Việt Nam vừa tụt 6 bậc về xếp hạng môi trường môi trường kinh doanh

Việt Nam vừa tụt 6 bậc về xếp hạng môi trường môi trường kinh doanh

Môi trường kinh doanh tụt hạng, tiên trách kỷ...

(ĐTCK) Với xếp hạng thứ 78 trong tổng số 189 quốc gia trong bảng xếp hạng về các chỉ số môi trường kinh doanh cho năm 2015 theo Báo cáo thường niên Môi trường kinh doanh lần thứ 12 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, vị trí của Việt Nam bị tụt lùi 6 bậc so với thứ hạng 72 của năm 2014.

Vị trí xếp hạng này theo đánh giá của WB liệu có lạc hậu so với những bước tiến trong việc cải thiện môi trường của Việt Nam gần đây hay không vẫn là điều cần xem xét, song trước hết đây là một cơ hội để nhìn nhận lại hiệu quả và tính quyết liệt của các bước cải cách môi trường kinh doanh thời gian qua.

Báo cáo của WB đánh giá nhiều chỉ số thuận lợi về môi trường kinh doanh Việt Nam chưa có sự cải thiện, thậm chí có tiêu chí còn thụt lùi so với năm ngoái như các chỉ số về khởi đầu kinh doanh tụt 5 bậc, nộp thuế tụt 2 bậc, thương mại qua biên giới tụt 1 bậc, vay vốn tụt 6 bậc, tiếp cận điện không thay đổi ở thứ hạng 135, bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số tụt 2 bậc… Theo lý giải của nhiều chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do báo cáo thường có độ trễ 2 năm so với thời điểm phát hành. Do đó, chưa ghi nhận được các nỗ lực cải cách của Việt Nam về các chỉ số trong đánh giá và xếp hạng cho năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh cải cách gần đây như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện…

Bên cạnh đó, theo nhận định của một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), một phần cũng có thể do các nỗ lực cải cách của Việt Nam tuy mạnh song vẫn chưa theo kịp tốc độ cải cách của các nước khác trong báo cáo. Cũng theo chuyên gia này, mặc dù xếp hạng thụt lùi về thứ bậc, song báo cáo năm nay của WB cũng ghi nhận các bước tiến của Việt Nam trong cải thiện hệ thống thông tin tín dụng quốc gia, miễn giảm một số sắc thuế cho DN...

Tuy nhiên, đặt sang một bên các lý do khách quan này, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá lại một cách nghiêm túc hiệu quả thực tế của các nỗ lực cải cách gần đây. Liệu các bước cải cách này đã thực sự phát huy tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như liệu đã đáp ứng được kỳ vọng của các DN. Nhất là trong thời điểm các DN chuẩn bị lên kế hoạch cho niên độ kinh doanh mới, báo cáo của WB là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước “sốc” lại tinh thần quyết liệt và các giải pháp cải cách hành chính hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, trong một hội thảo gần đây về cải cách thủ tục hải quan đã cho rằng, việc cải cách các thủ tục hành chính trong thời gian qua tuy đã được triển khai khá tích cực, song thực tế kết quả còn chênh lệch khá nhiều so với yêu cầu cải cách từ phía DN. Câu chuyện về những vướng mắc trong thủ tục hải quan khi áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS khiến nhiều DN khóc dở mếu dở bởi lỗi hệ thống và cách giải quyết không hợp lý của một bộ phận cán bộ hải quan. Hay tình trạng ban hành hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn một cách cảm hứng, tùy tiện nhằm xử lý tình huống là những minh chứng cho thấy quá trình triển khai các chính sách cải cách đã bị làm méo mó so với chủ trương ban đầu, từ đó tạo thêm vấn đề hơn là giải quyết các nút thắt thủ tục cho DN.

“Như vậy, rõ ràng mục đích cải cách là chưa đạt được và đây là điều cần phải được xem lại trong quá trình cải cách thủ tục trong các lĩnh vực trong thời gian tới”, ông Cung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng liên quan đến câu chuyện xếp hạng quá thấp trong các chỉ số về nộp thuế, hải quan theo báo cáo của WB, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã thẳng thắn nêu vấn đề về tính trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ động thực thi các biện pháp cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

“Câu chuyện giảm giờ nộp thuế và cải cách thủ tục hải quan đã nói lên rất nhiều điều về những “vấn đề” của bộ máy quản lý nhà nước. Tôi thấy rất lạ là tại sao trong cả một thời gian dài không có động tĩnh gì, nhưng khi vừa có công bố kết quả xếp hạng quốc tế về chỉ số nộp thuế quá cao, Chính phủ vừa ra tín hiệu cải cách gắn với trách nhiệm cụ thể là lập tức thủ tục thuế đã giảm ngay tới vài ba trăm giờ, từ hơn 800 giờ xuống còn dưới 500 giờ. Tại sao việc giảm thời gian và thủ tục lại dễ dàng và nhanh như vậy ngay khi đụng đến cái nút của vấn đề?”, ông Thiên bức xúc nêu vấn đề và đặt câu hỏi, việc lâu nay nhiều cơ quan quản lý “ngâm tôm” cải cách thủ tục hành chính như vậy liệu có đi kèm động cơ lợi ích nhóm trong đó.

Theo ông Thiên, câu chuyện giảm giờ nộp thuế gợi ý rất nhiều về mục tiêu và cách thức tổ chức, cải cách bộ máy nhà nước, nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh một cách chủ động và thực sự nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các DN, chứ không phải chỉ là để đạt được tiến bộ về thứ hạng theo kiểu lấy thành tích.

Tin bài liên quan