Minh Phú gần như không có đối thủ cạnh tranh sau khi các doanh nghiệp tôm phá sản gần hết trong giai đoạn khó khăn từ năm 2011 đến nay

Minh Phú gần như không có đối thủ cạnh tranh sau khi các doanh nghiệp tôm phá sản gần hết trong giai đoạn khó khăn từ năm 2011 đến nay

Minh Phú gian nan tìm đường “xuống sàn“

Thủy sản Minh Phú (MPC) đang nóng lòng muốn hủy niêm yết để tái cấu trúc, nhưng con đường “xuống sàn” còn lắm gian nan.
Hơn một năm sau khi công bố muốn hủy niêm yết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) vẫn nỗ lực để có thể “dứt áo” với sàn chứng khoán trong năm nay. Trước đó, vào tháng 5.2013, do muốn liên kết với đối tác ngoại, Minh Phú đã lên kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện trên sàn HoSE. Tuy nhiên, mặc dù đã hoàn tất thủ tục rời sàn, Minh Phú vẫn được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến khích tiếp tục mua thêm cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ lẻ.

Cổ đông nhỏ không bán

Từ mức giá dao động khoảng 36.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm giữa tháng 7, giá cổ phiếu MPC của Minh Phú đã lần lượt tăng vọt lên hơn 50.000 đồng/cổ phiếu; rồi được chốt ở mức giá đóng cửa 82.000 đồng/cổ phiếu tại ngày 4.9.2014.

Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú, Công ty cần rời sàn để tái cơ cấu trong thời gian sớm nhất. Cũng vì vậy mà Minh Phú đang chiều lòng 1,2 triệu cổ đông nhỏ hết mức.

Nhớ lại thời điểm cuối năm ngoái, Minh Phú đã nâng giá từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/cổ phiếu nhằm mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhỏ lẻ. Tuy nhiên, trong buổi họp Đại hội Cổ đông 2013 diễn ra vào đầu năm nay, một số cổ đông nhỏ lẻ đưa ý kiến muốn tăng giá lên 50.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng sau thời gian xin điều chỉnh giá lên mức cao hơn để chiều lòng cổ đông nhỏ, Minh Phú vẫn khó mua thêm được cổ phiếu.

Trong khi một nhóm cổ đông đang đầu tư vào giá với mong muốn cổ phiếu MPC sẽ còn tiếp tục tăng nên chưa có ý định bán, một nhóm cổ đông nhỏ khác lại đầu tư vào giá trị nội tại của Minh Phú với quyết định giữ cổ phiếu MPC trong dài hạn.

“Một số cổ đông nắm giữ khoảng 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương 1,7%, đã ký cam kết không bán cổ phiếu mà tiếp tục đồng hành ngay cả khi Công ty rời sàn”, ông Quang cho hay.

Ngoài việc tăng giá cổ phiếu trên sàn, Minh Phú còn quyết định chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014 với tỉ lệ 50% cho cổ đông sau khi có kết quả kinh doanh quý 2.2014. Điều này làm nhiều cổ đông nhỏ lẻ bất ngờ bởi trước đó chỉ 3 tháng, Minh Phú đã chi ra 120 tỉ đồng để chia 15% cổ tức cho năm 2013.

Cũng vì lý do này mà nhiều cổ đông cho rằng việc chia cổ tức 50% là cách Minh Phú làm vừa lòng cổ đông nhỏ chấp nhận bán lại cổ phiếu. Tuy nhiên, một số cổ đông cho rằng họ vẫn bị thiệt khi đầu tư vào cổ phiếu của Minh Phú.

“Mấy năm trước khi kinh doanh khó khăn, Minh Phú đã không chia cổ tức. Lúc tôi mua cổ phiếu Minh Phú là giá cao. Tiền đầu tư đó đem gửi ngân hàng còn lãi nhiều hơn”, một cổ đông sở hữu gần 5.000 cổ phiếu Minh Phú chia sẻ. Sau quyết định chia cổ tức được thông qua, cổ đông này đã đồng ý bán.

Một cổ đông khác giữ 2.000 cổ phiếu Minh Phú cho biết, ông đã mua cổ phiếu này cách đây gần 10 năm với giá 100.000 đồng/cổ phiếu. “Nếu giờ bán coi như lỗ vì mấy năm qua Minh Phú chia cổ tức ít. Theo tôi, giá trên 70.000 đồng/cổ phiếu vẫn còn thấp. Tôi sẽ chờ chia cổ tức cao hơn. Minh Phú đang tốt và họ sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới. Vậy tại sao tôi phải bán cổ phiếu?”, ông nói.

