Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam

Liên kết theo chuỗi để không bị ép giá

“Muốn kinh tế tập thể thực sự phát triển bền vững, dứt khoát phải thành lập Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, ông Võ Kim Cự chia sẻ. 

Xuất phát từ ý tưởng nào mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lại đề xuất xây dựng Hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn, thưa ông?

Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh trong nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy sản, nhưng sản xuất đa phần vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, nên hiệu quả thấp, còn phụ thuộc vào thị trường, mặc dù mô hình Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác mấy năm gần đây đã có sự phát triển nhất định.

Chính vì vậy, cần phải xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn, trước hết là làm thí điểm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 3 sản phẩm chủ lực là gạo, trái cây và thủy sản, nhằm giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi sản xuất.

Tham gia vào HTX gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn, người nông dân được hưởng những lợi ích gì?

Sản xuất nông nghiệp có 3 công đoạn, gồm sản phẩm, dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học - kỹ thuật…); sản xuất trực tiếp ra nông sản; và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…).

Công đoạn đầu tiên và công đoạn cuối cùng của chuỗi giá trị nông sản này hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kiểm soát. Vì mục tiêu lợi nhuận và quy luật thị trường, doanh nghiệp thường ép giá bán cao đối với sản phẩm, dịch vụ đầu vào và ép giá thu mua thấp đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Toàn bộ lợi nhuận phát sinh ở công đoạn đầu và cuối rơi vào tay doanh nghiệp. Người nông dân bỏ công sức, bỏ chi phí nhiều nhất, nhưng lại thu được lợi nhuận rất ít vì bị doanh nghiệp “móc túi”. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kinh nghiệm, vốn liếng đều thiếu, nên nông dân thường không sơ chế, bảo quản nông sản để làm tăng giá trị, mà phải bán nông sản thô, cạnh tranh với nhau để bán sản phẩm thô, nên càng tạo điều kiện cho tư thương ép giá.

Nhưng khi gắn kết với nhau trong HTX, liên hiệp HTX quy mô tỉnh và liên hiệp HTX quy mô vùng, người nông dân sẽ làm chủ cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đầu tư để bảo quản, sơ chế gia tăng giá trị, nên công sức của họ không bị rơi vào tay đối tượng khác. Ngoài ra, thông qua HTX, liên minh HTX, sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Vậy cụ thể sẽ thí điểm thế nào?

Trong giai đoạn 2016 - 2017, tập trung củng cố, tổ chức lại hoạt động các HTX nông nghiệp trong toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời vận động kết nạp thêm thành viên và tăng vốn góp của các thành viên; khuyến khích thành lập mới HTX lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Trên cơ sở này, tùy thuộc vào điều kiện của địa phương, mỗi tỉnh lựa chọn số lượng HTX, liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây, nuôi trồng thủy sản thích hợp để làm mô hình thí điểm tham gia vào chuỗi giá trị nông sản. Sau năm 2017 sẽ tiến hành thí điểm mô hình liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô tỉnh. Từ năm 2018 đến 2020, thí điểm mô hình liên hiệp HTX lúa gạo, trái cây, thủy sản quy mô vùng.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trên thế giới mô hình HTX, liên hiệp HTX liên kết chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn rất thành công.

Nhưng quan trọng vẫn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước?

Kinh tế tập thể vẫn thuộc thành phần yếu thế, yếu cả về vốn liếng, trình độ quản lý, kinh nghiệm lẫn cạnh tranh trên thị trường, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước từ bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới… đến đất đai, vốn đầu tư, vốn tín dụng, bảo lãnh tín dụng.

Riêng đối với HTX thí điểm liên kết chuỗi giá trị, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, ngoài các chính sách hỗ trợ kể trên, trong quá trình thực hiện thí điểm, nếu phát sinh nhu cầu hỗ trợ cần thiết đặc biệt khác, hoặc trong trường hợp các HTX, liên hiệp HTX hoạt động có quy mô thành viên lớn, có tầm ảnh hưởng rộng với nhiều tỉnh, vùng hoặc liên vùng, cần có chính sách hỗ trợ đặc thù, có quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Mô hình kinh tế ưu việt như vậy, tại sao không mở rộng ra cả nước mà chỉ làm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thưa ông?

Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 50% sản lượng thóc gạo và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, mỗi năm sản xuất 3,18 triệu tấn hoa quả phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu và là khu vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy hải sản lớn nhất cả nước. Vì vậy, trước mắt thực hiện thí điểm với 3 loại nông sản là gạo, trái cây và thủy sản ở khu vực này. Sau một thời gian thực hiện, tổng kết, rút kinh nghiệm và sẽ mở rộng thêm một số nông sản có thế mạnh ra phạm vi cả nước.

Ngoài 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Liên minh HTX Việt Nam cũng chỉ đạo các địa phương còn lại mỗi năm phấn đấu thành lập 5-10 HTX liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa đối với sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương.

Tin bài liên quan