Làm rõ về điều kiện kinh doanh và đối tượng được ưu đãi

Làm rõ về điều kiện kinh doanh và đối tượng được ưu đãi

(ĐTCK)  Doanh nghiệp, nhà đầu tư được kinh doanh khi đáp ứng đủ điều kiện và duy trì trong suốt quá trình kinh doanh.

Nghị định 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư 2014. Hội thảo giới thiệu Nghị định này thu hút gần 100 DN tham dự, nhưng có thể do vấn đề còn mới, nên mức độ các DN tinh thần của Nghị định còn khá hạn chế

Làm rõ về điều kiện kinh doanh

Tại Hội thảo “Giới thiệu quy định mới của Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Phạm Anh Tuấn, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đối với quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định quy định rõ DN, nhà đầu tư (NĐT) được kinh doanh khi đáp ứng đủ điều kiện và duy trì trong suốt quá trình kinh doanh. Khi thực hiện thủ tục hành chính về điều kiện đầu tư kinh doanh, không bắt buộc phải có ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại giấy chứng nhận đăng ký DN.

Đối với NĐT nước ngoài đầu tư nhiều ngành nghề khác nhau, chẳng hạn ngành yêu cầu NĐT tham gia với tỷ lệ tối đa 30%, ngành cho phép 50%, Nghị định áp dụng nguyên tắc toàn bộ, có nghĩa là NĐT chỉ được đầu tư ở mức tối đa 30%.

NĐT nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện ngay khi thực hiện hoạt động đầu tư, bao gồm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh, liên doanh với đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư...

Các điều kiện này được tập hợp và phân nhóm qua quá trình thống kê điều kiện từ các hiệp định thương mại song phương, Hiệp định WTO, cam kết theo các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đang và sẽ triển khai thực hiện.

Về nguyên tắc áp dụng điều kiện đối với NĐT nước ngoài, ông Tuấn cho biết Nghị định 118 đưa ra 5 nguyên tắc bao gồm: nếu tham gia nhiều ngành, nghề khác nhau thì đáp ứng toàn bộ; NĐT được lựa chọn trong nhiều điều ước và tuân thủ theo điều ước đã chọn; trường hợp chưa cam kết, không cam kết thì áp dụng pháp luật trong nước; NĐT không phải thành viên WTO được áp dụng như thành viên WTO; trường hợp chưa cam kết, không cam kết, pháp luật trong nước chưa quy định thì hỏi ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi đã đăng tải thì có thể áp dụng tiếp.

Lý giải cụ thể, ông Tuấn cho biết, đối với NĐT nước ngoài đầu tư nhiều ngành nghề khác nhau, chẳng hạn ngành yêu cầu NĐT tham gia với tỷ lệ tối đa 30%, ngành cho phép 50%, Nghị định áp dụng nguyên tắc toàn bộ, có nghĩa là NĐT chỉ được đầu tư ở mức tối đa 30%.

Đối với nguyên tắc thứ hai, nếu có nhiều điều ước quốc tế mà NĐT bị điều chỉnh và có điều kiện khác về đầu tư thì nhà đầu tư được quyền lựa chọn một điều kiện phù hợp, khi đã nhận quyền thì phải thực thi luôn nghĩa vụ của điều ước đó.

Nguyên tắc này sẽ giúp giải quyết những xung đột hoặc mâu thuẫn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong trường hợp nhiều hiệp định cùng lúc quy định về điều kiện đầu tư.

Đối với ngành chưa cam kết hoặc không cam kết, Nghị định 118 quy định sẽ áp dụng theo pháp luật trong nước, hay ngành nghề nào mà NĐT không thuộc nước tham gia WTO vẫn được áp dụng như NĐT tại quốc gia là thành viên WTO, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà NĐT đó thuộc phạm vi điều chỉnh có quy định khác.

Đặc biệt, việc áp dụng nguyên tắc có thể áp dụng theo trường hợp đã được giải quyết trước sẽ giúp làm giảm rất nhiều vướng mắc từ lâu nay. Ông Tuấn nêu một ví dụ cụ thể, đó là từ trước tới nay, trong hồ sơ lĩnh vực dịch vụ, khi ngành nghề đầu tư không quy định trong điều cam kết hoặc không có quy định pháp luật cụ thể về điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài trong lĩnh vực đó, thông thường hồ sơ phải được gửi lên các bộ, ngành hỏi rất mất thời gian.

“Hiện nay, Nghị định 118 đưa ra 1 nguyên tắc khắc phục tình trạng này, đó là khi đã gửi hồ sơ lên hỏi bộ hữu quan, trong trường hợp bộ chấp nhận điều kiện đó thì sẽ công bố trên cổng thông tin quốc gia. Sau đó các địa phương, các sở có thể dựa vào trường hợp công bố trên cổng này trước đó để cấp phép đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án cùng lĩnh vực sau này”, ông Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề công bố điều kiện đầu tư kinh doanh, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, hiện nay Cổng thông tin đầu tư quốc gia có đăng tải đầy đủ danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và cấm kinh doanh, cũng như điều kiện cụ thể cho các ngành nghề này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang nỗ lực bổ sung hoàn thiện danh mục này theo hướng trở thành “danh mục sống” thực sự, có thể cập nhật thay đổi của pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được nhiều DN quan tâm đặt câu hỏi là quy định về công bố thông tin. “Nghị định 118 đưa vào nguyên tắc về nghĩa vụ công bố thông tin của các bộ, ngành, sở địa phương về quy hoạch, danh mục dự án, NĐT có nhu cầu về thông tin có thể gửi yêu cầu tới sở, ban, ngành đề nghị cung cấp thông tin. Đây là những thông tin quan trọng mà NĐT có thể sử dụng làm căn cứ để lập dự án đầu tư”, ông Tuấn nói và cho biết, đây là điểm nhằm minh bạch hóa thông tin của cơ quan chức năng tại Việt Nam. 

Đối tượng được ưu đãi

Về nhóm đối tượng ưu đãi, Nghị định nêu rõ có 5 nhóm đối tượng ưu đãi đối với dự án đầu vào ngành và lĩnh vực ưu đãi, trong đó bổ sung thêm một số đối tượng dự án lớn đầu tư trên 6.000 tỷ giải ngân trong 3 năm, sử dụng trên 500 lao động nông thôn thường xuyên trở lên, và dự án công nghệ cao áp dụng theo pháp luật về khoa học công nghệ.

Giải thích cho một số câu hỏi mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được gần đây trong việc áp dụng ưu đãi thế nào trong trường hợp đặc biệt, luật pháp không quy định rõ, ông Tuấn cho biết: “Ở đây có một số nguyên tắc quy đổi, ví dụ đối với dự án 6.000 tỷ đồng được hưởng ưu đãi tương đương như dự án đầu tư vào địa bàn đặc biệt khó khăn, dự án nhiều lao động được áp dụng ưu đãi tương đương địa bàn khó khăn…, DN đáp ứng nhiều điều kiện hưởng ưu đãi khác nhau được hưởng mức cao nhất”.

Về cách thức DN được hưởng ưu đãi, Nghị định nêu rõ có 2 hình thức, trường hợp có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì trên giấy chứng nhận sẽ ghi rõ 2 nội dung là đối tượng và căn cứ được hưởng ưu đãi.

Đối với dự án không có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì DN căn cứ quy định hiện hành tự xác định được ưu đãi mức nào và kê khai ưu đãi được hưởng tại cơ quan có liên quan, tương tự như tự kê khai thuế để hưởng ưu đãi thuế.         

Tin bài liên quan