Chính sách tiền tệ cần tiếp tục nới lỏng để kích thích sản xuất

Chính sách tiền tệ cần tiếp tục nới lỏng để kích thích sản xuất

Lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam 2015

(ĐTCK) Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa được các tổ chức trong nước và nước ngoài công bố cho thấy nhiều điểm sáng và dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2015. Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam tăng tốc mạnh mẽ, vẫn cần phải vượt qua nhiều trở ngại.

Tăng trưởng GDP 2015 có thể đạt 6 - 6,2%

Ngân hàng HSBC vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất (PMI) tháng 12/2014, đạt mức 52,7 điểm, tăng so với mức 52,1 điểm của tháng trước, nhờ sản lượng và đơn hàng xuất khẩu mới tăng cao và chi phí đầu vào thấp hơn.

“Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiếp tục tăng trong những tháng tới, mặc dù có sự chậm lại đôi chút trong mùa Tết Nguyên đán”, bà Trinh Nguyễn, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC nói.

Đặc biệt, đà tăng này, theo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 1/2015 của khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC vừa công bố nhận định sẽ được duy trì trong năm 2015, xuất phát từ bốn nguyên nhân chủ yếu sau:

Thứ nhất, nguồn vốn giải ngân FDI tăng mạnh trong năm 2014 và nguồn vốn đăng ký FDI vẫn tăng, hứa hẹn việc nhiều nhà máy sẽ đi vào hoạt động, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay.

Thứ hai, Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam - đang lấy lại đà tăng trưởng, sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam trong năm 2015.

Thứ ba, những nỗ lực tự do hóa thương mại và cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (chủ yếu là thực phẩm, hải sản, dệt may và giày dép) sẽ đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường như châu Âu và Nhật Bản, những quốc gia mà người tiêu dùng có khuynh hướng lựa chọn các mặt hàng có giá rẻ hơn.

Thứ tư, giá than đá và dầu thô giảm, làm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.

Báo cáo Đánh giá kinh tế vĩ mô vừa công bố của BIDV cũng nhận định, năm 2015, nguồn vốn FDI giải ngân sẽ tiếp tục tăng, có thể đạt mức 13 - 14 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là các quốc gia dẫn đầu về quy mô vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nguồn vốn ODA vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, khi Nhật Bản, Thụy Sỹ cam kết nâng mức ODA cho Việt Nam; đồng thời, EU cam kết tiếp tục tăng 30% vốn ODA cho Việt Nam trong 5 năm tới… Kiều hối dự kiến vẫn tăng khả quan trong thời gian tới, giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia thu hút kiều hối tốt nhất thế giới, ước đạt 13 - 14 tỷ USD trong năm 2015…

Theo nhận định của các tổ chức, tăng trưởng GDP trong năm 2015 có thể đạt mức 6,0 - 6,2% và lạm phát dao động trong khoảng 4 - 4,5%. 

Nhưng còn nhiều trở ngại phải vượt qua

Dù nhận định kinh tế Việt Nam đang trong chiều hướng tích cực hơn, nhưng HSBC cho rằng, nền kinh tế Việt Nam khó có thể tăng tốc mạnh mẽ trong những năm tới, bởi vẫn còn khá nhiều nguy cơ đối với nền kinh tế. Cụ thể, việc cấp vốn cho các dự án phát triển hạ tầng là một mối lo ngại thực sự, khi nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ giảm, do giá dầu vẫn trong xu hướng giảm mà nhu cầu đầu tư cho các dự án như hạ tầng giao thông tăng lên…

“Trong trung hạn, Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến việc kết nối khá hạn chế của DN trong nước và DN nước ngoài. Từ đó, phát triển một chiến lược rõ ràng để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, khi nhân công giá rẻ không còn được coi là yếu tố cạnh tranh. Kinh tế Việt Nam có phát triển trong năm tới hay không phụ thuộc vào chiến lược mà Chính phủ sẽ áp dụng trong ngắn hạn, nhằm hệ thống hoá và xây dựng năng lực cạnh tranh”, bà Trinh Nguyễn nói.

Còn theo đề xuất của BIDV, chính sách tiền tệ cần tiếp tục được nới lỏng với việc giảm tiếp lãi suất cho vay, phù hợp mức lạm phát thực tế; tiếp tục rà soát những vướng mắc trong thực tế, đôn đốc các NHTM đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các gói tín dụng; tiếp tục miễn giảm thuế hiện tại đối với các DN, đồng thời triển khai các chương trình khuyến khích dân chúng sử dụng hàng Việt Nam; duy trì mức bội chi ngân sách hợp lý, dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia được đảm bảo trong giới hạn an toàn, an ninh tài chính quốc gia...

“Để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, Chính phủ cần phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu DN Nhà nước, thị trường tài chính; có biện pháp nâng cao năng suất chung của nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, cần phải thực hiện tái cơ cấu từng ngành, từng DN”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nói.    

Tin bài liên quan