Bà Phạm Trang, Phó tổng giám đốc Dịch vụ thuế và tư vấn thuế của EY Việt Nam

Bà Phạm Trang, Phó tổng giám đốc Dịch vụ thuế và tư vấn thuế của EY Việt Nam

Mô hình quản lý tập trung và sự lớn mạnh của doanh nghiệp

(ĐTCK) Mô hình quản lý tập trung do vậy là tất yếu khi doanh nghiệp phát triển. Nó có ý nghĩa về cả chiến lược lẫn hoạt động tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Nhiều cơ quan thuế địa phương từ chối chấp nhận các phí dịch vụ tư vấn hoạt động mà các công ty con tại Việt Nam trả cho bên cung cấp dịch vụ là trụ sở chính, hoặc trụ sở vùng tại nước ngoài là chi phí hợp lý, hợp lệ của DN. Bên cạnh việc xem xét lại cách xử lý này của cơ quan thuế, thực tiễn phát sinh đi cùng với sự lớn mạnh của DN là mô hình quản lý tập trung cần được thừa nhận và áp dụng.

Từ người…

Thông thường, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam chỉ là một mắt xích trong chuỗi kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia và phải tuân thủ quy trình quản lý, kinh doanh, tuân thủ những quy chuẩn đã được xác lập trên phạm vi toàn cầu. Mỗi công ty thành viên sẽ đảm nhiệm một chức năng nhất định trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.

Để tận dụng lợi thế kinh tế nhờ quy mô, các tập đoàn đa quốc gia thường thành lập các trụ sở/trụ sở vùng nhằm tập trung một số chức năng vận hành như các trung tâm mua sắm, trung tâm quản lý hệ thống công nghệ thông tin, trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu…

Các công ty con trong khu vực, thay vì mỗi công ty phải thành lập một bộ máy hoạt động đầy đủ, tốn kém và thiếu kinh nghiệm, sẽ sử dụng dịch vụ từ trụ sở chính/trụ sở vùng. Cách làm đó mang lại nhiều lợi ích: đảm bảo tính thống nhất, tạo lợi thế đàm phán với bên thứ ba, tiết kiệm chi phí cho toàn bộ hệ thống hướng đến đích cuối cùng là tăng khả năng cạnh tranh của DN trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ quan thuế đang có cái nhìn khắt khe đối với các khoản chi phí nêu trên và luôn có những nghi ngờ không được xác thực liên quan đến vấn đề chuyển giá và đưa ra các yêu cầu khó thỏa mãn về chứng từ, tài liệu nhằm mục đích loại trừ các khoản chi. Một số cơ quan thuế còn kết luận, các chi phí này mang bản chất khoản phí quản lý trả cho công ty mẹ nên không được khấu trừ tại Việt Nam.

Quả thật, không loại trừ có những DN lợi dụng mô hình quản lý vùng để đạt mục đích chuyển tiền ra khỏi Việt Nam, đồng thời giảm số thuế phải nộp. Tuy nhiên, khi Bộ Tài chính đã có các thông tư quy định về vấn đề chuyển giá và chế tài phạt để các DN có trách nhiệm tuân thủ, thì cách xử lý như trên của cơ quan thuế sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam. 

… đến ta

Câu chuyện của DN có vốn đầu tư nước ngoài đang trở thành câu chuyện của chính DN Việt khi họ mở rộng quy mô, phát triển thành những tập đoàn đa ngành, thành công ở thị trường trong nước và có tham vọng vươn ra thế giới.

Hãy hình dung một công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất, dịch vụ đến bán lẻ, kinh doanh bất động sản với số lượng công ty thành viên lên đến con số vài chục. Nếu mỗi công ty con hoạt động riêng lẻ với một bộ máy độc lập và không kết nối thì chưa nói đến chi phí để nuôi bộ máy cồng kềnh, sự rời rạc trong chiến lược và hành động đã loại DN ra khỏi đường đua.

Mô hình quản lý tập trung do vậy là tất yếu khi DN phát triển. Nó có ý nghĩa về cả chiến lược lẫn hoạt động. Giống như một thực thể bậc cao thì bộ não càng thông minh và tập trung. Bộ máy quản lý có thể được đặt tại chính công ty mẹ để thực hiện các chức năng như: hỗ trợ các công ty con trong việc định hướng chiến lược kinh doanh và mô hình phát triển; kiến trúc hoạt động đầu tư, chiến lược đầu tư và kinh doanh cho các công ty trong tập đoàn; hỗ trợ các công ty con về các khía cạnh luật pháp, tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động hàng ngày.

Về mặt chiến lược, mô hình này giúp đảm bảo sự nhất quán trong chiến lược phát triển, đồng bộ trong chính sách điều hành và trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn, hạn chế các hoạt động đầu tư dàn trải và riêng lẻ không mang lại hiệu quả kinh tế cho tập đoàn.

Về mặt hoạt động, các công ty con trong tập đoàn có thể giảm thiểu các chi phí hành chính, tận dụng được các hỗ trợ và tư vấn từ công ty mẹ về chiến lược và các vấn đề liên quan đến hoạt động khác về khía cạnh luật pháp, tuân thủ, tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin…, tập trung vào chức năng kinh doanh chính để tối đa hóa các nguồn lực tại công ty con và mang lại hiệu quả kinh tế tốt nhất.

Với mô hình quản lý tập đoàn, các chi phí phát sinh tại công ty mẹ đều nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động kinh doanh và lợi ích của các công ty con trong cả tập đoàn. Khi công ty mẹ không trực tiếp thực hiện việc cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho thị trường, việc phân bổ lại các chi phí quản lý chung cho các công ty con theo tiêu chí nhất định là cần thiết và phù hợp với mô hình kinh doanh và giúp phản ánh đúng các chi phí phát sinh phục vụ cho lợi ích của công ty con theo nguyên tắc chi phí phù hợp với doanh thu.

Từ người lại ngẫm đến ta. Mô hình quản lý tập trung là một thực tiễn phát sinh đi cùng với sự lớn mạnh của DN. Các DN lớn kỳ vọng Chính phủ và các cơ quan hữu quan của Việt Nam nhìn nhận và đưa ra các chính sách phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mô hình này hoạt động hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh và tầm vóc của DN Việt.

Tin bài liên quan