành bán lẻ Việt Nam đã có sự vươn lên, xây dựng được nhiều thương hiệu mạnh. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được với các nhà bán lẻ nước ngoài, bên cạnh chiến lược chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, điều cốt lõi là phải có sự linh hoạt trước xu thế mua hàng mới, trong đó sử dụng bán lẻ đa kênh”, bà Loan nhấn mạnh.

Bán lẻ đa kênh cũng là nội dung được lãnh đạo FPT Digital Retail nhắc đến trong các chiến lược tiếp cận khách hàng.

Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc Phát triển kinh doanh và thương mại điện tử của FPT Digital Retail cho rằng, bán hàng đa kênh trong nền kinh tế hiện nay vô cùng quan trọng. Một khảo sát của FPT Digital Retail cho thấy, 67% khách hàng tìm sản phẩm trên một kênh, nhưng lại mua hàng trên một kênh khác.

“Nếu chỉ sử dụng một kênh bán hàng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt sẽ mất đi cơ hội. Áp dụng mô hình đa kênh sẽ giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa các cơ hội tiếp cận khách hàng”, ông Bảo nhìn nhận.

Về thị trường bán lẻ truyền thống, ông Bảo cho hay, dù bán hàng online đang phát triển mạnh, nhưng các cửa hàng truyền thống "vẫn còn đất sống". Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về sản phẩm qua các kênh online, nhưng luôn muốn trải nghiệm trực tiếp sản phẩm trước khi mua hàng. Ông Bảo lấy dẫn chứng về Amazon, “gã khổng lồ” trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến gần đây cũng đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng truyền thống.

Sẵn sàng cho sự chuyển dịch hành vi mua sắm

Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc (CEO) Bibo Mart cho rằng: “Dù có nhiều lợi thế, song doanh nghiệp bán lẻ ngoại không phải là không gặp khó khăn khi vào thị trường Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp nội cần sẵn sàng cho sự chuyển dịch hành vi mua sắm của khách hàng”.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Bibo Mart, bà Phương cho hay, Công ty khởi nghiệp với số vốn ban đầu chỉ 130 triệu đồng. Đến nay, sau 10 năm thành lập, Bibo Mart được định giá 142 triệu USD và có 150 cửa hàng trải khắp cả nước.

“Để có được thành quả như ngày nay là một chặng đường vô cùng thách thức. Không chỉ riêng Bibo Mart, đó cũng là chặng đường thách thức với các nhà bán lẻ Việt Nam hiện nay", bà Phương nói.

Theo bà Phương, dù thị trường rất tiềm năng, nhưng các doanh nghiệp bán lẻ Việt lại thiếu nhiều điều kiện, đó là nguồn nhân lực chất lượng, nền tảng công nghệ hiện đại và hệ thống quản trị chuyên nghiệp.

Đơn cử, hệ thống ERP (hoạch định nguồn lực doanh nghiệp), một mô hình quản lý toàn diện doanh nghiệp hiện nay, nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp triển khai thành công. Bản thân Bibo Mart cũng vất vả trong việc tuyển dụng nhân sự có chất lượng, trong khi Việt Nam lại chưa có trường đào tạo về nghề bán lẻ.

“Chúng ta đang đi từ những phương tiện thô sơ. Dù bán lẻ truyền thống đang có nhiều nỗ lực để hiện đại hóa, bắt kịp các chuẩn mực về vận hành, ‘đi lên xe ô tô’, nhưng hôm nay chúng ta đang nói đến thương mại điện tử, tức sự chuyển dịch ‘lên máy bay’, thì đó là thách thức rất lớn”, CEO Bibomart phân tích.

Vị CEO này khẳng định, áp lực đó buộc các doanh nghiệp Việt phải thay đổi để thích ứng, theo kịp thời cuộc.

Theo lãnh đạo Bibo Mart nếu khắc phục được các điểm yếu về quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và sử dụng hệ thống công nghệ bài bản, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn có thể “làm chủ” trong cuộc chiến thị phần đầy khốc liệt này.

Đi từ góc nhìn thực tế, ông Lương Duy Hoài, CEO Giao hàng nhanh cho rằng, bài toán đặt ra cho thị trường bán lẻ hiện đại là làm thế nào để vận chuyển, phân phối hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đơn hàng mỗi ngày. Mạng lưới giao hàng đáp ứng tính phức tạp trong yêu cầu cá biệt từng khách hàng, quyết định sự thành công trong lĩnh vực này.

“Không phải ai vận chuyển, giao hàng nhanh nhất, mà là ai nắm bắt thời cuộc nhanh nhất, sẽ là người làm chủ cuộc chơi, chiếm lĩnh thị phần”, CEO Giao hàng nhanh nhấn mạnh.

Tin bài liên quan