CPI 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với cùng kỳ 2014, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây

CPI 6 tháng đầu năm 2015 tăng 0,86% so với cùng kỳ 2014, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây

Kinh tế 6 tháng phục hồi tích cực

(ĐTCK) Tiếp nối xu hướng phục hồi của năm 2014, nền kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2015 đã có những bước chuyển tích cực với nhiều chỉ số tăng trưởng đạt và vượt mục tiêu kế hoạch.

Công nghiệp khởi sắc

Theo số liệu báo cáo của Vụ Kinh tế Tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước tăng 6,11% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, dịch vụ tăng 6,16%, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,16%.

Tính đến 15/6, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014. Vụ Kinh tế Tổng hợp nhận định, đây là con số cao hơn nhiều so với mức 5,8% của cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất của 4 ngành công nghiệp chủ lực, gồm sản xuất - phân phối điện, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp khai khoáng, cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đều tăng trưởng tích cực. Điều này cho thấy, sản xuất tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực và rõ nét hơn.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 20/6/2015, đã có 757 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 3,83 tỷ USD, bằng 79% so với cùng kỳ 2014. Có 281 lượt dự án tăng vốn mở rộng sản xuất với vốn tăng thêm là 1,65 tỷ USD, bằng 83% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả vốn đầu tư cấp chứng nhận mới và tăng thêm trong 6 tháng ước đạt 5,49 tỷ USD, bằng 80,2% so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng, ước tính tổng vốn giải ngân của các dự án đạt 6,3 tỷ USD, tăng 9,6% so cùng kỳ 2014.

Về điều hành trong nước, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 0,35% so với tháng trước, tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,86%. Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra nhằm tạo thuận lợi cho tăng trưởng GDP.

Đối với lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong 6 tháng vừa qua, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh 2% nhằm ổn định thị trường ngoại hối và hỗ trợ xuất khẩu. Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế - xã hội. Chỉ số lạm phát cơ bản có xu hướng ổn định, 6 tháng lạm phát cơ bản tăng 2,24% so cùng kỳ. Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường giá cả khá ổn định, góp phần quan trọng làm cho thị trường tiền tệ ổn định.

Tình hình hoạt động của khu vực DN cũng có nhiều tiến triển lạc quan. Số liệu thống kê của Vụ Kinh tế tổng hợp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 45.400 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký gần 282.400 tỷ đồng, tăng 21,7% về số DN và 22,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2014. Tính cả số vốn đăng ký bổ sung của 11.000 lượt DN thì tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 591.200 tỷ đồng.

Trong khi đó, số DN giải thể, chấm dứt hoặc tạm ngừng hoạt động đều giảm so với cùng kỳ. Điều này cho thấy cùng với những tác động tích cực từ các biện pháp quyết liệt của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và sự phục hồi của nền kinh tế, các DN đã dần khôi phục hoạt động với điều kiện thuận lợi hơn để sản xuất - kinh doanh.

Nông nghiệp khó

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy hải sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai và tình hình tiêu thụ và giá bán trên thị trường thế giới vẫn trong xu thế giảm.

Số liệu thống kê cho thấy, giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng đầu năm ước đạt 489.000 tỷ đồng, chỉ tăng 2,41% so với cùng kỳ, đạt mức thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ của 3 năm gần đây. Trong đó, các ngành sản xuất chủ yếu bị ảnh hưởng nhiều là nông nghiệp, chỉ tăng 1,95%, thủy sản tăng 3,4%.

Lĩnh vực nông lâm nghiệp thủy sản gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu đã ảnh hưởng tới xuất khẩu hàng nông thủy hải sản, từ đó, tác động tới kim ngạch xuất khẩu nói chung. 

Theo số liệu thống kê, mặc dù kim ngạch xuất khẩu tính đến 15/6 ước tăng 9,3% so với cùng kỳ, đạt 77,7 tỷ USD, song kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy hải sản lại giảm đáng kể. Cùng với sự sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu, giá xuất khẩu giảm của nhóm hàng này và nhóm hàng khoáng sản đã làm giảm khoảng 3,2 triệu USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu dầu thô và than đá cũng giảm mạnh tác động tới kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu của các DN FDI tiếp tục tăng trưởng 15,3%, đạt 54,88 tỷ USD thì khu vực DN trong nước lại giảm 2,9%, đạt 22,86 tỷ USD. Theo đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương, tình trạng này cho thấy, xuất khẩu của DN trong nước vẫn khó khăn và DN trong nước vẫn nằm trong tình trạng yếu thế hơn khu vực FDI.

Về nhập khẩu, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 81,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu của các DN FDI vẫn tăng 25,5%, đạt 48,8 tỷ USD, chiếm 59,9% tổng kim ngạch nhập khẩu. Khu vực DN trong nước nhập khẩu đạt 32,7 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại vẫn trong tình trạng nhập siêu với mức nhập siêu khoảng 3,75 tỷ USD, bằng 4,8% kim ngạch xuất khẩu.

