Những DN đang “chết lâm sàng” cần phải dứt điểm cho “chết” mà không tính đến việc tái cơ cấu nợ để làm bàn đạp cho những DN lành mạnh khác phát triển

Những DN đang “chết lâm sàng” cần phải dứt điểm cho “chết” mà không tính đến việc tái cơ cấu nợ để làm bàn đạp cho những DN lành mạnh khác phát triển

Muốn mạnh lên, doanh nghiệp phải dứt nợ xấu ngân hàng

(ĐTCK) Năm 2011, CTCP Sản xuất và Thương mại bao bì CND dùng bất động sản của 2 gia đình để vay 3 tỷ đồng tại VPBank. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty CND vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên khoản vay đã chuyển sang quá hạn. 

Tính đến năm 2012, Công ty mới thanh toán 53,8 triệu đồng nợ lãi. Năm 2015, dư nợ 2 hợp đồng là nợ gốc 3 tỷ đồng, nợ lãi và phạt chậm trả là 5,6 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nợ quá hạn, VPBank đã nhiều lần làm việc với người đại diện của Công ty CND cũng như bên chủ tài sản thế chấp, yêu cầu trả nợ, tuy nhiên các bên liên quan đều không hợp tác. Do đó, VPBank đã tiến hành khởi kiện, đòi nợ tổng cộng 8,6 tỷ đồng và Tòa án đã tuyên án: Ngân hàng có quyền đề nghị cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp, thu hồi nợ. Tuy nhiên, sau phiên tòa, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo toàn bộ bản án…

Hay gần đây nhất, câu chuyện ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông là CBBank công bố khoản nợ xấu gần 3.000 tỷ đồng cần phải thu hồi từ Công ty Phương Trang và hãng xe này được cho là đã sử dụng “chiêu” mời báo chí  tham dự cuộc họp báo khi chưa thống nhất được với CBBank, khiến cuộc họp hai bên bị hủy...

Trường hợp của VPBank hay CBBank kể trên không hề hiếm trong hệ thống ngân hàng hiện nay, bởi dù muôn hình vạn trạng, vấn đề chung vẫn là DN chây ỳ trốn trả nợ; ngân hàng thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định thì bị “con nợ” cản trở, chống đối và đôi khi lại được dư luận bênh vực; thậm chí, con nợ “tố ngược” ngân hàng xử lý nợ theo kiểu cưỡng bức.

Kéo nhau ra tòa luôn là phương án cuối cùng của ngân hàng sau vô vàn lần cực nhọc thương thảo với DN, bởi các ngân hàng đều biết, việc theo đuổi quá trình tố tụng luôn tốn nhiều thời gian và công sức. Chưa kể, dù ngân hàng có thắng kiện đi chăng nữa, việc thi hành án cũng không dễ dàng, nhiều khi đi vào ngõ cụt, bởi có con nợ hoạt động kinh doanh thua lỗ không còn khả năng trả nợ, chưa kể không hiếm trường hợp tiếp tục “chây ỳ”…

“Trong khi đó, nợ xấu càng kéo dài thì ngân hàng càng phải è cổ trích lập dự phòng rủi ro, ngay cả khi đã xử lý hay bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), nhà băng vẫn chịu tiếng là để nợ xấu tăng”, phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần phụ trách mảng thu hồi nợ chia sẻ.

5 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Thống kê cho biết, thị trường đón nhận 44.740 DN thành lập mới, đồng thời phải nói “lời chia tay” với hơn 33.000 DN, trong đó 28.582 DN ở diện “chết lâm sàng”. Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, những DN đang trong diện “chết lâm sàng” cần phải dứt điểm cho “chết” mà không tính đến việc tái cơ cấu nợ để làm bàn đạp cho những DN lành mạnh khác thực sự phát triển.

“Quyết định của Chính phủ trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn khôi phục lại sản xuất kinh doanh thông qua việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tái cơ cấu nợ theo Quyết định 789 là hợp lý. Tuy nhiên, trong số những DN được tái cơ cấu nợ, bao nhiêu DN thực sự khôi phục lại được hoạt động kinh doanh hay nợ lại chồng nợ? Giằng co nhau trong việc trả nợ, đến cùng sẽ là thiệt hại của cả một quốc gia, do vậy, DN muốn phát triển thực sự, hãy đi bằng đôi chân của mình và bắt đầu bằng việc nghiêm túc trả nợ”, vị chuyên gia nói.

Tại Hội thảo Phát triển thị trường vốn cho DN khởi nghiệp được tổ chức tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ đề cập tới việc lập sàn chứng khoán riêng biệt dành cho DN khởi nghiệp, với lộ trình mong muốn trong 2-3 năm tới đây sẽ thành hiện thực, giúp các DN dễ dàng trong huy động vốn. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 nhằm hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động.

“Tất cả những ý tưởng trên đều tuyệt vời bởi một đất nước có nhiều DN khỏe mạnh được thành lập, tồn tại và phát triển sẽ giúp nền kinh tế quốc gia đó đi lên. Nhưng, với những tồn tại hiện hữu, chúng ta không thể như con đà điều rúc đầu xuống cát hy vọng thời gian sẽ giải quyết mọi vấn đề mà cần phải có những đạo luật để nhanh chóng “chôn” DN “vớ vẩn” trước khi tìm cách phát triển DN mới”, vị chuyên gia kinh tế trên nói.          

Tin bài liên quan