Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu

Lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu

Kinh tế quý I khả quan

(ĐTCK) Tăng trưởng kinh tế nhìn chung đang trên đà phát triển tốt, với nhiều dấu hiệu tốt hơn cùng kỳ năm ngoái.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu tại buổi giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh, dịch vụ và đầu tư tháng 3 và quý I/2015 mới đây.

Theo đánh giá của Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân, điểm sáng nổi bật trong tăng trưởng kinh tế quý I năm nay là lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiếp tục đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá cao, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và sản xuất hàng xuất khẩu. Theo số liệu thống kê chưa chính thức, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,97% so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy nhu cầu tiêu dùng toàn xã hội cũng có dấu hiệu hồi phục và tăng lên. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 đã tăng 0,15% so với tháng trước, tuy nhiên, so với tháng 12/2014, CPI tháng 3 vẫn giảm 0,1%.

Theo Thứ trưởng Thu, những con số gián tiếp cũng cho thấy kinh tế 3 tháng đầu năm phát triển tốt, đặc biệt thu ngân sách từ nội địa vẫn tăng cao.

“Với các dấu hiệu khả quan này, dự kiến mức tăng trưởng quý I có thể đạt 5,5 - 5,6%, khả năng hoàn toàn có thể đạt kế hoạch cả năm 6,2%, thậm chí 6,4%”, ông Thu nói.

Về hoạt động thương mại, kim ngạch xuất khẩu quý I/2015 ước đạt gần 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2014, trong đó xuất khẩu của các DN FDI tăng 16,2%, chiếm 67,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất khẩu của DN trong nước đạt 10,6 tỷ USD, giảm 5,1%. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2015 của cả nước đạt gần 37,5 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó nhập khẩu của các DN FDI đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 61% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của DN trong nước ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 5,7%.

Nhận định về tình hình xuất nhập khẩu quý I, đại diện Bộ Công thương cho rằng, xuất khẩu tăng chậm hơn cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao hơn mức tăng chung, nhưng của khối DN trong nước lại giảm là yếu tố cần xem xét. Điều này cho thấy, DN sản xuất hàng xuất khẩu vẫn đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng nông sản giảm cũng cho thấy việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản vẫn đặt ra khá gay gắt.

Về nhu cầu tiêu dùng, trong quý I, tuy cầu tiêu dùng tăng nhưng chậm hơn so với những năm trước, dẫn đến tình hình sản xuất của các DN chậm. Yếu tố đầu tư thu hút nước ngoài giảm trong những tháng qua cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, cần đẩy mạnh hơn nữa các chương trình kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới.

Hoạt động của các DN cũng có dấu hiệu khởi sắc với trên 19.000 DN đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký 111.200 tỷ đồng, tăng 3,8% về số DN và 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ. Số DN chấm dứt hoạt động kinh doanh giảm 0,6%; số DN quay trở lại hoạt động tăng 10,2% so cùng kỳ. Con số này cho thấy, tín hiệu tốt của nền kinh tế đã tạo thêm cơ hội kinh doanh cho các DN đang gặp khó khăn.

Một điểm đáng lưu ý khác là tình hình thu hút vốn FDI quý I tuy tăng về số dự án, nhưng vốn đăng ký lại giảm khá mạnh. Theo số liệu thống kê, tổng số lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong quý I/2015 là 102 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 621 triệu USD, tăng gần 2,5 lần về số dự án, nhưng giảm 51,8% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2014.

Nhận định về bức tranh FDI, ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, thu hút FDI những tháng đầu năm tuy giảm, song vốn giải ngân vẫn tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn. Chỉ số giải ngân này đã phản ánh tiềm tin của các nhà đầu tư đối với Việt Nam.

“Để đánh giá tình hình thu hút FDI cho cả năm 2015 tại thời điểm này vẫn còn quá sớm, nhưng khả năng năm nay, thu hút FDI sẽ tốt hơn so với năm 2014 do nhiều bộ luật quan trọng đi vào thực thi cũng như việc Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng, tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhận định.

