Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam rõ nhất là quy mô thị trường, lao động

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam rõ nhất là quy mô thị trường, lao động

Nâng hạng cạnh tranh quốc gia: cần sự song hành của "cặp đôi trụ cột”

(ĐTCK) Tại Hội thảo về vai trò của DN trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mới đây, một lần nữa, sự song hành của “cặp đôi trụ cột” - chính quyền và DN lại được các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế, cộng đồng DN nhắc tới với mức độ quyết liệt hơn.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn đặt vấn đề, cần định vị mối quan hệ giữa Nhà nước và DN là đối tác cùng nhau hoàn thiện vai trò của mình, để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, khi nền kinh tế đang bắt đầu bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng với thế giới tới đây.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dường như vẫn còn tồn tại một khoảng cách khá xa trong sự phối hợp giữa hai thực thể, hay nói đúng hơn là chưa có sự tiến bộ song hành của cặp đôi này trong nỗ lực phấn đấu cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường kinh doanh cũng như nâng hạng cạnh tranh quốc gia hiện nay. Trong đó, điều đáng nói là sự tụt hậu lại thuộc về trách nhiệm chính của chính quyền, chứ không phải là DN.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Lộc nêu kết quả khảo sát ý kiến của gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài do VCCI thực hiện trong hai năm gần đây, trong 10 lý do hàng đầu để các nhà đầu tư nước ngoài chọn đầu tư vào Việt Nam, không có yếu tố nào thuộc về chất lượng điều hành của chính quyền như cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát tham nhũng, bảo vệ quyền tài sản, bảo hộ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ...

“Trên thực tế, lý do chính mà các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là nhằm giảm chi phí bởi giá lao động rẻ, quy mô thị trường tăng trưởng nhanh cùng một số lợi thế mang tính hạn định như ưu đãi về thuế và đất đai, hay các yếu tố bền vững như ổn định chính trị, xã hội… Trong khi đó, qua phân tích từ nghiên cứu của VCCI, chính chất lượng điều hành là nhu cầu hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng cao, công nghệ tốt, mang lại nhiều giá trị gia tăng; đồng thời, góp phần quan trọng trong việc tăng mức độ hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh”, ông Lộc khẳng định.

Bên cạnh đó, theo ông Lộc, báo cáo mới đây về năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho thấy, thể chế và sáng tạo là hai yếu tố chính bị đánh giá là còn yếu kém ở Việt Nam. “Xét về yếu tố thể chế, Việt Nam xếp hạng 92 thế giới, đứng thứ 9 trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn Myanmar. Trong khi đó, nhìn từ dữ liệu của WEF thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước trên thế giới rõ nhất là quy mô thị trường (thứ 34) và thị trường lao động (thứ 49). Điều đó cho thấy, vấn đề cải thiện thể chế vẫn chưa phải là một yếu tố thực sự hấp dẫn đối với các DN và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng khi tìm cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Lộc bình luận và cho rằng, để tiếp tục đà cải cách đã được phát động, cần triển khai một chương trình xã hội hóa rộng lớn. Đó là thoái sức của Nhà nước bằng việc chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội và một chương trình cải cách tư pháp thông qua tăng cường các thiết chế pháp lý, bảo đảm một môi trường kinh doanh thuận lợi, toàn cho người dân và DN.

Đồng tình quan điểm này, Giám đốc quản lý WEF, nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler cho rằng, việc cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia xét từ góc độ vai trò của chính quyền, cần bắt đầu từ những quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc giảm quan liêu trong bộ máy điều hành, cải cách thủ tục hành chính, để từ đó cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa khu vực tư nhân và khu vực công, hỗ trợ ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tạo niềm tin và điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.

Về phía DN, theo khuyến nghị của ông Thierry Geiger, Phó giám đốc Chương trình Mạng lưới đánh giá toàn cầu của WEF, cần tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện hệ thống quản trị, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, cải thiện thương hiệu, chất lượng sản phẩm dịch vụ và marketing để tạo ra bản sắc của mình. Cũng liên quan vấn đề cải thiện quản trị DN, ông Lộc đề xuất, cần có một chương trình toàn diện và rộng khắp, nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các DN Việt Nam, coi đây là một cấu phần quan trọng và cốt lõi của chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam.

“VCCI mong muốn được phối hợp với các cơ quan chính phủ, các hiệp hội DN, các tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là WEF xây dựng và triển khai thực hiện chương trình này”, ông Lộc đề nghị.

Tin bài liên quan