Hàng loạt quỹ tăng trưởng trên 20% và thu hút được dòng tiền
Theo báo cáo của Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL), quỹ đầu tư được quản lý bởi Dragon Capital, hiện là quỹ đầu tư lâu đời nhất và lớn nhất tại Việt Nam, tính đến ngày 30/8/2017, giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ đạt 1.239,3 triệu USD, NAV/chứng chỉ quỹ đạt 5,63 USD, tăng trên 27% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây của quỹ này, sau con số tăng 29% của năm 2013.
Tại VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF), quỹ đóng được quản lý bởi VinaCapital, thành lập từ năm 2003 và là một trong những quỹ có quy mô lớn nhất thị trường hiện nay, báo cáo của quỹ này cho biết, tính đến hết ngày 25/8/2017, tài sản ròng chưa kiểm toán đạt 946 triệu USD, tăng 9,5%; NAV/chứng chỉ quỹ đạt 4,74 USD, tăng 13,4% so với đầu năm. Trước đó, năm 2016, NAV/chứng chỉ quỹ VOF tăng 25,5%.
Một quỹ đầu tư khác đạt mức tăng trưởng 2 con số, với những giao dịch tập trung vào nhiều cổ phiếu “nóng”, được thị trường chú ý là PYN Elite Fund, được thành lập năm 1999 bởi PYN Fund Management (Phần Lan), hướng đến các thị trường tại khu vực châu Á, trừ Nhật Bản. Tính đến 31/7/2017, NAV của Quỹ đạt 392 triệu EUR, tăng 17,3%; NAV/chứng chỉ quỹ đạt 296,96 EUR, tăng 13,77% so với đầu năm.
Không có quy mô tài sản thuộc tốp đầu như VEIL, VOF, PYN Elite Fund…, nhưng nhiều quỹ ngoại khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng NAV ấn tượng.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2017, cả 2 quỹ do PXP Asset Management quản lý đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số về NAV và NAV/chứng chỉ quỹ. Quỹ Vietnam Emerging Equity Fund (VEEF) có NAV tăng 38,3% và NAV/chứng chỉ quỹ tăng 24,3%, đạt 9,064 USD; còn Quỹ PXP Vietnam Smaller Company Fund (VSCF) có NAV tăng 30,4% và NAV/chứng chỉ quỹ tăng 13,62%, đạt 3,204 USD.
Với Vietnam Holding (VNH), quỹ đóng do Vietnam Holding Asset Management có văn phòng đặt tại Zurich, Thụy Sĩ quản lý, tính đến 25/8/2017, NAV đạt 196,2 triệu USD, NAV/chứng chỉ quỹ đạt 2.706 USD, tăng lần lượt 34,5% và 21,1% so với cuối năm 2016.
Quỹ Vietnam Equity Fund (VEF, do Dragon Capital quản lý) có NAV tại ngày 30/8/2017 là 129,9 triệu USD, NAV/chứng chỉ quỹ đạt 18,99 USD, tăng 16,3% so với mức 16,33 USD cuối năm 2016.
Đối với VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF), một trong 2 quỹ ETF liên tục làm nóng thị trường mỗi kỳ tái cơ cấu danh mục, sau năm 2016 bị nhà đầu tư rút vốn ròng và NAV sụt giảm đã đảo chiều trong năm 2017. Tại ngày 28/8/2017, V.N.M ETF có NAV là 293,4 triệu USD, tăng 13,9%; NAV/chứng chỉ quỹ là 14,63 USD, tăng 12,8% so với cuối năm 2016.
Nhiều quỹ đầu tư nội địa cũng có kết quả kinh doanh cao và thu hút được dòng tiền trong 8 tháng đầu năm 2017.
Chẳng hạn, Quỹ hoán đổi danh mục VFMVN30, quỹ ETF đầu tiên của Việt Nam do Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý, có NAV tại ngày 31/8/2017 là 1.060,1 tỷ đồng, NAV/chứng chỉ quỹ là 12.628,6 đồng, tăng lần lượt 147,3% và 24,3% so với NAV 428,6 tỷ đồng, NAV/chứng chỉ quỹ 10.156 đồng cuối năm 2016.
Tương tự, 2 quỹ do Công ty Quản lý quỹ Vietcombank quản lý có mức tăng trưởng NAV ấn tượng. Tại ngày 31/7/2017, Quỹ đầu tư cổ phiếu hàng đầu (VCBF-BCF) có NAV là 321,2 tỷ đồng, tăng 82,9%; NAV/chứng chỉ quỹ là 17.418 đồng, tăng 23,6% so với đầu năm. Trong khi đó, Quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF (VCBF-TBF) có NAV 199 tỷ đồng, tăng 31,1%; NAV/chứng chỉ quỹ đạt 18.109 đồng, tăng 20,1% so với đầu năm.
Hay Quỹ đầu tư năng động cổ phiếu Bảo Việt (BVFED), tính đến ngày 31/8/2017, NAV/chứng chỉ quỹ đạt 13.372 đồng, tăng 21,1% so với đầu năm.