Về tình hình giải ngân vốn, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong quý I, tiến độ giải ngân vốn rất thấp, ước đạt 26.000 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 15% kế hoạch năm. Vốn trái phiếu chính phủ đạt 7.000 tỷ đồng, tương đương 10% kế hoạch năm. Nguyên nhân chậm là do nghỉ Tết dài ngày nên giải ngân trì trệ; đồng thời các chủ đầu tư chưa tập trung giải ngân, mà hầu hết tập trung vào công tác đấu thầu, nghiệm thu khối lượng thanh toán vào thời điểm đầu năm.

Theo nhận định chung của đại diện các bộ, ngành và địa phương, quý I/2015, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi khả quan, song hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn. Hiện các DN đang nóng lòng chờ đón các chính sách mới chuẩn bị có hiệu lực nên rất cần sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong việc triển khai đúng hướng các chính sách, nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển.             

Bà Mai Thị Thùy Dương ,Trưởng phòng Đầu tư Trung ương, Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính: Cần sớm có giải pháp đối với nguồn vốn đối ứng vốn nước ngoài

Việc các cơ quan dồn đến cuối năm mới làm thủ tục thanh toán, cộng với việc những tháng đầu năm hầu hết các chủ đầu tư bận với thủ tục đấu thầu công trình mới, nghiệm thu để thanh toán công trình cũ, là nguyên nhân rất thực tế khiến năm nào quý I cũng giải ngân chậm.

Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng các giải pháp thúc đẩy giải ngân, trong đó đề nghị tập trung chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành thủ tục thanh toán, đồng thời đề nghị các bộ ngành và địa phương nghiệm thu và thanh toán ngay, không để dồn đến cuối năm như mọi năm. Bộ cũng quán triệt Kho bạc khi nhận được hồ sơ thanh toán của chủ đầu tư phải kiểm soát nhanh để giải ngân, tránh tình trạng để tồn đọng.

Về giải ngân vốn đối ứng vốn đầu tư nước ngoài, do còn một số vướng mắc, chẳng hạn đối với vốn đối ứng ngoài nước, trước đây là giải ngân không căn cứ theo kế hoạch Nhà nước giao, nghĩa là được giải ngân “thoải mái”…, gây khó khăn cho Bộ Tài chính. Do đó, Bộ kiến nghị cần sớm có giải pháp đối với nguồn vốn đối ứng nguồn vốn nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài: Cần rà soát lại các văn bản theo sát Luật Đầu tư và Luật DN sửa đổi

Nếu Thông tư 20 quy định về việc nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng được ban hành sẽ tác động mạnh đến các DN FDI. Theo ý kiến của nhiều DN, Dự thảo Thông tư 20 đưa ra những quy định chung chung, gây khó cho DN khi nhập khẩu thiết bị. Ngay bản thân Hiệp hội cũng thấy khó thực hiện, bởi theo hướng dẫn của thông tư này, thì rất khó thể đánh giá được đâu là thiết bị sản xuất đã qua sử dụng mà chất lượng còn lại hơn 80% hoặc thời hạn sử dụng trong vòng 10 năm…

Hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành, địa phương, rà soát lại các văn bản theo 2 đạo luật này nhằm đảm bảo kinh doanh ổn định của các DN, tránh gây khó khăn cho DN.

Ông Lê Đăng Doanh, Chuyên gia Kinh tế: Giá điện tăng tác động nhẹ đến CPI tháng 3

Giá điện, xăng dầu và phí môi trường đối với xăng dầu cùng tăng sẽ là nhân tố tác động trực tiếp khiến giá các hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất cũng như hàng hóa thiết yếu tăng lên.

Giá xăng dầu và điện bắt đầu tăng từ giữa tháng 3 tuy không tính vào CPI tháng 3 nhưng việc tăng giá điện đã tác động tới một số nhóm hàng và dịchvụ theo kiểu tăng đón đầu, nên cũng có tác động nhẹ đến CPI, dẫn đến CPI tháng 3 bắt đầu tăng trở lại.

Giá điện tăng thêm 7,5% theo tôi là quá cao, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các DN, đặc biệt là đối với các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng… Đây cũng sẽ là yếu tố tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh trong những tháng tới.

Tin bài liên quan