Tính cả Sacombank - Southern Bank, thị trường ngân hàng ghi nhận 4 thương vụ M&A thành công trong năm 2015

Tính cả Sacombank - Southern Bank, thị trường ngân hàng ghi nhận 4 thương vụ M&A thành công trong năm 2015

M&A 2015: Nhìn lại và hướng tới

(ĐTCK) Kinh tế hồi phục rõ nét, hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành cuối năm nay… là những yếu tố để thị trường kỳ vọng vào sự bùng nổ M&A, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng và bất động sản.

M&A bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng chủ đạo

Theo Nhóm nghiên cứu MAF, đi đầu trong các thương vụ M&A năm qua là ngành bán lẻ với tổng giá trị đạt hơn 1,5 tỷ USD, chiếm tới 36% tổng giá trị M&A. Điều này thể hiện xu hướng các DN bán lẻ trong và ngoài nước tiếp tục khai phá thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam.

Nổi bật có thể kể đến các thương vụ như Berli Jucker (BJC -Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry Việt Nam, Central Group mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim, Vingroup nhận chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group)…

Báo cáo của CBRE cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng, được đánh giá cao trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc. Còn theo tổ chức tư vấn của Mỹ - A.T.Kearney, Việt Nam đứng thứ 28 thế giới trong danh sách thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới. Theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit, ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 13% trong giai đoạn 2015 - 2018.

Bên cạnh ngành bán lẻ, M&A trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng 21% tổng giá trị các thương vụ M&A. Điển hình trong lĩnh vực này là thương vụ Kinh Đô bán hơn 80% mảng sản xuất bánh kẹo cho tập đoàn thực phẩm đến từ Mỹ, thương vụ có giá trị được công bố khoảng 370 triệu USD.

Trước đó, Kinh Đô đã tiến hành đầu tư vào Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) để phát triển vào lĩnh vực mới. Một thương vụ đáng chú ý khác là Công ty Sữa quốc tế IDP bán cổ phần chi phối cho Quỹ VinaCapital và các nhà đầu tư khác, nhằm tăng sức cạnh tranh với các ông lớn trong ngành sữa.

“Xây dựng một hệ thống thì quá lâu và tốn kém, nên chúng tôi quyết định mua lại Metro và việc này giúp Tập đoàn đẩy nhanh các kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam. Metro chỉ là khởi đầu, sẽ có nhiều đầu tư hơn nữa vì chúng tôi nhìn thấy tương lai ở Việt Nam”, ông Aswin Techajareonvikul, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BJC nói khi chia sẻ về quyết định mua lại Metro. 

M&A ngân hàng vẫn chưa kết thúc

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, tính từ thời điểm thương vụ mua bán sáp nhập ngân hàng đầu tiên diễn ra cho đến nay, thị trường ngân hàng đã có nhiều biến chuyển đáng kể, với những dấu ấn tích cực, tạo hiệu ứng tốt trên thị trường.

Đặc biệt, năm 2015 được đánh giá là năm thành công của M&A ngân hàng, với 4 thương vụ trong tổng số 7 thương vụ được thực hiện từ trước tới nay, bao gồm Sacombank - Southern Bank; Maritime Bank - MDB, BIDV - MHB, VietinBank - PGBank. Bên cạnh đó, còn phải kể đến hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập giữa các ngân hàng với các công ty tài chính như: Maritime Bank mua lại Công ty Tài chính Dệt may, Techcombank mua lại Công ty Tài chính Hóa chất, SHB sáp nhập với Công ty Tài chính Viettel - Vinaconex…

“Sau 3 năm tái cơ cấu, thông qua các thương vụ M&A, hệ thống ngân hàng đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới, trong đó, có 7 ngân hàng có vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng, 11 ngân hàng có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng và 12 ngân hàng có vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng (không tính Southern Bank và 3 ngân hàng NHNN mua lại với giá 0 đồng). Tổng vốn điều lệ của 12 ngân hàng nhóm cuối là 40.000 tỷ đồng, chỉ hơn vốn điều lệ của VietinBank khoảng 3.000 tỷ đồng. Điều này dẫn tới dự báo về yêu cầu sáp nhập trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa dừng lại”, bà Dương nhấn mạnh.

