Các DN cần cải thiện hoạt động công bố thông tin cho cổ đông và thị trường

Các DN cần cải thiện hoạt động công bố thông tin cho cổ đông và thị trường

Nâng “chất” quản trị doanh nghiệp, SCIC vào cuộc

(ĐTCK) Cuối năm 2015, ASEAN sẽ xếp loại doanh nghiệp để đưa ra một danh sách 150 công ty có quản trị doanh nghiệp tốt nhất trong khu vực.

Đây sẽ là một trong những công cụ để các nhà đầu tư lớn trên thế giới tham khảo khi có ý định đổ vốn vào khu vực kinh tế năng động này. Việt Nam đã ban hành nhiều luật, quy định theo hướng quản trị hiện đại, nhưng quan trọng vẫn là tư duy của lãnh đạo DN.

Quản trị công ty còn nhiều điểm yếu

Bà Anne Molyneux, Giám đốc Công ty CS International, tư vấn cao cấp cho Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết thông tin trên trong cuộc trao đổi với lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Qua các cuộc khảo sát thực hiện báo cáo thẻ điểm về quản trị công ty của IFC được thực hiện hàng năm tại Việt Nam, nhiều vấn đề về quản trị công ty đã được nhắc đi nhắc lại. Đó là: báo cáo tài chính chất lượng kém, chưa phản ánh đúng thực trạng, thậm chí có gian lận; năng lực giám sát tài chính kém, cam kết của HĐQT về quản trị công ty chưa đủ mạnh; các giao dịch cổ phiếu của HĐQT chưa minh bạch, một số chưa tuân thủ pháp luật; đối xử với cổ đông kém; có sự sở hữu chéo và thống lĩnh sở hữu.

Trong báo cáo thẻ điểm của Hiệp hội Quản trị công ty châu Á và Tổ chức Môi giới và Đầu tư châu Á thậm chí còn không xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam, trong khi các nền kinh tế có trình độ tương đương như Philippines, Indonesia, Thái Lan đều có mặt.

Báo cáo thẻ điểm ASEAN các năm 2012, 2013, 2014 cho thấy, Việt Nam đứng cuối so với Indonesia, Malaysia, Phillipines, Singapore và Thái Lan. Ông Chris Razook, Phụ trách quản trị công ty của IFC tại khu vực Đông Á-Thái bình Dương khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện hoạt động công bố thông tin cho cổ đông và thị trường, cách thức tiếp cận để phát hiện và tránh mâu thuẫn lợi ích, đảm bảo đạo đức kinh doanh.

Khảo sát của IFC chỉ ra rằng, các doanh nghiệp quản trị tốt đạt hiệu quả kinh doanh cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng quy mô, cùng ngành, cùng lĩnh vực. Cụ thể, hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của 25 doanh nghiệp đạt điểm cao nhất trong báo cáo thẻ điểm đạt 19,9%, trong khi ROE của 25 công ty có điểm thấp nhất chỉ đạt 13,9%. 

Cần làm rõ 3 yếu tố

Trong con mắt của các chuyên gia quốc tế, trong 5 năm gần đây, Việt Nam đã ban hành nhiều luật, quy định theo hướng quản trị hiện đại. Tuy nhiên, để doanh nghiệp thực sự cải thiện năng lực quản trị, theo ông Chris Razook, cần sự đổi mới về tư duy ở các cấp lãnh đạo cao nhất, bắt đầu trong chính việc tổ chức và hoạt động của HĐQT các công ty. Để HĐQT hoạt động hiệu quả, cần làm rõ 3 yếu tố. Thứ nhất, vai trò của HĐQT và nhiệm vụ của các thành viên, trong đó phân định rõ quan hệ với Ban điều hành. Thứ hai, cơ cấu tổ chức và cơ cấu thành viên HĐQT, chú ý sự cân bằng trong cơ cấu cũng như tính độc lập và các kỹ năng của HĐQT. Thứ ba, quy tắc ứng xử và các chức năng của HĐQT, lưu ý cần phát hiện và tránh mâu thuẫn lợi ích của các thành viên.

Vị chuyên gia này nhận xét, doanh nghiệp chỉ làm những điều tối thiểu nhằm tuân thủ quy định của pháp luật là chưa đủ và khó có thể được coi là doanh nghiệp có quản trị công ty tốt. Doanh nghiệp cần đưa ra những yêu cầu ở mức độ cao hơn, tiến xa hơn những yêu cầu về tuân thủ và ứng dụng các thông lệ hàng đầu nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động và gửi tín hiệu tốt đến thị trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Điều này có nhiều lợi ích, trong đó giúp doanh nghiệp thu hút nhà đầu tư và chuẩn bị cho hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong tương lai.

“IFC đầu tư vào nhiều doanh nghiệp có vốn tư nhân, một trong những nội dung chúng tôi phải thảo luận và xem xét là doanh nghiệp đó có quản trị tốt hay không”, ông Chris nhấn mạnh. 