… Chủ yếu nhờ đầu tư những mã cổ phiếu lớn
Đã từ rất lâu, thị trường chứng khoán Việt Nam mới ghi nhận một đợt tăng khá bền bỉ như 8 tháng qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 8/2017, VN-Index tăng 27,6% so với đầu năm, một lần nữa tiến sát vùng đỉnh cũ từ năm 2009, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Diễn biến tích cực của VN-Index chủ yếu là nhờ sự bứt phá của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Tại ngày 31/8/2017, giá cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Thế giới di động cao hơn 41,4% so với cuối năm 2016, nhờ vào câu chuyện mở rộng mạng lưới, tăng trưởng và M&A của doanh nghiệp này.
Hay giá cổ phiếu VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, hiện có vốn hóa lớn nhất thị trường, cao hơn 21,3% so với cuối năm 2016, nhờ vào kỳ vọng tăng trưởng và thoái vốn nhà nước. Với cổ phiếu FPT của Công ty cổ phần Tập đoàn FPT, mức tăng giá là 32,1%, với câu chuyện thoái vốn khỏi mảng bán lẻ và phân phối. Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng như ACB, MBB, BID, VCB… có thị giá tăng cao sau 8 tháng đầu năm.
Trong khi đó, MWG, VNM, FPT, ACB, MBB, GAS, VJC, HPG, KDH, ACV… thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục phân bổ NAV của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh lựa chọn các doanh nghiệp cơ bản, đầu ngành đang niêm yết như một xu hướng tất yếu, không ít quỹ lựa chọn các doanh nghiệp chuẩn bị cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, sắp niêm yết để đầu tư, nhằm đón đầu cơ hội tăng giá.
Ví dụ, đầu năm 2017, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) chào bán 44,8 triệu cổ phần, thu hút nhiều tổ chức tài chính chính tham gia như Morgan Stanley, Mirae Asset, Dragon Capital, VinaCapital… Kết quả, Goverment of Singapore (GIC) và Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đã trở thành cổ đông chiến lược của Vietjet.
Cuối tháng 2/2017, cổ phiếu VJC lên niêm yết và thị giá nhanh chóng tăng lên 128.000 - 130.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi trước đó, GIC chi 1.400 tỷ đồng mua 16,4 triệu cổ phiếu VJC với giá bình quân 84.600 đồng/cổ phiếu, lãi khoảng 700 tỷ đồng. Còn VEIL chi 1.000 tỷ đồng để sở hữu 4,25% cổ phần VJC, khoản đầu tư này đem về cho Quỹ khoản lợi nhuận trên dưới 600 tỷ đồng.
Trước đó, VEIL và VOF thắng lớn khi đầu tư vào Novaland. Năm 2015, hai quỹ này mua cổ phiếu ưu đãi chuyển đổi của Novaland, giá giao dịch trên thị trường OTC khi đó khoảng 40.000 đồng/cổ phiếu.
Cuối tháng 12/2016, Novaland lên niêm yết, với mã chứng khoán NVL, thị giá liên tiếp bứt phá và vượt mốc 70.000 đồng/cổ phiếu suốt nửa đầu năm 2017. Ước tính, cả VEIL và VOF đều thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng từ thương vụ đầu tư vào NVL.
Dragon Capital và VinaCapital được coi là những công ty quản lý quỹ tiên phong trong việc đầu tư vào cổ phiếu chưa niêm yết. Sau những thương vụ hiệu quả như VJC, NVL hay trước đó là ACV, đầu tháng 8 vừa qua, các quỹ thuộc 2 công ty này mua trọn 30% cổ phần FPT bán để giảm sở hữu tại FPT Retail - đơn vị quản lý chuỗi bán lẻ thiết bị di động FPT Shop.
Trong xu hướng cổ phần hóa gắn với thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xu hướng đầu tư vào các cổ phiếu chưa niêm yết ngày càng trở nên hấp dẫn, được nhiều quỹ lựa chọn và tạo ra sự khác biệt đáng kể về hiệu quả sinh lời.
Thời gian qua, diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán đến từ bối cảnh kinh tế vĩ mô thuận lợi như lãi suất thấp kéo dài và ít biến động, tín dụng tiếp tục được nới lỏng, lạm phát, tỷ giá duy trì ổn định, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng, dòng tiền tham gia thị trường ngày càng tăng.
Bên cạnh đó là câu chuyện riêng về nới “room”, thoái vốn nhà nước, M&A. Những yếu tố này đã hỗ trợ hàng loạt cổ phiếu tăng giá, mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nói chung và ngành quỹ nói riêng.
Triển vọng thị trường những tháng cuối năm 2017 được dự báo vẫn khả quan. Tuy nhiên, nhiều khả năng sự phân hóa giữa các cổ phiếu sẽ rõ nét và một số cổ phiếu có biến động giá khó lường.
Do đó, ngoài việc nhà quản lý quỹ có tầm nhìn dài hạn và chính sách phân bổ danh mục hiệu quả, thì khả năng bám sát biến động thị trường trong ngắn hạn, linh động, quyết đoán có thể sẽ là yếu tố làm nên sự khác biệt về tỷ suất sinh lời.
Đồng thời, đó cũng là cơ sở để phân biệt đâu là hiệu quả của các quỹ đến từ đội ngũ quản lý đã làm việc năng động, đâu là hưởng lợi thụ động từ diễn biến tích cực của thị trường.