Tác động của thực thi các hiệp định thương mại làm tăng nhập khẩu, khiến cạnh tranh trong nước mạnh hơn

Tác động của thực thi các hiệp định thương mại làm tăng nhập khẩu, khiến cạnh tranh trong nước mạnh hơn

Kinh tế 2016, khó khăn vẫn nhiều

(ĐTCK) Nền kinh tế nước ta đã có một năm 2015 thành công, với tăng trưởng GDP đạt 6,68%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng, chưa thể lạc quan vào triển vọng kinh tế 2016. 

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, mức tăng 6,68% của GDP năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2015 (năm 2011, GDP của Việt Nam tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%).

Điều này cho thấy, nền kinh tế tuy còn gặp những khó khăn song đã và đang lấy lại đà tăng trưởng khá cao. Không chỉ đạt mức tăng cao nhất, nền kinh tế còn nhiều điểm tích cực nổi bật như kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua, chỉ số niềm tin tăng cao, những ngành, lĩnh vực trọng yếu đều đạt mức tăng trưởng tốt.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2015, sản xuất một số ngành có dấu hiệu phục hồi tốt. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm nay ước tính tăng 9,8% so với năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 7,6% của năm 2014.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/12/2015 tăng 9,5% so với cùng thời điểm năm 2014, thấp hơn mức tăng 10,2% của năm 2013 và mức tăng 10% của năm 2014. Bên cạnh đó, CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014, là mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, bình quân mỗi tháng tăng 0,05%.

Hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng là một điểm sáng, với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014. Tính đến giữa tháng 12, cả nước có 2.013 dự án được cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm 2014. Tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5%.

Hoạt động của các DN cũng có nhiều khởi sắc. Trong năm 2015, cả nước có 94.754 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 601.000 tỷ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về số vốn đăng ký so với năm 2014. Số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm 2015 đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm 2014.

Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng khả quan, ông Hồ Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản Quốc gia (thuộc Tổng cục Thống kê) cho rằng, vẫn còn một số yếu tố khiến năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa tăng cao như kỳ vọng. Cụ thể, ngành nông nghiệp và thủy sản có mức tăng thấp trong 5 năm trở lại đây, giá dầu thô giảm cũng là một yếu tố không thuận lợi cho nền kinh tế khi nguồn thu ngân sách từ việc xuất khẩu mặt hàng này cũng sụt giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, sau 3 năm liên tục xuất siêu, năm 2015, nhập siêu đã quay trở lại. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng 8,1% so với năm 2014, đạt 162,4 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất của kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm qua và thấp hơn kế hoạch tăng trưởng đề ra là tăng 10%.

Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014, dẫn tới nhập siêu 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, nhập siêu hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước với mức 20,3 tỷ USD, trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD. Nhập siêu năm 2015 không những từ thị trường Trung Quốc, mà còn tăng ở cả thị trường Thái Lan, Malaysia… Đây là những điểm hết sức đáng lưu tâm.

Nhận định về năm 2016, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm dự báo, nhìn chung, tình hình kinh tế năm 2016 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Đặc biệt, nếu giá dầu thô tiếp tục giảm xuống 35 USD/thùng, 30 USD/thùng, sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế như thu ngân sách từ dầu thô và các khoản thu có liên quan sẽ giảm.

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ cho rằng, nếu giá điện và các dịch vụ y tế, giáo dục được điều chỉnh sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, làm giảm tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá đã được điều hành tương đối linh hoạt, song vẫn đang chịu sức ép khá lớn từ các yếu tố bên ngoài như: Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, tâm lý thị trường, nhập siêu...

Trong khi đó, tác động của thực thi các hiệp định thương mại với lộ trình thuế suất bằng 0% sẽ làm tăng nhập khẩu, cạnh tranh trong nước mạnh hơn, nền kinh tế ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh vào kinh tế thế giới. Xuất nhập khẩu của DN trong nước còn yếu, dẫn tới nhập siêu và sức ép vào cung ngoại tệ và tỷ giá. Ngoài ra, nợ xấu chưa được giải quyết triệt để, nhất là nợ xấu của DNNN.

Trong bối cảnh này, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, để có thể thực hiện được các chỉ tiêu lớn mà Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra như GDP tăng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%, nhập siêu dưới mức 5% kim ngạch xuất khẩu, Chính phủ, các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng DN và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành ngay từ đầu năm để vượt qua khó khăn, có giải pháp phù hợp để thực hiện được các mục tiêu này. 

Tin bài liên quan