Tuy nhiên, vẫn có những cổ đông lại đang tích cực mua vào vì tin rằng sau này giá cổ phiếu MPC sẽ tăng cao và sẽ có mức cổ tức cao. Thậm chí, có cổ đông còn tin rằng việc Minh Phú chia cổ tức 50%, ước tính vào khoảng 345 tỉ đồng được chi lần này là chiêu để thỏa mãn cổ đông nhỏ vì trước đây nhiều cổ đông mua cổ phiếu Minh Phú với giá cao nhưng hiện giá trên sàn lại vẫn ở mức thấp so với giá mua ban đầu. “Không xa nữa, sau khi rời sàn, Minh Phú sẽ niêm yết lại hoặc niêm yết công ty con”, vị này dự đoán.

Trong khi đó, theo đại diện Minh Phú, nguyên nhân Công ty chia cổ tức 50% là bởi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay rất tốt. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 464 tỉ đồng, vượt kế hoạch cả năm 2014 và tăng hơn 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

“Minh Phú sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa bởi 6 tháng cuối năm mới là vụ xuất khẩu chính trong năm. Công ty đã dự trữ một lượng hàng lớn, sẵn sàng cho các đơn hàng cuối năm. Đơn hàng xuất khẩu trong tháng 8 sẽ giúp Minh Phú thu về gần 80 triệu USD. Dự kiến tháng 9 và tháng 10 tiếp tục thu về khoảng 100 triệu USD”, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Minh Phú, cho biết.

Cũng theo ông Quang, lợi thế của Minh Phú ở chỗ gần như không có đối thủ cạnh tranh sau khi các doanh nghiệp tôm phá sản gần hết trong giai đoạn ngành thủy sản khó khăn từ năm 2011 đến nay. Thêm vào đó, Minh Phú đã ngăn được dịch bệnh EMS (tôm chết sớm) mà nhiều nước khác vẫn mắc phải, nên lượng khách hàng tìm đến Minh Phú ngày càng nhiều trong khi giá tôm thế giới lại tăng cao. Chính vì vậy, các cổ đông nhỏ càng không muốn buông món hời này. Với số lượng cổ đông còn hơn 1.000, theo Luật Chứng khoán, dù Minh Phú có hủy niêm yết vẫn là một Công ty đại chúng.

Cổ đông ngoại đang chờ

Lộ rõ vẻ mệt mỏi, ông Quang khẳng định Minh Phú sẽ không lên sàn nữa vì việc niêm yết cổ phiếu ảnh hưởng đến công tác đàm phán giá bán tôm giữa Công ty với khách hàng. Vì là một Công ty đại chúng, Minh Phú phải đáp ứng yêu cầu về công bố thông tin còn khách hàng thì dựa vào đó để làm khó Công ty.

Một lý do khác khiến Minh Phú muốn hủy niêm yết là vì hiện có nhiều cổ đông nước ngoài muốn mua cổ phần, nhưng do Công ty đang niêm yết đã khiến việc này không như mong muốn.

Theo ông Quang, hiện không chỉ có một mà nhiều nhà đầu tư ngoại đang muốn mua cổ phiếu của Minh Phú. “Các nhà đầu tư ngoại đang trả từ 80.000-100.000 đồng/cổ phiếu Minh Phú. Ðó là ai thì tôi chưa thể tiết lộ, nhưng Mitsui (Nhật) sẽ không tiếp tục mua cổ phần của Minh Phú”, ông khẳng định.

Trước đây, Mitsui từng muốn mua cồ phần của Minh Phú nhưng phải thay đổi quyết định vì Công ty lên sàn và không thể mua theo giá thỏa thuận. Tuy vậy, theo ông Quang, khoản đầu tư của Mitsui vào công ty con Minh Phú Hậu Giang đang khá thành công. Theo kết quả 6 tháng đầu năm nay, Minh Phú Hậu Giang đã mang về lợi nhuận lớn cho công ty mẹ dù công suất hoạt động của nhà máy này chỉ vào khoảng 70%.

Năm 2014, Minh Phú đặt kế hoạch doanh thu khoảng 11.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 422 tỉ đồng. Giá xuất khẩu tôm đang tăng, trong tháng 7 đã tăng 20% và tính đến 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Minh Phú đã đạt 386 triệu USD (trong đó Minh Phú Hậu Giang đạt 126 triệu USD và Công ty mẹ đạt 260 triệu USD). “Với kết quả kinh doanh như hiện nay, nhiều khả năng Minh Phú sẽ vượt xa kế hoạch đề ra và cổ đông nhỏ vẫn có lợi”, ông Quang nói.

Theo thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán, Minh Phú hiện có 1.322 cổ đông. Trong đó có vài trăm cổ đông chỉ nắm giữ 5, 10 hoặc 20 cổ phiếu. Ðại diện Minh Phú cho biết sẽ đàm phán mua lại cổ phiếu từ những cổ đông này sau khi rời sàn để không bị xem là Công ty đại chúng.

Có thể nói, dù gia đình ông Lê Văn Quang chiếm tỉ lệ sở hữu lượng cổ phiếu lớn tại Minh Phú, câu chuyện cổ đông nhỏ vẫn là bài toán đau đầu với ông trước khi rời sàn.

Tin bài liên quan