Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kinh tế tư nhân, xung kích trên mặt trận kinh tế

(ĐTCK) Lần đầu tiên, tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được tập hợp, nhằm vẽ ra bức tranh toàn cảnh nhất về đầu tàu kinh tế của đất nước trong giai đoạn hội nhập, cũng như đối thoại với các cơ quan quản lý, tổ chức quốc tế và đối tác để tìm ra và xây dựng được những cơ chế chính sách, tạo “đòn bẩy” và tâm thế vững vàng cho người lính xung kích.

Những tiếng “kêu cứu”

Một bản đề nghị dài 6 trang của ông Lê Văn Quang, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, đại diện cho Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, “Vua tôm” đã chỉ ra thực trạng và nhiều căn bệnh nhức nhối của ngành tôm từ yếu kém trong quá trình sản xuất, quy hoạch vùng nuôi, con giống, thức ăn, quy trình và công nghệ nuôi đến thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu khiến con tôm Việt Nam kém sức cạnh tranh.

Cùng với việc chỉ ra những “gót chân Achiles” đó, “Vua tôm” đề xuất một loạt giải pháp, đòi hỏi sự thay đổi của bản thân những doanh nghiệp đầu ngành như Minh Phú cũng như các DN trong ngành, song nhất định phải có sự vào cuộc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan quản lý khác.

"Vận hội đất nước lúc này đặt ra câu hỏi bây giờ hoặc không bao giờ, trong đó trình độ quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp mang tính quyết định" - ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.

“Ngành tôm Việt Nam đang lỗi ở hệ thống, sai ở cách tiếp cận và hướng đi. Nếu không có sự thay đổi thì ngành tôm Việt Nam sẽ chết”, ông Quang nhấn mạnh và kỳ vọng. Tuy nhiên, trong câu chuyện trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, vị doanh nhân này cũng không giấu được nỗi buồn, bởi có nhiều vấn đề đã được mổ xẻ, được nói đến nhiều lần, nhưng đến nay, mọi việc vẫn y nguyên. Doanh nghiệp nhận thức rõ rằng phải tự cứu mình trước và đang xoay xở đủ cách đi mới, nhưng trong sân chơi toàn cầu, họ không thể là những kẻ độc hành, bởi nếu như vậy, chắc chắn không thể đi xa.

Với ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, mối bận tâm lớn nhất của ông và các cộng sự tại Dự án Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang) lại là nguyên liệu cho nhà máy. Giai đoạn 1 của Dự án có công suất chế biến 130.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 3.800 tỷ đồng. Mỗi năm, nhà máy dự kiến tiêu thụ trên 500.000 tấn nguyên liệu gỗ và 200.000 tấn tre nứa, thu hút hàng vạn lao động vào nghề trồng rừng ở Tuyên Quang.

Trước khi xây dựng nhà máy, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch vùng nguyên liệu với diện tích hơn 85.600 héc-ta cho dự án, nhưng đến khi nhà máy đi vào sản xuất thì diện tích đất rừng nguyên liệu được giao để tổ chức trồng và khai thác lại rất nhỏ giọt, hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn do liên quan đến quá trình cổ phần hóa các lâm, nông trường.

Kết quả là, dù đã tăng giá thu mua nguyên liệu, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, nhưng số lượng gỗ nguyên liệu mua được vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của dự án.

Đây là những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu, tiếng “kêu cứu” của họ có thể đến với những lãnh đạo cao nhất của đất nước, còn trên thương trường khốc liệt hàng ngày, hàng tuần, còn có tiếng kêu cứu của hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân, mà trong nhiều trường hợp, sự bất lực và cô đơn khiến họ chỉ còn biết thở dài.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kể rằng, đã quen với việc nhận được hàng nghìn bức thư không ghi tên người gửi, kể về nỗi khổ của DN. Trong đó, ông ấn tượng nhất với một bức thư của chủ một DN nhỏ ở Thanh Hóa đã liệt kê đủ loại “thuế đen” mà ông ấy gọi là “đông như quân Nguyên”. “DN nhỏ này chắc cũng giống như hàng chục, hàng trăm ngàn DN khác ở Việt Nam”, ông Tuấn bức xúc.

"Quốc hội cần sớm ban hành hệ thống luật liên quan như Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm..." - Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái.

Đó có thể là một trong nhiều lý do dẫn đến một thực trạng đáng buồn hiện nay. Đó là qua 30 năm đất nước đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, dù khu vực kinh tế tư nhân gần đây có nổi lên một số tập đoàn lớn mạnh, phát triển bền vững, những doanh nghiệp sản xuất thực thụ dựa trên nền tảng quản trị tốt và công nghệ mới đã vươn lên trở thành những doanh nghiệp đầu ngành, song doanh nghiệp tư nhân nói chung hầu hết vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), thiếu bề dày tích lũy và phát triển.

