Niềm tin người tiêu dùng trong tháng 10 tăng trưởng mạnh và trên diện rộng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững trong sự suy giảm thương mại toàn cầu

Niềm tin người tiêu dùng trong tháng 10 tăng trưởng mạnh và trên diện rộng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững trong sự suy giảm thương mại toàn cầu

Kinh tế hồi phục, niềm tin người tiêu dùng tăng cao

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng tăng do mức độ lạc quan về tình hình tài chính cá nhân, cũng như triển vọng nền kinh tế trong tương lai tại Việt Nam đều gia tăng.

Kết quả khảo sát vừa được Ngân hàng ANZ công bố cho thấy, Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam ANZ-Roy Morgan tăng 5,8 điểm, đạt 141,1 điểm trong tháng 10/2010, cao hơn mức trung bình dài hạn (135,9 điểm).

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tháng 10 năm nay cũng cao hơn 6,4 điểm so với cùng kỳ năm trước (134,7 điểm).

Có được kết quả này, theo ANZ là do mức độ lạc quan về tình hình tài chính cá nhân, cũng như triển vọng nền kinh tế trong tương lai tại Việt Nam đều gia tăng.

Kết quả khảo sát của ANZ-Roy Morgan cho thấy, xét về tình hình tài chính cá nhân, 34% người tiêu dùng tham gia khảo sát (tăng 5% so với tháng 9) cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, 16% người tiêu dùng (giảm 6% so với tháng 9 và ở mức thấp kỷ lục cho chỉ số này) cho biết tình hình tài chính gia đình họ “xấu hơn”. 57% người tiêu dùng (tăng 2% so với tháng 9) kỳ vọng rằng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới.

Và chỉ có 4% người tiêu dùng (giảm 2%) dự đoán tình hình tài chính gia đình họ sẽ “xấu hơn”. Đây cũng là là mức thấp nhất được ghi nhận cho chỉ số này từ khi nghiên cứu này bắt đầu được thực hiện (tháng 1/2014).

Bên cạnh đó, 57% người tiêu dùng Việt Nam (tăng 7% so với tháng 9) cho rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 12 tháng tới; trong khi 10% người tiêu dùng (giảm 2%) dự đoán rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu”.

Xét về dài hạn, 64% người tiêu dùng (tăng 3% so với tháng 9) kỳ vọng rằng tình hình kinh tế Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong vòng 5 năm tới. Ngược lại, 5% người tiêu dùng Việt Nam (giảm 2%) dự đoán rằng tình hình kinh tế trong nước sẽ ở “trạng thái xấu” trong vòng 5 năm tới.

“Niềm tin người tiêu dùng trong tháng 10 tăng trưởng mạnh và trên diện rộng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đứng vững trong sự suy giảm thương mại toàn cầu”, ông Glenn Maguire, Chuyên gia Kinh tế trưởng khu vực Nam Á, Đông Nam Á của ANZ bình luận và cho rằng, việc xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh sẽ tạo ra những hiệu ứng tích cực cho toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là cho thị trường nội địa.

“Chúng tôi cho rằng, tổng quan nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục có xu hướng suy yếu, do ảnh hưởng từ việc kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và tình hình phục hồi tuy ổn định nhưng không mạnh mẽ của kinh tế Hoa Kỳ, Nhật Bản và châu Âu. Do đó, nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Việt Nam phải bật lên để giúp nền kinh tế ổn định và tăng trưởng. Báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của chúng tôi đang ghi nhận điều này”, ông Glenn Maguire nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2015, diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 10 tháng đầu năm ước tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng là 8,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước.

“Con số này cho thấy sức mua và tổng cầu tiếp tục có những cải thiện”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bình luận.

Sức mua và tổng cầu cải thiện sẽ tác động tốt tới tăng trưởng kinh tế. Qua đó, nâng cao thu nhập của người dân và tác động ngược trở lại sức mua và tổng cầu của nền kinh tế.

Tin bài liên quan