Tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN được cải thiện đã khuyến khích đầu tư và tiêu dùng

Tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN được cải thiện đã khuyến khích đầu tư và tiêu dùng

Mừng kinh tế trong nước, lo xuất khẩu

(ĐTCK) Nhận định cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á của Báo cáo Cập nhật chia sẻ niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ - Roy Morgan tháng 5/2015 được nhiều sự đồng tình, tuy nhiên, triển vọng lạc quan này có thể trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề.

ANZ cho biết, xét về tình hình tài chính cá nhân hiện tại, 36% (tăng 1%) người tiêu dùng Việt Nam cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại đã “tốt hơn” năm trước, so với 18% (giảm 1%) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn” (mức thấp nhất cho chỉ số này trong hơn 1 năm qua, kể từ tháng 3/2014).

 Ông Glenn Maguire, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ANZ cho biết: “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đang duy trì ở mức ổn định khi sự phục hồi kinh tế trở nên vững chắc hơn. Kinh tế Việt Nam hiện đã chạm đáy và ANZ dự đoán, sự phục hồi sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2015 và 2016. Việt Nam đang ngày càng nổi bật lên, trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á”.

Số liệu trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGS) vừa công bố cũng cho thấy những tín hiệu đáng mừng. Hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN tiếp tục được cải thiện, thể hiện qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm tăng 9,2%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước (2013: 4,8%; 2014: 5,6%), hay như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4/2015 đạt 53,5 điểm và là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố tháng 4/2011.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN được cải thiện đã khuyến khích đầu tư và tiêu dùng. Chẳng hạn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm 2015 đã tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,15%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm 2011 - 2012. Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện giúp đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước lũy kế. Đến ngày 15/5/2015, thu ngân sách nhà nước tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, sau những ngày tháng ảm đạm, theo UBGS, hệ thống tài chính đã có những kết quả tích cực như: hiệu quả kinh doanh của các TCTD được cải thiện trong quý I/2015; thu nhập lãi thuần tăng 19,1%, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái; thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng ổn định trong 5 tháng đầu năm 2015; khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2014 và lãi suất VND qua đêm liên ngân hàng đã hạ nhiệt trong những tuần đầu tháng 5, ngay sau khi NHNN tuyên bố tăng tỷ giá thêm 1%...

Mặc dù lãi suất có dấu hiệu tăng nhưng TTCK trong tháng 5 vẫn tăng nhẹ, khối ngoại duy trì mua ròng. Thị trường có xu hướng tăng nhẹ trở lại bởi các yếu tố: thứ nhất, sự trở lại của các dòng tiền bắt đáy sau hơn 2 tuần sụt giảm trước đó; thứ hai, giá dầu thế giới tăng tạo ra tín hiệu khả quan cho nhóm ngành dầu khí; thứ ba, những thông tin về khả năng nới room và ký kết các hiệp định thương mại đã kích thích dòng tiền đầu cơ chảy mạnh; thứ tư, thông tin về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa nâng lãi suất trong tháng 6 đã tạo tâm lý an toàn cho nhà đầu tư.

Trên sàn niêm yết, khối ngoại mua ròng trong tháng 5, đạt khoảng 1.000 tỷ đồng (tương đương 47 triệu USD). Tổng cộng từ đầu năm 2015, khối ngoại mua ròng 2.900 tỷ đồng (135 triệu USD), bằng khoảng 60% cùng kỳ năm 2014. 

Trước những tín hiệu khả quan của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Nền kinh tế đã hồi phục nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khiến sự hồi phục này khá mong manh”.

Là một quốc gia mà tăng trưởng kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 tăng 15,4%). Tuy nhiên, tính riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng thống kê cả về giá trị và lượng đã giảm gần 13% so cùng kỳ 2014, do yếu tố giá khi giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng trên giảm tới 10,5%.

Bên cạnh đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 5 tháng đầu năm nay ước tính đạt 66,2 tỷ USD, đưa mức nhập siêu 5 tháng đầu năm lên gần 3 tỷ USD, bằng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, nhập siêu khu vực DN trong nước lên tới gần 7,7 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu ở mức gần 4,7 tỷ USD (kể cả dầu thô).

Tuy lạm phát ổn định, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng tái khẳng định việc không nới room tỷ giá quá 2% trong năm tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2015, nhưng tỷ giá vẫn phải chịu sức ép nhất định.

Nguyên nhân là do: 5 tháng đầu năm nhập siêu gần 3 tỷ USD; tính đến 31/3/2015, tiền gửi ngoại tệ của khách hàng giảm, huy động bằng ngoại tệ cũng giảm 4,9%; lãi suất USD qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh và dao động quanh khoảng 0,4 - 0,8%, cao hơn mức 0,25% đầu năm nay. Đặc biệt, HSBC cho biết, riêng trong tháng 5/2015, 7 phiên đấu giá trái phiếu Chính phủ đều có lượng mua thấp.

Tin bài liên quan