Doanh Nghiệp hội nhập bằng sáng tạo, nhà nước hội nhập bằng chính sách

Quốc hội khóa 13 đã có kỳ họp cuối cùng kết thúc vào tháng 4/2016, tại đây đã bầu ra một Chính phủ mới với nhiều nhà quản trị thế hệ mới mang đến niềm tin và năng lượng mới cho giới doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Nghị quyết 35 của Chính phủ về doanh nghiệp, doanh nhân được ban hành trong tháng 5 vừa qua với nhiều nội dung đột phá, được kỳ vọng sẽ tạo ra những làn gió mới mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Theo ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, thách thức lớn nhất trong giai đoạn tới, đặt ra trước hết với dịch vụ công: phạm vi trách nhiệm sẽ rộng hơn, bao trùm nhiều tiêu chí về minh bạch, trách nhiệm xã hội, lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ như đã được thực thi tại các nền kinh tế phát triển từ nhiều thập kỷ nay; yêu cầu quản lý tích hợp liên ngành, liên vùng, thậm chí liên kết, phối hợp quốc tế và chịu sự giám sát quốc tế trong thực hiện cam kết.

"Đây là giai đoạn đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm cốt lõi, có giá trị gia tăng cao" - Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CTCP Gạch Đồng Tâm.

Trong đó, doanh nghiệp cần sự thay đổi về quản trị nhà nước. Cụ thể, là quan điểm và hành động chuyển từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước phục vụ, từ văn hóa “quan phụ mẫu” sang văn hoá “công bộc” với nhận thức và trách nhiệm của người công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách, từ thuế do dân và doanh nghiệp đóng góp, phải chịu sự giám sát của doanh nghiệp và người dân.

Khi DN hội nhập bằng năng lực, sáng tạo, bằng sản phẩm, hàng hóa thì Nhà nước phải hội nhập và cạnh tranh bằng cơ chế chính sách và tinh thần phục vụ hỗ trợ DN phát triển. Bởi vậy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đều thống nhất một đề nghị là cho phép và lập ra cơ chế để cộng đồng DN được phản biện, giám sát, chấm điểm các cơ quan công quyền và chính phủ để làm cơ sở đánh giá, cải thiện các chất lượng dịch vụ, cũng như làm cơ sở cho việc cất nhắc, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá và bãi nhiệm công chức.

Trên thực tế hiện nay, VCCI đã triển khai dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bộ Nội vụ triển khai việc chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, “sức mạnh” của những công cụ này trong việc thay đổi những đối tượng của chúng lại chưa đáng kể.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh rằng, để Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khỏe, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất, hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bổ nguồn lực xã hội.

Trong thông điệp của nhóm doanh nghiệp ngành công nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải kiến nghị, Chính phủ và các Bộ, ngành cần đánh giá lại một cách tổng quát và chi tiết thực trạng các ngành công nghiệp trong bối cảnh hội nhập thông qua các tiêu chí, như lực lượng doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp về trình độ công nghệ, năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực để cập nhật lại chiến lược đã được soạn thảo nhằm có định hướng đúng cho doanh nghiệp; đưa ra các chính sách dài hạn, nhất quán và thống nhất giữa các bộ ngành liên quan và có giải pháp điều hành năng động, ứng phó được với những thay đổi của thị trường và của nền kinh tế.

Một đề xuất mà nhóm này đưa ra là thành lập Ngân hàng Công nghiệp và Quỹ Phát triển công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo các doanh nghiệp có thể bình đẳng tiếp cận nguồn vốn qua một thị trường mở, minh bạch và công bằng. 

Bây giờ hoặc không bao giờ

Sau 20 năm hội nhập, xuất khẩu của Việt Nam tăng 30 lần về giá trị tuyệt đối, nhưng GDP của Việt Nam chỉ tăng 9,8 lần, GDP bình quân đầu người tăng 7,7 lần. So sánh ba chỉ số đó cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp đến mức đáng lo ngại.

Cơ cấu nền kinh tế dịch chuyển từ công nghiệp 22%, nông nghiệp 38% và dịch vụ 38% thành 42%, 20% và 38% tương ứng. Đồng thời, sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm lần lượt 78% và 70%.

"Chính phủ có thể học tập Thái Lan các công cụ bảo hộ phù hợp với luật lệ và chuẩn quốc tế mà vẫn giúp các DN sản xuất trong nước phát triển ổn định, khích lệ được đầu tư vào công nghiệp" - Ông Trần Bá Vương, Chủ tịch Tập đoàn Bắc Việt.

Những con số trên cho thấy kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào thị trường thế giới và đầu tư nước ngoài,  đồng thời Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, gắn liền với việc thực hiện 15 hiệp định thương mại tự do đã được ký, trong đó cam kết toàn diện nhất là TPP và E-VFTA.

“Vận hội đất nước lúc này đặt ra câu hỏi bây giờ hoặc không bao giờ, trong đó trình độ quản trị quốc gia và quản trị doanh nghiệp mang tính quyết định”, ông Lê Phước Vũ trăn trở.

