Kinh doanh phải song hành với trách nhiệm xã hội

Kinh doanh phải song hành với trách nhiệm xã hội

(ĐTCK) Trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực hiện trách nhiệm xã hội là một yêu cầu cấp thiết đối với các DN Việt Nam, bởi đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sức cạnh tranh của DN, đồng thời là một trong những yếu tố tiên quyết đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi đưa ra lựa chọn đầu tư. 

Tại Việt Nam, đã có nhiều DN tiếp cận và đang thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, qua đó tạo nên thương hiệu của riêng mình trên thương trường.

Những tên tuổi lớn như CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Bảo Việt, CTCP Dược Hậu Giang (DHG), CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP), Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), Tập đoàn FPT… không còn xa lạ với giới đầu tư, bởi đây đều là những DN được biết đến với hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng ổn định, đồng thời nghiêm túc trong việc thực hiện các cam kết trách nhiệm xã hội trong nhiều năm liền.

Song hành cùng hình ảnh DN là thương hiệu cá nhân của đội ngũ lãnh đạo, những doanh nhân nổi tiếng với việc kiên quyết đưa ra định hướng đối với toàn công ty về trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững.

Trong lịch sử phát triển của Vinamilk, không thể không nhắc đến những đóng góp của bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Đến nay, Vinamilk đã có những bước phát triển ấn tượng, trở thành một trong những DN lớn nhất tại Việt Nam, có nhiều hoạt động hướng đến cộng đồng qua các chương trình thiện nguyện. Bên cạnh đó, Vinamilk đang nỗ lực chinh phục thị trường quốc tế với mục tiêu trở thành 1 trong 50 DN sữa lớn nhất toàn cầu. 

Cùng là DN niêm yết trong ngành dược, có chung mục tiêu hướng đến sức khoẻ cộng đồng, hai DN đầu ngành là Dược Hậu Giang (DHG) và Imexpharm (IMP) đã định vị trong lòng người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Nhắc đến Dược Hậu Giang, không ít người sẽ nhớ ngay tới người lãnh đạo Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc DHG, một lãnh đạo có tâm và có tầm nhưng rất gần gũi, giản dị. Bà Nga cùng các cộng sự đã dày công xây dựng Dược Hậu Giang từ khi chỉ là một xưởng sản xuất nhỏ cho tới nay đã trở thành một DN tầm cỡ. Không chỉ vậy, quan trọng hơn cả là đã xây dựng, duy trì được các giá trị cốt lõi của Công ty.

Tại Dược Hậu Giang, chất lượng sản phẩm và dịch vụ được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm và xã hội được Công ty cụ thể hoá bằng nhiều hành động, chẳng hạn những chương trình khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí;  đi bộ quyên góp ủng hộ bệnh nhân nghèo; các chương trình học bổng cho học sinh nghèo…

Với IMP, triết lý kinh doanh của Công ty là tập trung vào chất lượng, chính vì vậy, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi quy định đấu thầu từ Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, nhưng IMP được đánh giá là một trong những DN khá “bảo thủ” trong việc cương quyết không hạ chất lượng sản phẩm để hạ giá thành.

Ông Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc IMP, người đã gắn bó cùng những thăng trầm của Công ty cho rằng, xây dựng một thương hiệu đã là việc không dễ, nhưng để thương hiệu đó còn tồn tại được lâu dài thì còn khó khăn, thách thức hơn nhiều, không ngoại trừ phải hy sinh và đánh đổi.

“Imexpharm là một thương hiệu lớn đi lên từ chất lượng, chúng tôi không chấp nhận trả giá bằng uy tín thương hiệu để đổi lấy lợi ích ngắn hạn nếu hạ thấp tiêu chuẩn để hạ giá thành”, ông Định nói.

Còn rất nhiều tấm gương DN khác trong việc tiên phong hướng đến phát triển bền vững, đặc điểm chung của những DN này là đều có kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định, thường là những DN đầu ngành, cổ phiếu nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Điều này không quá khó hiểu, bởi khái niệm phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội tuy vẫn còn mới mẻ so với các DN đa phần có quy mô vừa và nhỏ ở Việt Nam nhưng không còn quá xa lạ, bởi vậy những công ty hướng tới phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội là những người đi đầu và đạt được thành công nhất định.

