Thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ nội đang dần thu hẹp vì sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài

Thị phần của các doanh nghiệp bán lẻ nội đang dần thu hẹp vì sự “đổ bộ” của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài

Ngành bán lẻ: áp lực cạnh tranh và lỗ hổng quản lý

(ĐTCK) Ngành bán lẻ đang đứng trước hàng loạt rủi ro và thách thức lớn khi Việt Nam mở cửa thị trường sâu rộng theo các cam kết quốc tế và hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Nhà đầu tư nước ngoài “đổ bộ”

Khuyến nghị có các chính sách hỗ trợ ngành bán lẻ một lần nữa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng nhiều chuyên gia lên tiếng tại hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa: Trường hợp của ngành chế biến gỗ xuất khẩu và ngành bán lẻ” vừa được tổ chức, nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, cùng với việc mở cửa thị trường cho hàng hóa nước ngoài cũng như các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam theo các cam kết WTO và các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN, ASEAN+ và sự phát triển của nền kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua có sức bật nhanh.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2015 đạt 2.469.879 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng mức bán lẻ và doanh thu tiêu dùng, bằng 163% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2011 (1.578.179 tỷ đồng). Mức tăng trưởng của ngành này luôn cao hơn 2 - 3 lần so với mức tăng GDP cả nước và cao hơn nhiều so với đa số ngành khác. Đây là lý do khiến thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự thâm nhập bằng nhiều con đường của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Dự báo, làn sóng thâm nhập này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo bà Trang, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là sự có mặt và liên tục mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới khiến các nhà bán lẻ Việt Nam ngày càng khó khăn. Không ít doanh nghiệp bán lẻ nội địa đã phải rời khỏi thị trường và trong số những doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ phải đóng cửa. 

“Lỗ hổng” quản lý

Mặc dù có quy định hạn chế các tập đoàn bán lẻ lớn mở cửa hàng thứ 2 trên cơ sở căn cứ nhu cầu phát triển theo quy định trong WTO, song cơ quan quản lý gần như buông lỏng hệ thống các cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng tiện ích lập theo chuỗi, khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tràn vào mở hàng loạt hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích. Thậm chí, trong số này đã có những hệ thống chuỗi cửa hàng tiện ích của nước ngoài lên tới hàng trăm cửa hàng, cạnh tranh quyết liệt không chỉ với các siêu thị lớn của Việt Nam, mà còn đẩy hàng loạt hệ thống cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, các hộ buôn bán nhỏ trong nước tới nguy cơ đóng cửa.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần có biện pháp lấp lỗ hổng quản lý cũng như hỗ trợ vực dậy các doanh nghiệp và ngành bán lẻ nội địa.

“Cần có chính sách cải thiện nguồn hàng cho ngành bán lẻ đi đôi với tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ. Giải pháp tăng cường chất lượng nguồn hàng và sự hỗ trợ về chính sách đất đai, tài chính, đặc biệt ở chi phí thuê mặt bằng, các loại thuế, phí, khả năng tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý”, bà Loan nói và khuyến nghị, bản thân các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng cần tìm ra được hướng đi để góp phần lập lại thế cân bằng cho thị trường bán lẻ, giành lại thị phần từ các tập đoàn nước ngoài.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngành bán lẻ trong nước đang phải cạnh tranh gay gắt với các nhà bán lẻ nước ngoài về nhân sự và nguồn tài chính. Trong khi đó, nhờ thương hiệu lớn nên các nhà bán lẻ nước ngoài có nhà cung ứng bền vững. Do đó, để cạnh tranh và phát triển, mỗi doanh nghiệp nội cần có định hướng riêng. Với Hapro, Tổng công ty đang quy hoạch lại để phân bổ trong khả năng của mình và đưa ra những lợi thế có sự khác biệt so với doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng thị phần.

Còn ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Maketing Co.op Mart cho hay, hệ thống siêu thị Co.op Mart đang nỗ lực đẩy mạnh mạng lưới thương hiệu và cửa hàng bán lẻ, tạo lập mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khách hàng, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ, coi đây là giải pháp trọng tâm để có thể cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Ông Hoàng Anh chia sẻ, Co.op Mart tham gia vào thương vụ mua lại BigC với quyết tâm cao, mong muốn đi tới cuối cùng thương vụ, nhưng chỉ vào được vòng cuối với nhà bán lẻ Thái Lan và thương vụ không thành công do có nhiều điều kiện mà Co.op Mart chưa chuẩn bị đủ. Từ kinh nghiệm này, ông Hoàng Anh cho rằng, trào lưu mua bán, sáp nhập sẽ ngày càng mạnh mẽ, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải điều chỉnh chiến lược để vững vàng hơn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tin bài liên quan