Cần đổi mới cách làm trong thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan để tránh lãng phí thời gian của DN

Cần đổi mới cách làm trong thực hiện thủ tục kiểm tra hải quan để tránh lãng phí thời gian của DN

Loạn văn bản kiểm tra thủ tục chuyên ngành

(ĐTCK) Những số liệu dẫn từ báo cáo được Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG), trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, công bố mới đây đã cho thấy xu hướng gia tăng đáng lo ngại các thủ tục quản lý hàng hóa chuyên ngành cũng như tình trạng “loạn” văn bản quy định thủ tục này từ các bộ ngành.

Số liệu dẫn từ báo cáo của Chi cục Hải quan Cảng Hải Phòng khu vực I cho thấy, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành so với tổng số tờ khai nhập khẩu năm 2014 là 42,2%, 6 tháng đầu năm 2015 là 44,56% (tăng 2,36% so với 2014).

Trong số các lô hàng phải thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành, riêng các lô hàng phải kiểm dịch năm 2014 chiếm 73,25% và 6 tháng đầu năm 2015 chiếm 69,6%.

Trong khi đó, theo báo cáo của Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, tỷ lệ các lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành là 30 - 35% tổng số lô hàng xuất nhập khẩu. Số lượng lô hàng phải thực hiện thủ tục quản lý chuyên ngành 6 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh, bằng 78% đối với hàng xuất khẩu, 80% đối với hàng nhập khẩu so với cả năm 2014.

Còn theo báo cáo của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Hải Phòng và 4 địa phương lân cận), số lượng hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật tại Chi cục năm 2014 là 34.563 hồ sơ; 7 tháng đầu năm 2015 là 21.959 hồ sơ, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Dù việc kiểm tra rất nhiều, nhưng tỷ lệ không đạt yêu cầu xuất nhập khẩu rất ít, luôn ở mức dưới 1% tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu. Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG, kết quả này cho thấy, việc kiểm tra chuyên ngành như hiện nay là quá mức cần thiết, gây tốn kém chi phí và mất nhiều thời gian của DN.

Cùng với đó, tình trạng nhiều văn bản quy định mâu thuẫn tạo ra tình trạng “loạn thủ tục chuyên ngành”, khiến DN không biết đằng nào mà lần.

“Có quá nhiều văn bản quy định, văn bản lại được thay đổi liên tục, DN chưa kịp nắm vững văn bản cũ thì đã được thay thế bằng văn bản khác. Ngược lại, có văn bản ban hành quá chậm, như văn bản thay thế Quyết định 50/2006/QĐ-TTg ngày 7/3/2006 về danh mục hàng hóa phải kiểm tra chất lượng; văn bản thay thế Quyết định 23/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu” và Văn bản 818/2007/QĐ-BYT của Bộ Y tế về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

Quy định lại tản mạn, không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu, cách giải thích, cách áp dụng khác nhau. Cùng một luật về an toàn thực phẩm chẳng hạn, mỗi Bộ hiểu mỗi khác; cùng một quy định, mỗi đơn vị hải quan áp dụng mỗi khác, thậm chí mỗi công chức áp dụng mỗi khác, nơi cho đưa hàng về DN kiểm tra, nơi không cho; nơi yêu cầu phải xuất trình giấy nộp tiền thuế, nơi không yêu cầu; bổ sung C/O nơi phạt vi phạm, nơi không phạt…”, ông Bình cho biết.

Không chỉ có vậy, theo ông Bình, các văn bản quy định lại chồng chéo, không thống nhất gây lúng túng cho người thực hiện. Ví dụ, có sự khác nhau về danh mục hàng dệt may phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt giữa Thông tư 32/2009 của Bộ Công thương và Quyết định 11039 của bộ này.

Ở góc độ quản lý, ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho rằng, hệ thống văn bản quá nhiều, nhưng có nơi lại thiếu. Cụ thể như văn bản về danh mục động vật phải kiểm dịch, Luật Thú y vừa được thông qua mới đây, nhưng danh mục này vẫn đang trong quá trình xây dựng. Trong khi danh mục được xây dựng từ năm 2006 đã hết giá trị hiệu lực.

Theo ông Hải, đây là những quy định đang được cơ quan chức năng tính tới trong đề án nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Phía cơ quan quản lý cần rà soát, công bố danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, chất lượng... và công khai các quy định về thủ tục, hồ sơ.

Với danh mục hàng hóa phải kiểm tra, ông Phạm Thanh Bình cho rằng, cần đổi mới cách làm và loại trừ những mặt hàng không nhất thiết kiểm tra, không nên quy định kiểm tra cả một nhóm hàng như phân bón hay thép, mà cần chi tiết loại phân bón, loại thép phải kiểm tra. Đồng thời, ông Bình cũng kiến nghị các cơ quan quản lý cần triển khai điện tử hóa và thống nhất thủ tục quản lý chuyên ngành để giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho DN.

Tin bài liên quan