Bên cạnh Hoa Kỳ, EU…, các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt sẽ đẩy mạnh thị trường khu vực Đông Á. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Bên cạnh Hoa Kỳ, EU…, các doanh nghiệp xuất khẩu da giày Việt sẽ đẩy mạnh thị trường khu vực Đông Á. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Mục tiêu thu 18 tỷ USD từ xuất khẩu da giày, túi xách: Đường đi còn khúc khuỷu

Tăng trưởng xuất khẩu ở mức một chữ số của ngành da giày trong năm 2016 tiếp tục là phép thử để hoàn thành chỉ tiêu 18 tỷ USD cho xuất khẩu giày dép, túi xách trong năm 2017.

Thách thức từ con số 18 tỷ USD

Tăng trưởng xuất khẩu của ngành da giày năm 2016 đã không thể cán đích mục tiêu 17 tỷ USD như đã đề ra vào đầu năm, mà chỉ chạm mốc 16 tỷ USD, tăng 8,8% so với mức thực hiện của năm 2015. Trong đó, xuất khẩu giày dép đạt 12,9 tỷ USD, xuất khẩu vali, túi xách đạt 3,1 tỷ USD. Mức tăng 8,8% được cho là thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Bước sang năm 2017, ngay  tháng đầu tiên, xuất khẩu da giày tiếp tục giảm sút khi đạt 1,17 tỷ USD, giảm 12,5% so với tháng 12/2016 và giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Ngoài những thị trường chủ lực, quyết định lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu ngành da giày như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…, thị trường đang được kỳ vọng là ASEAN, dù chưa có gì khởi sắc sau hơn 1 năm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập.

“Đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 ở mức 18 tỷ USD, nhưng cũng không dễ đạt khi đơn hàng xuất khẩu đang bị cạnh tranh dồn dập, một số lượng lớn đơn hàng tiếp tục dịch chuyển sang các nước có giá gia công rẻ hơn Việt Nam như Bangladesh, Campuchia, Myanmar… ”, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Tập đoàn TBS Group  (Bình Dương) nói.

Vậy, bên cạnh Hoa Kỳ, EU…, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tập trung khai phá khu vực thị trường nào để hoàn thành chỉ tiêu 18 tỷ USD?

Theo đại diện Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso), năm qua, Đông Á là khu vực thị trường xuất khẩu có sức tăng trưởng nhanh về sản phẩm da giày Việt, chỉ đứng sau Mỹ, EU, với giá trị thu về hơn 2,6 tỷ USD. “Trong năm 2017, việc bám sát khách hàng tại thị trường này là đặc biệt quan trọng để gia tăng thị phần”, ông Thuấn nói.

80% xuất khẩu phụ thuộc khối ngoại

Bộ Công thương cho biết, không chỉ hụt hơi về xuất khẩu, sản xuất của ngành da giày trong năm 2016 cũng đạt mức tăng trưởng thấp và không đạt chỉ tiêu kế hoạch, với 272 triệu đôi, tăng 2,8% so với năm 2015 và bằng 86,7% kế hoạch năm.

Trong khi đó, tốc độ mở rộng sản xuất của ngành vẫn đang được tiếp tục, nhưng chủ yếu diễn ra ở khối FDI và một số doanh nghiệp trong nước có quy mô lớn như TBS đã khánh thành nhà máy sản xuất giày thể thao lớn có công suất 6,2 triệu đôi giày/năm tại tỉnh Kiên Giang.

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch  Lefaso,  tính đến hết năm 2016, khối doanh nghiệp FDI đóng góp tới 80,8% trong tỷ trọng xuất khẩu toàn ngành. Trái ngược với sức tăng trưởng từ khối ngoại, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước năm 2016 giảm còn 19,2%. Xu hướng tương tự đã xảy ra từ các năm trước.

Sự khó khăn về nguồn vốn và tiếp cận thị trường, khiến doanh nghiệp trong nước chậm chân hơn trong việc mở rộng sản xuất, giảm sức cạnh tranh. Đổi lại, xu hướng đầu tư mở rộng năng lực sản xuất vẫn diễn ra ở khối ngoại, đón đầu các cơ hội thị trường từ các FTA Việt Nam tham gia ….

Từ phân tích thị trường năm 2017, phần lớn các doanh nghiệp da giày đều dự báo rằng, ngoài VKFTA, EVFTA sẽ chưa có tác động lớn đến doanh nghiệp da giày Việt Nam trong năm 2017 tại thị trường EU, Hoa Kỳ…

Tin bài liên quan