GS-TS. Vương Đình Huệ đến chào xã giao nguyên Tổng thống Israel Shimon Peres nhân chuyến làm việc tại Israel tháng 6/2015

GS-TS. Vương Đình Huệ đến chào xã giao nguyên Tổng thống Israel Shimon Peres nhân chuyến làm việc tại Israel tháng 6/2015

Làn sóng khởi nghiệp mới bắt đầu

Câu chuyện đầu Xuân Bính Thân với GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương rôm rả và đầy hứng khởi. Chưa bao giờ, tinh thần khởi nghiệp quốc gia lại được ông nhắc đến với nhiều khát vọng như vậy.
 

Thành thông lệ, đầu năm mới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dành cho báo chí một buổi trò chuyện. Ông vẫn nói, đó là trách nhiệm của người đứng đầu một cơ quan của Đảng. Tuy rằng, ở vị trí lãnh đạo một cơ quan của Đảng, ông cần cân nhắc trong mỗi lời nói, nhưng điều quan trọng là mọi hoạt động nghiên cứu mà Ban Kinh tế Trung ương đã và đang làm cuối cùng phải phục vụ sự phát triển của nền kinh tế, sự phồn vinh của đất nước và từng người dân.

Chính bởi vậy, khi ông nói: “Vui mừng thông báo tinh thần khởi nghiệp đã có trong Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII” hay “chúng ta phải mong muốn kinh tế tư nhân trở thành động lực mạnh mẽ hơn”, một sự hứng khởi rất mới đang lan tỏa... 

Kỷ nguyên của khởi nghiệp

Có vẻ như Trưởng ban Kinh tế Trung ương đang có từ khóa mới là “khởi nghiệp” cho năm 2016 này, thưa ông?

Theo tôi, năm 2016 đang có nhiều điều kiện để chúng ta có được làn sóng đầu tư mới. Làn sóng đầu tư trước đó có thể tính vào những năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp 1999 có hiệu lực. Hiện tại, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, với những nguyên tắc hiện đại về quyền đầu tư - kinh doanh của người dân, cộng với các cam kết cao về minh bạch, thuận lợi trong thương mại và đầu tư khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang dần có hiệu lực... đang thúc đẩy làn sóng đầu tư mới.

Làn sóng khởi nghiệp mới bắt đầu ảnh 1

GS.TS Vương Đình Huệ
 

Điều quan trọng tôi muốn nói, đó là làn sóng đầu tư lần này đang gắn với tinh thần quốc gia khởi nghiệp. 

Trước đây, làn sóng đầu tư thường khởi nguồn từ nhu cầu “thoát nghèo”, nhiều doanh nhân khởi nghiệp thời đó vì không còn con đường nào khác…

Hệ sinh thái cho tinh thần khởi nghiệp đã khác trước rất nhiều, từ tư duy trong phát triển doanh nghiệp đến môi trường thể chế, chính sách. Quan điểm xuyên suốt đó đang được tiếp tục thúc đẩy khi Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đã xác định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tinh thần khởi nghiệp cũng đã có trong Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XII.

Điều này sẽ thổi vào hồn doanh nghiệp Việt Nam tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào đối với đất nước, với dân tộc. Tôi tin chúng ta có cơ sở vững vàng để hình thành triết lý của văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp Việt, để dòng máu Việt luôn chảy trong doanh nghiệp Việt, không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.

Để làm được việc đó, năm ngoái, chúng ta đã nói là năm doanh nghiệp, nhưng năm 2016 và những năm tới nữa đều phải là năm doanh nghiệp. 

Nhưng tinh thần khởi nghiệp của một người dân chỉ có thể được thúc đẩy, cổ vũ khi có tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Còn tinh thần khởi nghiệp quốc gia lại phải được nhóm lên, tạo nền tảng từ những người lãnh đạo của đất nước?

Đúng là chúng ta cần phải có môi trường thuận lợi, an toàn và đủ điều kiện để thúc đẩy doanh nhân khởi nghiệp, để doanh nghiệp Việt Nam mạnh hơn, kết nối được với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), để tham gia sâu hơn, là những mắt xích quan trọng hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo tôi, môi trường đó phải đảm bảo hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp…

Chúng ta phải thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp bằng những chính sách rất cụ thể như gắn với việc triển khai mạnh mẽ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014… 

Nghe ông kể, cuộc họp Trung ương cuối năm ngoái cũng đã bàn tới chuyện Việt Nam sẽ có 2 hay 5 triệu doanh nghiệp trong một tương lai không xa. Những người đang nắm vận mệnh của đất nước cũng đã tính tới thực trạng với con số hiện tại là 500.000 doanh nghiệp đăng ký trong giai đoạn 2000-2015.

Dù con số nào được chọn tới đây, cũng sẽ đòi hỏi những thay đổi rất lớn về thể chế, môi trường kinh doanh để thúc đẩy những ý tưởng kinh doanh dù nhỏ nhất, để đảm bảo các doanh nhân bước vào kinh doanh thuận lợi nhất, để họ sẵn sàng đối mặt với rủi ro của thị trường trong một môi trường pháp lý, chính sách an toàn. 

Thực ra, đây là nguyên tắc áp đặt kỷ luật thị trường cho cả doanh nghiệp và cơ quan hoạch định và thực thi chính sách của Nhà nước, đảm bảo nền kinh tế vận hành đầy đủ và đồng bộ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa giữa Nhà nước và thị trường.