Không chỉ với các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có không ít cơ hội thâm nhập vào thị trường tài chính Việt Nam thông qua M&A. Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, sau khi bán 15% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong đợt tăng vốn lên hơn 14.000 tỷ đồng đầu năm 2015, SCB đang lên kế hoạch thu hút thêm vốn ngoại trong các đợt tăng vốn sắp tới. Ngân hàng cũng tính đến việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai…

Theo ông Văn, thị trường ngân hàng Việt Nam đã có không ít ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động chuyên nghiệp, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt cho khách hàng. Do vậy, việc xuất hiện thêm các nhà đầu tư nước ngoài trong ngân hàng nội là một bước ngoặt không chỉ đối với khách hàng, nội tại ngân hàng đó, mà còn tác động đến cả hệ thống.

“Nếu SCB được thu hút thêm vốn ngoại với một tỷ lệ cao hơn và chuyển đổi thành ngân hàng mà quyền kiểm soát thuộc về cổ đông ngoại thì cũng sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn”, ông Văn nói.

M&A bất động sản tiếp tục sôi động

Đà phục hồi từ cuối năm 2014 kéo thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục khởi sắc với những tín hiệu tích cực. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành, thị trường đang bước vào giai đoạn phát triển mới, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh được nhìn nhận là động lực cho thị trường M&A bất động sản.

Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, rất nhiều dự án đã được tấp nập giới thiệu ra thị trường, không chỉ ở phân khúc tầm trung và căn hộ bình dân, phân khúc cao cấp cũng có dấu hiệu trở lại. Sự phục hồi của thị trường giúp các chủ đầu tư tự tin về khả năng tài chính cho dự án, bởi họ có thể bán hàng theo đúng kế hoạch. Hay nói cách khác, không còn “nỗi sợ” trên thị trường.

“Theo quan điểm của chúng tôi, M&A thật sự hấp dẫn khi trên thị trường có hai yếu tố: ‘nỗi sợ’ và ‘lòng tham’. Nỗi sợ từ bên bán để đẩy giao dịch và lòng tham từ bên mua để kéo giao dịch. Khi nỗi sợ không còn, thì thị trường thiếu lực đẩy. Do đó, thời điểm này, các chủ đầu tư muốn bán các căn hộ cho người mua đơn lẻ hơn là bán cả dự án cho các chủ đầu tư khác với mức giá thấp”, ông Marc Townsend nói.

Trên thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam đã phát triển hơn nhiều so với cách đây 10 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đến Việt Nam, ở hình thức này hay hình thức khác. Một số sẽ thực hiện dự án, một số sẽ đầu tư vào cổ phần công ty. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi room cho nhà đầu tư nước ngoài được nới tới 100% cho một số ngành, hay quy định cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam, sẽ tạo điều kiện và mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông Marc Townsend, năm 2016, M&A bất động sản có khả năng sẽ rất sôi động và hy vọng thị trường sẽ không tăng trưởng quá nóng. Trong kinh doanh, mọi người đều mong muốn có một sân chơi bình đẳng, minh bạch với các chi tiết và con số rõ ràng. Nhưng thực tế, nếu tất cả có thông tin như nhau sẽ rất khó để giao dịch diễn ra. Hiện thị trường đã phục hồi, một số chủ đầu tư và nhà đầu tư có thể đang cảm thấy tiếc đã không quay lại thị trường sớm hơn khi thị trường khó khăn.

“Để thành công tại Việt Nam, nhà đầu tư cần một chút kiên nhẫn, may mắn, tài chính tốt, kiến thức và thông tin tốt, đặc biệt là cần có sự nhạy cảm do thị trường mang tính chu kỳ. Nếu nhà đầu tư chờ đến khi thị trường hồi phục hoàn toàn, cơ hội sẽ bị thu hẹp hơn. Cũng giống như việc bạn đến một nhà hàng, bạn cần vào lúc nhà hàng còn vắng, còn đợi đến khi nhà hàng đông mới chắc chắn vào thì sẽ không còn được chỗ tốt nhất”, ông Marc Townsend nói.

Còn theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, với nhà đầu tư nước ngoài, trước khi quyết định đầu tư, họ đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, nên chắc chắn sẽ chọn các “mặt hàng” có chất lượng và hiệu quả để “gửi gắm” đồng vốn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn để sự hợp tác có hiệu quả vẫn là giữa hai bên tìm được tiếng nói chung và tầm nhìn chiến lược tăng trưởng trong tương lai.

Tin bài liên quan