SCIC vào cuộc

Chia sẻ quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó tổng giám đốc SCIC cho biết, SCIC rất quan tâm đến việc cải thiện năng lực quản trị của các công ty có vốn nhà nước mà Tổng công ty đang quản lý. Theo thỏa thuận hợp tác giữa IFC và SCIC, sẽ có một số doanh nghiệp tham gia thí điểm dự án nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Sau khi được khám “sức khỏe” và biết được đơn đặt hàng của doanh nghiệp, các chuyên gia của IFC sẽ tư vấn những cách làm cụ thể để doanh nghiệp thực hiện, kết thúc quá trình là sự đánh giá và rút kinh nghiệm về những gì doanh nghiệp đã thực hiện thành công và nhân rộng mô hình.

Có thể thấy, quản trị doanh nghiệp có vai trò quan trọng đến từ những định chế tài chính lớn của Nhà nước. Điều này tạo ra hy vọng về những cải thiện mạnh mẽ trong hoạt động doanh nghiệp trong tương lai. 

Những lưu ý cho DNNN đã cổ phần hóa

Tiến trình đổi mới DNNN đang vào giai đoạn nước rút, đồng nghĩa với việc tới đây, Việt Nam sẽ có thêm hàng trăm công ty đại chúng. Thực tế nảy sinh không ít mâu thuẫn giữa các cổ đông trong doanh nghiệp, trong đó có tổ chức đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, cổ đông hiện đảm nhận vị trí điều hành doanh nghiệp và cổ đông bên ngoài. Làm thế nào để hài hòa mối quan hệ này?

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, Chính phủ nên tham gia như một cổ đông của doanh nghiệp mới (chứ không phải cơ quan chủ quản), quyết định thẩm quyền được thực hiện thông qua kênh cổ đông. Các bên có liên quan nên lựa chọn thành viên HĐQT thông qua quy trình khách quan, minh bạch, quyết định các vấn đề kinh doanh theo quy định.

HĐQT doanh nghiệp cần được trao quyền tự chủ và tự quyết định chỉ đạo và giám sát kinh doanh; đưa ra định hướng chiến lược kinh doanh và giám sát quản lý; bổ nhiệm giám đốc điều hành và các cán bộ lãnh đạo trong ban điều hành; quyết định các vấn đề kinh doanh trọng yếu theo quy định. Ban điều hành quyết định các vấn đề kinh doanh hàng ngày theo quy định, được trao quyền một cách rõ ràng, áp dụng các quy trình chuẩn trong kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, quản lý tài chính…

Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của HĐQT DNNN sau cổ phần hóa, với mục tiêu tổng quát là bao gồm một nhóm cá nhân hội đủ trình độ và kinh nghiệm chuyên môn cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp, có khả năng thực hiện nhiệm vụ được giao một cách khách quan và gia tăng lợi ích doanh nghiệp, mà không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và các yếu tố khác.

Thành viên HĐQT nên được lựa chọn dựa trên trình độ chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để lãnh đạo doanh nghiệp. Lý tưởng nhất là thành viên HĐQT không được bổ nhiệm vì mục đích/ảnh hưởng chính trị và thành viên HĐQT là cá nhân, không nên là người đang nắm các vị trí trong bộ máy chính trị.

Nâng “chất” quản trị doanh nghiệp, SCIC vào cuộc ảnh 1

Ông Nguyễn Quang Phi Tổng giám đốc Tập đoàn Bảo Việt
 

Trong quá trình nâng cao năng lực quản trị công ty, thực tế nảy sinh rất nhiều những tình huống khó. Đơn cử, tại Bảo Việt, chúng tôi có Bộ phận kiểm toán nội bộ và các ủy ban tham mưu trực thuộc HĐQT. Tuy nhiên, thực tiễn nảy sinh những điểm, những việc liên quan đến các ủy ban này rất cần cho công tác điều hành. Vậy thì chúng tôi nên đặt các ủy ban kiểm toán nội bộ, kiểm soát nội bộ này trực thuộc HĐQT hay Ban điều hành? Đó là vấn đề mà Bảo Việt đang băn khoăn và khó xử lý.
Nâng “chất” quản trị doanh nghiệp, SCIC vào cuộc ảnh 2

Bà ngô thị thu trang, Phó tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (VNM)
 

Là doanh nghiệp niêm yết sớm trên TTCK Việt Nam, ban đầu chúng tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng, tuân thủ các quy định của pháp luật là có hệ thống quản trị tốt. Tuy nhiên, sau đó, với sự có mặt của nhiều cổ đông tổ chức nước ngoài, chúng tôi nhận được nhiều khuyến nghị về những thông lệ quản trị tốt trên thế giới và đã tiếp thu để thực hiện. Những thay đổi này đã tạo ra nhiều tác động tốt cho hoạt động doanh nghiệp.

Chúng tôi chưa nghĩ rằng mình đã có thể dừng lại, mà sẽ tiếp tục học hỏi không ngừng với cam kết cùng hành động để doanh nghiệp ngày càng cải thiện năng lực quản trị.

Quản trị công ty liên quan đến một tập hợp những mối quan hệ giữa Ban giám đốc, HĐQT, cổ đông và các bên có quyền lợi liên quan khác. Quản trị công ty cũng thiết lập cơ cấu, qua đó giúp xây dựng mục tiêu của doanh nghiệp, xác định phương tiện để đạt được các mục tiêu đó và giám sát hiệu quả thực hiện mục tiêu.

(Theo Nguyên tắc quản trị công ty của OECD)

Tin bài liên quan