Khi mọi nguồn lực được giải quyết dựa trên hiệu quả và tín hiệu thị trường, thì ngay cả câu chuyện lệch pha giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI trong phát triển nóng suốt vài năm qua, thậm chí đã có người gọi là “hai nền kinh tế trong một quốc gia”, cũng sẽ có lối ra. “Chúng ta phải kiên trì giải bài toán này”, ông Huệ nhấn mạnh. 

Hệ sinh thái cho doanh nghiệp Việt

Cũng phải thừa nhận là, nếu đặt lên bàn cân với khu vực doanh nghiệp FDI, thế khó đang rơi về doanh nghiệp Việt Nam về mọi mặt…

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam chính là giải pháp để cân bằng cuộc chơi. Tất nhiên, rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam vốn yếu cả về nguồn lực, quản trị, tầm nhìn. Chúng tôi đã có một đề án riêng, đã thăm và làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel - những quốc gia khởi nghiệp để nghiên cứu vấn đề này. Thời điểm này, câu chuyện của doanh nghiệp, của tinh thần khởi nghiệp phải gắn với đổi mới, sáng tạo.  

Tinh thần khởi nghiệp dường như luôn sẵn có trong người dân Việt Nam. Vấn đề là họ có khởi nghiệp thành công được hay không trong thế yếu về nội lực, cơ hội để tiếp cận vốn, thị trường, thậm chí các chính sách hỗ trợ cũng rất hẹp, thưa ông?

Phải có cách nhìn mới về khởi nghiệp kinh doanh. Doanh nghiệp mới, dự án mới khó vay ngân hàng thương mại là đương nhiên, vì khởi nghiệp là đầu tư mạo hiểm, 3 phần thắng thì tới 7 phần thua, ngân hàng không thể gánh được vì rủi ro của ngân hàng thương mại có tính hệ thống. Nhưng nếu có quỹ đầu tư mạo hiểm, kể cả của Chính phủ và tư nhân, thì tình thế sẽ khác.

Tư duy chính sách phải đổi mới theo hướng này, để tạo điều kiện pháp lý cho các quỹ đầu tư. Các doanh nhân khởi nghiệp cũng xây dựng các dự án, ý tưởng theo chuẩn mực của các quỹ đầu tư mạo hiểm, chứ không chỉ trông vào nguồn vốn vay ngân hàng. Nghĩa là yêu cầu về đổi mới, sáng tạo không chỉ của người dân, doanh nghiệp, mà cả từ những người hoạch định, điều hành cơ chế, chính sách.

Hai là, chính sách chọn FDI thế nào để doanh nghiệp Việt Nam có thể kết nối được chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu của họ. Có thể chọn nhà đầu tư đứng đầu các chuỗi sản xuất, những doanh nghiệp FDI sẵn sàng kết nối, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý với doanh nghiệp Việt Nam…

Phải có chính sách để dẫn các nhà đầu tư vào mục tiêu lựa chọn đó, thúc đẩy các kết nối, chứ không thể ép liên kết bằng mong muốn hay mệnh lệnh hành chính. Cũng không thể duy trì tình trạng đến tỉnh nào cũng thấy kêu gọi đầu tư tràn lan… 

Ông có tin rằng, năm 2016 sẽ khởi đầu một phong trào mới về khởi nghiệp ở Việt Nam?

Có người nói với tôi, nếu những quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2015 được thực hiện sớm hơn, bắt đầu từ 5 năm trước, thì có thể chúng ta đã có một bức tranh rất khác về cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, về nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng cái gì cũng phải có quá trình. Đến thời điểm này, chúng ta đã có điều kiện để đi nhanh hơn, rút ngắn hơn nữa khoảng cách những quy định trên văn bản với thực thi của các cơ quan và đội ngũ cán bộ công chức, để tạo ra môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho khởi nghiệp của từng cá nhân, từng doanh nghiệp nhỏ, khởi nghiệp của các doanh nghiệp trong quá trình mua bán, sáp nhập, của các tập đoàn lớn…Từ đây, tôi tin chắc chúng ta sẽ có phong trào khởi nghiệp quốc gia. Tôi cũng tin rằng, năm nay sẽ là năm bắt đầu làn sóng khởi nghiệp theo tinh thần mới. 

Không phải lần đầu tiên ông Huệ trải lòng về sự cần thiết của một cộng đồng doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Đúng một năm trước, ông đã nói đến cơ chế nuôi dưỡng doanh nghiệp trong nước, đảm bảo các điều kiện để kết nối được với các doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi sản xuất, bắt đầu từ các doanh nghiệp vệ tinh rồi tới các doanh nghiệp lớn…

Nhưng câu chuyện này vẫn chưa chấm dứt. Điều này có nghĩa, môi trường kinh doanh của năm 2016 dù đang có được nền tảng vững chắc từ những kết quả ban đầu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, song đang đối mặt với thách thức rất lớn từ sự lệch pha của khu vực nền kinh tế trong nước và nước ngoài, cũng như việc chưa khơi thông được các cái yếu tố thị trường và các loại thị trường, kể cả thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, rồi thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ...

“Đây là phần việc quan trọng trong năm nay, nhiệm kỳ này”, ông Huệ chia sẻ quan điểm.

Tin bài liên quan