Luật hóa cơ chế minh bạch thông tin của doanh nghiệp Nhà nước

Luật hóa cơ chế minh bạch thông tin của doanh nghiệp Nhà nước

(ĐTCK) Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DN Nhà nước (DNNN) vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Với cơ chế gắn trách nhiệm của từng vị trí công việc tới yêu cầu công bố thông tin, Nghị định 81 được kỳ vọng sẽ nâng cao tính minh bạch của khu vực kinh tế hết sức quan trọng này.

Theo Nghị định 81, các thông tin mà DNNN phải định kỳ công bố bao gồm: chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm; kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm; báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh hàng năm và 3 năm gần nhất; báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội khác.

Ngoài ra, DNNN cũng phải công bố định kỳ báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới DN hàng năm; báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN; báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo tài chính năm; báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng.

Một nội dung cũng rất đáng quan tâm là việc công bố về báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới hàng năm của DN. Theo quy định tại Nghị định 81, DN phải xây dựng và công bố báo cáo tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới hàng năm của DN với các nội dung bao gồm: tiến độ cổ phần hoá, tiến độ thực hiện thoái vốn, tỷ lệ phần vốn Nhà nước dự kiến nắm giữ sau khi thoái vốn, sắp xếp, kèm theo các phân tích, đánh giá về công tác sắp xếp, đổi mới DN trong năm báo cáo và kế hoạch sắp xếp trong năm kế tiếp; dự kiến, mức độ hoàn thành và các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ và kế hoạch sắp xếp, đổi mới theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cũng liên quan trách nhiệm thông tin cần công bố của DNNN, việc công bố báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của DN cũng được nêu rõ tại nghị định với các thông tin cần công bố như báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức với các nội dung như hoạt động của hội đồng thành viên/chủ tịch công ty, bao gồm các cuộc họp, hoạt động giám sát của hội đồng thành viên/chủ tịch công ty đối với giám đốc/tổng giám đốc, hoạt động của ban kiểm soát/kiểm soát viên.

Về người chịu trách nhiệm các thông tin công bố, Nghị định quy định, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty có trách nhiệm phê duyệt các nội dung công bố thông tin của DNNN theo thẩm quyền; bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời của các thông tin được công bố.

Đối với các chiến lược, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư có nội dung quan trọng, liên quan hoặc ảnh hưởng đến bí mật và an ninh quốc gia, bí mật kinh doanh, DN báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước quyết định việc công bố nhằm bảo đảm nội dung bí mật là phù hợp, tránh lạm dụng các quy định về nội dung bí mật làm hạn chế tính công khai, minh bạch về kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đầu tư của DN.

Liên quan đến phương tiện, hình thức công bố thông tin, theo Nghị định 81, việc công bố thông tin được thực hiện trên cổng/trang thông tin điện tử (website) của DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước và Cổng thông tin DN đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các báo cáo và ấn phẩm khác của doanh nghiệp, ban kiểm soát, kiểm soát viên, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước của DN thực hiện theo quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Việc công bố thông tin phải được thực hiện đồng thời qua các phương tiện công bố thông tin theo 2 hình thức văn bản và dữ liệu điện tử. Đối với DN, phương tiện công bố thông tin gồm báo cáo bằng văn bản, trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật. Đối với cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước, phương tiện công bố thông tin gồm: hệ thống tiếp nhận thông tin, cổng hoặc trang thông tin điện tử, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương tiện công bố thông tin gồm: hệ thống tiếp nhận thông tin, Cổng thông tin DN của Bộ, ấn phẩm và các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.

Nghị định 81 cũng quy định xử phạt đối với quy định người quản lý DNNN có thể bị kỷ luật, hạ lương, thậm chí là xử lý hình sự nếu DN vi phạm quy định về công bố thông tin dẫn đến hệ quả là cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước không kịp thời đưa ra ý kiến chỉ đạo, giải pháp... khiến DN lâm vào khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước. Tên các DN vi phạm, chậm công bố thông tin sẽ được công khai và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu không đôn đốc, giám sát, kiểm tra các nội dung về công bố thông tin của DN…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định 81 sẽ góp phần giám sát tốt hoạt động của các DNNN, từ đó, tăng hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh và sức cạnh tranh cho DN.

Việc yêu cầu công bố công khai thông tin về hoạt động của các DNNN sẽ giúp các cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của DN, kịp thời ban hành các chính sách xử lý, giảm thiểu các thiệt hại có thể phát sinh cho Nhà nước và xã hội, đồng thời góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy tăng trưởng bền vững nền kinh tế. Mặt khác, việc công khai thông tin của các DNNN thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và khả năng cạnh tranh, từ đó, tăng tính hấp dẫn với dòng vốn đầu tư bên ngoài vào các DN này.

Tin bài liên quan