TPP với những điều khoản cực kỳ chặt chẽ là một trong những hiệp định thương mại có chất lượng cao nhất  từ trước đến nay

TPP với những điều khoản cực kỳ chặt chẽ là một trong những hiệp định thương mại có chất lượng cao nhất từ trước đến nay

Mốc son trên chặng đường hội nhập quốc tế

(ĐTCK) Với 6 hiệp định thương mại tự do dự kiến sẽ hoàn thành đàm phán và ký kết, năm 2015  sẽ đi vào lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam như một mốc son đáng nhớ, mà như nhận xét của một cán bộ lão thành  tại Hội thảo “Hội nhập kinh tế quốc tế 30 nhìn lại” hồi cuối năm 2014 thì “chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán như vậy, dồn cả vào năm 2015”.

Tiền đề vững chắc từ 30 năm đổi mới 

Nhìn nhận một cách thấu đáo thì những thành quả của quá trình hội nhập không phải ngẫu nhiên dồn dập đạt được trong năm 2015, mà đó là sự kết tinh, hội tụ của cả một chặng đường đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong 30 năm qua.

Theo TS. Nguyễn Độ, Học viện Báo chí và tuyên truyền, tiền đề vô cùng quan trọng cho chặng đường đổi mới và hội nhập đầy táo bạo này là đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc mọi lĩnh vực của nền kinh tế được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và chủ trương “độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại” với phương châm “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” được Đại hội Đảng lần thứ VII (1991) xác định rõ.

Tiếp đó, Nghị quyết 01-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành tháng 11/1996 về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại giai đoạn 1996 - 2000 và Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng năm 2001 đã khẳng định mạnh mẽ chủ trương “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững” theo nguyên tắc “bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường”.

Tất cả những tiền đề này đã tạo nền tảng vững chắc và đánh dấu bước khởi đầu tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới của Việt Nam thông qua việc mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế đối ngoại song phương và đa phương với nhiều đối tác và trên nhiều lĩnh vực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi trong nước và khai thác hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Điển hình cho quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam vào cộng đồng kinh tế quốc tế là việc gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995, ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) vào năm 2000, gia nhập WTO vào tháng 1/2007 và tham gia 8 hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương.

Tiếp nối những thành quả đầy tự hào từ nền tảng vững chắc này, Việt Nam không ngừng nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đàm phán để đi đến hoàn thành hoặc chuẩn bị ký kết 6 hiệp định FTA tiếp theo trong năm 2015, bao gồm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakstan, Việt Nam - Hàn Quốc, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và ASEAN +6 (ACEP). Trong đó, FTA với Hàn Quốc và với FTA Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakstan đã cơ bản hoàn thành ký kết, ghi mốc son trong giai đoạn mới của tiến trình hội nhập. 

Hướng đến “sân chơi” mới đầy cơ hội, nhiều thách thức

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, với kỷ lục hoàn thành 6 hiệp định thương mại tự do trong vòng 1 năm, Việt Nam dường như đang vượt qua rất nhiều giới hạn tâm lý của một nền kinh tế nhỏ.

“Đây có thể coi là một sự dũng cảm và hăng hái vượt bậc, bởi Việt Nam với năng lực còn hạn chế về chất lượng tăng trưởng, nguồn lực đất nước với thu nhập trung bình còn thấp, mà dám xông pha vào các hiệp định thương mại lớn, mạnh mẽ với các đối tác kinh tế lớn nhiều đến thế”, ông Thành bình luận và nhấn mạnh, đây sẽ là một trong những trụ cột lớn của tăng trưởng kinh tế trong năm 2015 và những năm tới.

Nghiên cứu các điều khoản đàm phán và cam kết, ông Thành khẳng định, Hiệp định TPP và FTA với EU là 2 hiệp định thương mại tự do chất lượng cao, có thể coi là có chất lượng cao nhất từ trước tới nay, thậm chí cao hơn so với đàm phán gia nhập WTO và Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là giữa hai hiệp định này, có những điểm đòi hỏi khác biệt với chất lượng và yêu cầu cải cách khác nhau, song tựu trung vẫn là những chuẩn mực về luật chơi mới, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách mạnh mẽ của mình thì mới có thể đáp ứng và tham gia.  

“FTA Việt Nam – EU có một số điểm đòi hỏi cao hơn TPP. Chẳng hạn, về DNNN, EU đòi hỏi Việt Nam phải có cơ quan thống nhất quản lý đại diện quyền sở hữu. Trước mắt, chúng ta còn nhiều DNNN thì một cơ quan quản lý là chưa đủ, đòi hỏi phải có thời gian. Song FTA với EU cũng có điểm yêu cầu thấp hơn TPP, ví dụ như về tự do thương mại hàng hóa. Cụ thể, trong khi TPP đòi hỏi đưa thuế suất với 90% dòng thuế về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 10% còn lại cơ bản phải được cắt giảm trong vòng 1-5 năm, thì với FTA Việt Nam - EU, 90% dòng thuế được về 0% trong vòng 7 năm, do đó đòi hỏi không nghiệt ngã như TPP”, ông Thành phân tích.