Lấy tâm thế người chèo lái một con tàu doanh nghiệp, vị doanh nhân này chia sẻ rằng: “Chúng ta đứng trước cuộc chơi toàn cầu và toàn diện, đòi hỏi người lãnh đạo cầm trịch và mỗi thành viên tham gia cuộc chơi phải khôn ngoan, phát huy năng lực và tiềm năng của từng thành viên, tạo nên sức mạnh tổng lực. Trên bàn cờ đó, Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng buộc phải phôi thai và phát triển phương pháp, cách thức để thắng và có sứ mạng tìm ra được cách thức để chiến thắng”.

Kinh tế tư nhân, xung kích trên mặt trận kinh tế ảnh 1

 Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch CTCP Gạch Đồng Tâm

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với trên 95% số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất lao động thấp… đang phải cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI đến từ những nền sản xuất hiện đại trên khắp thế giới thông qua các hiệp định thương mại tự do, FTA, TPP…

Đây là giai đoạn đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm cốt lõi, có giá trị gia tăng cao. Cụm liên kết ngành là hướng phát triển thích hợp nhất và bền vững nhất cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với sức đề kháng yếu như hiện nay.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần sự quan tâm đặc biệt từ phía Chính phủ thông qua những định hướng, chính sách, chiến lược phát triển cụm liên kết ngành tại Việt Nam một cách nhất quán và cụ thể. Các chính sách phát triển này phải nhất quán, lâu dài để tạo lòng tin cho các doanh nghiệp tham gia vào cụm liên kết, để từ đó các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh trong cụm. Bên cạnh đó, cần có những chính sách ưu đãi về tiền thuê đất, thuế và hỗ trợ đào tạo nghề, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Kinh tế tư nhân, xung kích trên mặt trận kinh tế ảnh 2

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái 

Phân phối, bán lẻ hiện đóng góp khoảng 14% GDP của Việt Nam (khoảng hơn 20 tỷ USD giá trị gia tăng), sử dụng hơn 5 triệu lao động (cao nhất trong các ngành dịch vụ). Với gần 90 triệu dân, tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao, thu nhập và tiêu dùng cá nhân tăng nhanh, thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam nằm trong Top 5 thị trường phát triển nhất châu Á.

Chúng tôi mong muốn Chính phủ khuyến khích sự hình thành và phát triển một số tập đoàn phân phối bán lẻ mạnh, kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc tổng hợp, có đủ sức cạnh tranh và điều kiện để hợp tác hiệu quả với các tập đoàn phân phối nước ngoài khi mở cửa thị trường dịch vụ phân phối; phát triển nguồn nhân lực phân phối bán lẻ có kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp, theo kịp yêu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Quốc hội cần sớm ban hành hệ thống luật liên quan như Luật Bán lẻ, Luật Chất lượng sản phẩm…

Kinh tế tư nhân, xung kích trên mặt trận kinh tế ảnh 3

 Ông Trần Bá Vương, Chủ tịch Tập đoàn Bắc Việt

Nguồn tài chính ít ỏi của đất nước cần được đầu tư theo cách chia vào nhiều lĩnh vực và nhiều DN quy mô nhỏ hơn là chỉ tập trung vào một số tập đoàn quá lớn gây mất cân bằng.

Thất bại của một trong số các DN lớn này có thể tạo nên những ảnh hưởng tiêu cực đến cả nền kinh tế. Cần các quỹ đầu tư của nhà nước đủ mạnh để có thể đầu tư vào các DN nhỏ, rất nhỏ khi họ vừa bắt đầu hoạt động.

Chính phủ có thể học tập một số nước ASEAN, cụ thể là Thái Lan, các công cụ bảo hộ phù hợp với luật lệ và chuẩn quốc tế mà vẫn giúp các DN sản xuất trong nước phát triển ổn định, khích lệ được đầu tư vào công nghiệp.

Ông Tạ Xuân Tề, Giám đốc Đại học Nguyễn Tất Thành

Ngoại ngữ và tin học là 2 kỹ năng, công cụ sống còn tạo nên tầm nhìn, sức vươn của người lao động, nên cần được tiếp tục tuyên truyền và đào tạo tăng cường tại mọi cấp học.

Chính phủ đã có lựa chọn sáng suốt là đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam, phục vụ giao thương toàn cầu hóa, học tập quốc tế và nghiên cứu khoa học. Chương trình này hiện triển khai quá chậm so với yêu cầu thực tế, cần được đẩy mạnh về nhận thức, nguồn lực tài chính, chuyên môn và hợp tác quốc tế. Việc đưa tiếng Anh vào giảng dạy Toán, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng cần được tiến hành tích cực tại các trường chuyên, trường thuộc ngành đối ngoại nhằm nhanh chóng nhân rộng ra toàn hệ thống giáo dục đào tạo cấp đại học và trung học, cũng như tiếng Anh ứng dụng cho chuyên ngành ở các trường dạy nghề cần sớm được phổ cập để nâng cao trình độ giao tiếp của lực lượng lao động kỹ năng.

Chính phủ cần áp dụng các quy chế bắt buộc cùng với biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận và giúp đỡ sinh viên thực tập, tiếp cận và tham gia xử lý những vấn đề thực tế trong kinh doanh.

Tin bài liên quan