Lên kế hoạch thâu tóm Daeha, Bông Sen có bị thâu tóm?

(ĐTCK) Có tổng nguồn vốn đến cuối năm 2014 gần 1.124 tỷ đồng, trong đó chủ yếu dưới dạng tài sản dài hạn, nhưng CTCP Bông Sen (Bong Sen Corporation) lại có tham vọng chi tới 3.650 tỷ đồng để sở hữu chi phối Trung tâm Thương mại Daeha. Vậy, Bông Sen sử dụng nguồn lực từ đâu để thực hiện thương vụ thâu tóm này?
Bong Sen Corporation muốn thâu tóm Tổ hợp khách sạn Daewoo (Ảnh Internet)

Bong Sen Corporation muốn thâu tóm Tổ hợp khách sạn Daewoo (Ảnh Internet)

Có hay không việc Bông Sen bị thâu tóm từ năm 2014 và ai đứng đằng sau những thương vụ thâu tóm đất vàng của Bông Sen thời gian gần đây?

“Cửa hẹp” cho khả năng tự thâu tóm

Trung tâm thương mại Daeha còn được gọi là Tổ hợp khách sạn Daewoo, là khu phức hợp bao gồm khách sạn Daewoo Hanoi, khu văn phòng Daeha Bussiness Center và khu căn hộ cho thuê Daeha Serviced Aparment được xây dựng trên khu đất vàng, có diện tích gần 3 héc-ta tại số 360 Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội, cạnh công viên Thủ Lệ.

Theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2014 của Bông Sen, tại ngày 31/12/2014, tổng nguồn vốn của Công ty là 1.124 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu đạt 998 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của Công ty tồn tại dưới dạng tài sản dài hạn, với tổng giá trị lên tới 959 tỷ đồng. Công ty chỉ có 165 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, với phần lớn trong số này, lên tới 135 tỷ đồng, là số dư tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn không quá 3 tháng.

Thuyết minh BCTC của Bông Sen cũng cho thấy, lượng lớn tài sản của Công ty tồn tại dưới dạng bất động sản và các khoản đầu tư dài hạn như: 104,4 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình; 332,5 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất, 356,807 tỷ đồng đầu tư dài hạn chủ yếu vào cổ phiếu CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula.

Với thực trạng tài chính như trên, tự bản thân Bông Sen khó lòng thực hiện việc mua lại 51% vốn cổ phần để sở hữu chi phối dự án trên, bởi tỷ lệ tài trợ vốn vay quá lớn. Trong khi đó, việc tăng vốn điều lệ của Bông Sen tại thời điểm này không phải là dễ dàng.

Bản công bố thông tin bán hơn 17 triệu quyền mua cổ phần của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cổ đông lớn sở hữu 21,13% vốn điều lệ Bông Sen cho thấy, ngày 24/3/2015, Bông Sen đã chốt danh sách cổ đông thực hiện chào bán cổ phần giá 10.000 đồng/cổ phần, tỷ lệ 1:2, hạn nộp tiền là ngày 24/3/2015. Riêng đối với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, hạn nộp tiền là đến hết ngày 24/6/2015. Tuy nhiên, cuộc đấu giá ngày 13/7/2015 đã không diễn ra do không có NĐT nào đăng ký mua.

Một động thái đáng chú ý là, ngày 1/7/2015, Bông Sen cũng có văn bản về việc phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tức không thu thêm tiền về) cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1,5 để tăng vốn điều lệ lên gần 816 tỷ đồng, với thời gian chốt danh sách là ngày 15/7/2015 – thời điểm rất xa đợt phát hành mà tổng công ty này đề cập đến ở trên. Điều này có thể dẫn đến một gợi ý rằng, đợt phát hành chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu nói trên của Bông Sen không thành công.

Vậy, Bông Sen sử dụng nguồn lực nào để thực hiện kế hoạch thâu tóm Deaha?

Nghi vấn Bông Sen đã bị thâu tóm?

Trước thông tin Bông Sen chi 3.650 tỷ đồng để thâu tóm Daeha, có ý kiến cho rằng, liệu đây có phải là chiêu PR của doanh nghiệp? Nhưng có lẽ, ít doanh nghiệp nào lựa chọn cách PR này, nhất là khi bản thân họ đã đưa ra con số dự kiến cho thương vụ, tức là đã cơ bản có được những thỏa thuận ban đầu với bên bán. Vì thế, câu hỏi cần quan tâm hơn là, thương vụ sẽ được thực hiện từ nguồn lực nào, theo cách nào?

Một thông tin đáng chú ý, cuối năm 2014, Bông Sen đã có hồ sơ gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về việc không làm công ty đại chúng. Kết hợp với động thái tăng vốn khủng ngay sau đó, thị trường có thể đặt nghi vấn về khả năng xuất hiện một đại gia thâu tóm Bông Sen và sử dụng công ty này như một bàn đạp để mở rộng quy mô dự án của mình.

Trái ngược với thực trạng tài sản không quá nhiều được phản ánh trên BCTC, một NĐT lớn tại TP. HCM cho biết, trong thời gian vừa qua, Bông Sen đã tích cực mua lại một số vị trí đẹp tại khu vực trung tâm của TP. HCM. Riêng với phương án mua thâu tóm Trung tâm Thương mại Deaha, vị này cho rằng, nếu không được thâu tóm và bơm tiền bởi một đại gia lớn, thì Bông Sen chỉ đơn thuần là doanh nghiệp ra mặt cho việc thâu tóm của một đơn vị khác.

Cái tên mà vị này liên tưởng đến khả năng thâu tóm Bông Sen hoặc thực hiện mua lại Deaha thông qua Bông Sen là nhóm NĐT liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đơn vị 2 năm trước được nhắc đến rất nhiều trong thương vụ mua lại Vincom Center A với mức giá lên tới 10.000 tỷ đồng.

“Theo tôi được biết thì từ lâu, Bông Sen đã có mối quan hệ với hệ thống Vạn Thịnh Phát. Đây cũng là Tập đoàn có sở thích thâu tóm các dự án khu vực trung tâm, mà thời gian gần đây, tôi được biết Bông Sen mua lại khá nhiều dự án các khu vực gần khách sạn Caravel, đường Nguyễn Huệ… Tôi nghĩ Vạn Thịnh Phát có thể là cái tên đứng sau Bông Sen, thông qua Bông Sen thực hiện thương vụ thâu tóm khủng nói trên”, vị này nói.

Giả định này dường như có ít nhiều cơ sở, khi các khoản đầu tư của Bông Sen, với khoản đầu tư cổ phiếu lớn nhất lại vào CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, đơn vị có liên quan mật thiết đến Vạn Thịnh Phát trong lĩnh vực bất động sản.

Tất nhiên, đây chỉ là nghi vấn, còn sự thật thì phải chờ thời gian trả lời.

Tin bài liên quan