Điều đáng quan tâm nữa là trong TPP, hợp tác không phải vấn đề chính yếu, mà quan trọng là luật chơi. “Luật chơi công bằng với các bên tham gia TPP, không phân biệt nước giàu hay nghèo. Do đó, thực tế là không có nhân nhượng trong đàm phán và thỏa thuận TPP. Còn FTA với EU, vẫn có sự hợp tác phát triển bên cạnh thương mại tự do, được cổ súy bằng khung khổ hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, được hoàn tất vào năm 2012 và đang chờ phê chuẩn ký kết”, ông Thành đánh giá.

Còn so với ACEP và AEC, theo ông Thành,  xét về tổng thể, TPP có khác biệt với ACEP và AEC ở khía cạnh TPP là luật chơi do Mỹ dẫn dắt trong đàm phán, AEC vừa là tự do hóa song cũng là vấn đề hợp tác và kết nối. “TPP là trọn gói, còn AEC và ACEP là một quá trình dần dần, dễ làm trước, khó làm sau.

Chẳng hạn, ACEP là vấn đề tự do hóa thương mại và hài hòa hóa các nguyên tắc xuất xứ có thể làm đầu tiên, còn những cái sâu sắc hơn như sau đường biên giới, tự do hóa dịch vụ đầu tư có thể dần dần từng bước, đó cũng là sự khác biệt giữa hợp tác phát triển và luật chơi. Đối với “sân chơi” AEC, ASEAN làm chủ luật chơi; với “sân chơi” ACEP thì ASEAN giữ vai trò trung tâm, còn “sân chơi” TPP do Hoa Kỳ đặt luật chơi. Sự khác nhau này giữa TPP và ACEP, khiến hai hiệp định này bổ sung cho nhau nhiều hơn là cạnh tranh”, ông Thành bình luận.

Tuy nhiên, điều mà chuyên gia này nhấn mạnh là các doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng với các FTA này như thế nào.

“Doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, cải cách và hội nhập. Theo nghĩa đó, sự va đập với hội nhập cũng không quá xa lạ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu hiểu mức độ sẵn sàng theo nghĩa là sự hiểu biết đầy đủ, mức độ các cam kết của Việt Nam khi tham gia các hiệp định thương mại tự do và cao hơn nữa là đưa sự hiểu biết đó vào xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp thì vẫn còn ở mức yếu.

Vì vậy, đây là vấn đề rất đáng quan ngại. Các doanh nghiệp trong nước cần phải chuẩn bị tâm thế cũng như những điều kiện để sẵn sàng đón nhận những cơ hội tốt mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại”, ông Thành nhấn mạnh.          

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập với 4 mục tiêu trụ cột là: xây dựng một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất; khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh cao; phát triển kinh tế đồng đều; hội nhập hiệu quả vào nền kinh tế toàn cầu. Trong đó, mục tiêu trở thành một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất đang được ASEAN thúc đẩy mạnh, bao gồm 5 yếu tố cơ bản: tự do lưu chuyển hàng hóa; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có kỹ năng.

Với việc xây dựng một cộng đồng kinh tế chung, với quy mô trên 600 triệu người và tổng GDP khoảng 2.400 tỷ USD, AEC sẽ trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới, là khu vực xuất khẩu đứng thứ 4 thế giới. Cơ hội được trông đợi nhất từ tất cả các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam là sự đầu tư và hợp tác đến từ các nền kinh tế, phát triển. Việc kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, sẽ khiến các nhà đầu tư lớn nhìn ASEAN như một công xưởng chung, đặc biệt là nguồn lực có kỹ năng với giá còn tương đối rẻ.

Tuy nhiên, những gì là cơ hội với AEC cũng có thể là thách thức đối với Việt Nam. Một khi việc giao lưu hàng hóa trở nên thuận tiện hơn giữa các nước, các nhà đầu tư sẽ cân nhắc đầu tư sản xuất tập trung tại những địa điểm thuận lợi nhất về môi trường kinh doanh, tính nhất quán của chính sách, kinh tế vĩ mô ổn định, có nguồn nguyên liệu và nhân lực rẻ. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì được những lợi thế đã có và nhanh chóng tạo ra những lợi thế mới để cạnh tranh được với các đối thủ trong việc thu hút dòng vốn FDI quy mô lớn, có chất lượng cho Việt Nam.

Nhiều DN Việt Nam sẽ gặp khó trên thị trường nội địa và khó có khả năng vươn ra chiếm lĩnh trên thị trường các nước thành viên ASEAN khác, thậm chí có nhiều DN sẽ phải đóng cửa. DN năng lực kém sẽ không được chọn để tham gia các khâu có lợi nhuận cao của chuỗi cung ứng, mà chỉ có thể tham gia các công đoạn gia công.

Tin bài liên quan