Theo nhận định của Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu là do nhập khẩu nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất, còn nhập khẩu cho tiêu dùng không nhiều, phản ánh tín hiệu tốt cho sản xuất nên không đáng lo ngại. Đối với mặt hàng ô tô, tuy số lượng nhập khẩu 6 tháng đầu năm tăng mạnh, đạt 56.000 chiếc, tăng 30.000 chiếc so với cùng kỳ, song phần lớn là xe tải và xe khách phục vụ sản xuất - kinh doanh.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đặng Huy Đông vẫn cảnh báo tính trạng nhập khẩu ô tô tải từ Trung Quốc gia tăng cho thấy ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chưa cải thiện.

“Xe tải nội địa hóa đáng ra phải cao, nhưng sao Việt Nam không tham gia được?”, Thứ trưởng Đông đặt câu hỏi.

Đánh giá chung, Thứ trưởng Đông cho rằng, bức tranh kinh tế 6 tháng nhìn chung khả quan, thể hiện nền kinh tế phục hồi và trong đà đi lên một cách vững chắc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn với lĩnh vực nông sản cần được xem xét một cách cụ thể, để từ đó có những biện pháp mang tính tổng thể để cải thiện từ quá trình sản xuất cho tới chế biến, xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo dự báo của Bộ Công thương, tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm khá khó khăn do thị trường thế giới vẫn chưa thực sự hồi phục cũng như ngày càng có nhiều rào cản đặt ra đối với hàng xuất khẩu, do đó, cần có những biện pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích xuất khẩu, mở rộng thị trường.          

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công thương

Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó tăng cao nhất là sản xuất phân phối điện, cho thấy tín hiệu cho ngành sản xuất đã tốt hơn. Nhóm chế biến tăng 10% trong khi cùng kỳ chỉ tăng 6,8%, cho thấy công nghiệp chế biến phục hồi tốt hơn năm ngoái.

6 tháng cuối năm, các mặt hàng dệt may, da giày, linh kiện điện tử, do có đơn hàng ổn định, có thị trường xuất khẩu ổn định nên dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng tốt. Các mặt hàng tiêu dùng như bia rượu, gia dụng, vật liệu xây dựng cũng có tốc độ tăng trưởng tốt do tiêu dùng trong nước đã hồi phục. Xu hướng sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng vào 6 tháng cuối năm, nhưng khả năng sẽ không có đột phá mạnh do thị trường thế giới chưa thực sự hồi phục, dự kiến vẫn đạt kế hoạch là 7,8-7,9%.

Khó khăn lớn cho DN xuất khẩu thủy sản hiện nay của Việt Nam là những rào cản ngày càng gia tăng trong bối cảnh quản lý chất lượng hàng nông thủy sản ngày càng chặt chẽ. Do đó, các DN cần lưu ý để có biện pháp ứng phó, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng đối với hàng xuất khẩu để có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài

Hiện nay, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, nhìn vào số liệu FDI xuất khẩu và nhập khẩu gần như chẳng gì mới. Các DN FDI vẫn chiếm ưu thế, cho thấy mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và tạo sức lan tỏa cho các DN nội địa trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chưa đạt được. Vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ đã được đặt ra từ lâu, thậm chí có nhiều chính sách ưu tiên cho công nghiệp phụ trợ, nhưng vẫn ít nhà đầu tư lớn vào đầu tư.

Tuy nhiên, năm nay là năm hội tụ của những hiệp định mới, có nhiều DN đa quốc gia đã vào Việt Nam và rất cần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để DN Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá sản xuất của các tập đoàn này. Ngoài ưu đãi tín dụng, ưu đãi đất, cần thành lập quỹ hỗ trợ DN phụ trợ, tương tự quỹ hỗ trợ đổi mới công nghệ để hỗ trợ một cách thiết thực cho các DN đầu tư sản xuất và tham gia cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các tập đoàn đa quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM

Lãnh đạo UBND TP. HCM tập trung nhiều vào việc cải thiện môi trường đầu tư, giúp DN vượt khó khăn. Ngoài giải pháp chung của Chính phủ, Thành phố có báo cáo về giải pháp kích cầu. Đây là vấn đề Thành phố quan tâm, trong đó có ngành công nghiệp hỗ trợ. Đây không chỉ là trách nhiệm của địa phương, mà còn cần sự hỗ trợ của cơ chế, chính sách.

Trước đây, TP. HCM chưa đầu tư đúng mức do DN chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất, nay Thành phố tập trung hỗ trợ để DN đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất, càng làm chậm càng khó. Do đó, chúng tôi đề xuất Bộ Công thương cùng các bộ liên quan cùng hỗ trợ về cơ chế, chính sách để địa phương hỗ trợ DN hiệu quả.

Tin bài liên quan