Năm 2013, cuộc bình chọn Báo cáo thường niên do Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Báo ĐTCK phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital, lần đầu tiên phát động giải thưởng Báo cáo Phát triển bền vững, số lượng DN có báo cáo này còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, qua việc truyền thông và liên tục duy trì giải thưởng, số lượng DN bắt đầu để tâm đến vấn đề phát triển bền vững tăng lên đáng kể. Đáng mừng là năm vừa qua đã xuất hiện một số DN thực hiện việc báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn G4 của thế giới.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2016, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin (CBTT) chính thức có hiệu lực, trong đó, điểm mới nổi bật chính là DN đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Quy định mới này nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường trách nhiệm của DN đại chúng đối với môi trường và xã hội. Nội dung liên quan tới phát triển bền vững sẽ được đưa vào Báo cáo thường niên hoặc lập Báo cáo phát triển bền vững riêng. Quy định này được các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm tích cực của Việt Nam trong việc hướng đến phát triển bền vững.

Có thể thấy, với việc ký kết hàng loạt hiệp định đa phương, song phương, “sân chơi” mới mà Việt Nam tham gia sẽ rộng hơn, chuyên nghiệp hơn và đương nhiên những tiêu chuẩn cũng khắt khe hơn. Đã đến lúc các DN Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện các tiêu chuẩn tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, bởi càng đáp ứng được các tiêu chuẩn này, cơ hội cạnh tranh của DN càng được nâng cao.

“Trách nhiệm xã hội mang lại lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp”
Kinh doanh phải song hành với trách nhiệm xã hội ảnh 1

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE)
 

Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (Corporate social responsibility - CSR) là cam kết của DN đối với đạo đức kinh doanh và đóng góp vào phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung. Khi DN lồng ghép được trách nhiệm xã hội vào chiến lược hoạt động thì cả hoạt động nội bộ và chính sách của công ty về sản phẩm, về đối tác, khách hàng đều phải hướng theo lợi ích tổng thể, dài hạn. Theo đó, trách nhiệm xã hội trở thành điều kiện để DN tồn tại, về lâu dài sẽ giúp DN có những bước phát triển bền vững. 

Lấy ví dụ đơn giản, DN đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải trước tiên là gia tăng chi phí, ảnh hưởng trực tiếp làm giảm lợi nhuận công ty nhưng trong thời gian dài, hành động này sẽ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cộng đồng xung quanh, người lao động, cán bộ, công nhân viên không bị ảnh hưởng sức khỏe. Như vậy, giá trị, uy tín thương hiệu công ty được đảm bảo.

Hiện nay, các vấn đề chung về môi trường, xã hội, quản trị được đưa vào chiến lược của Liên hợp quốc về phát triển bền vững và hầu như các nhà đầu tư tổ chức trên thế giới đều tham gia cộng đồng nhà đầu tư có cam kết về phát triển bền vững. Do vậy, khi lựa chọn các mục tiêu để đầu tư, những nhà đầu tư này sẽ hướng đến không chỉ thu về lợi nhuận, mà cả giá trị chung cho cộng đồng. 

Tại Việt Nam, Thông tư 155 đã có quy định về việc DN đại chúng phải công bố thông tin liên quan đến phát triển bền vững. Quy định đang dừng ở những điều rất cơ bản, hầu như các DN đều có những thông tin đó, chỉ là chưa tập hợp thành hệ thống để báo cáo. Mục tiêu ban đầu là để DN sớm tiếp cận, hiểu sơ bộ phát triển bền vững là gì, sau đó đưa vào những quy định giúp DN có khung chung, dễ so sánh hơn với các DN trong ngành. Hiện mới chỉ các DN đầu ngành là tiên phong trong việc hướng đến trách nhiệm xã hội, nhưng đó cũng là những DN sẽ tạo nên sự thu hút, quan tâm của thị trường tới vấn đề này.

Hiện HOSE đã có lộ trình xây dựng chỉ số về môi trường, xã hội dành cho những công ty có những tiêu chuẩn đạt được. Dự kiến, chỉ số sẽ chính thức vận hành năm 2017. Khi đó, chỉ số này sẽ giúp nhà đầu tư tổ chức sàng lọc bước đầu khi đầu tư vào TTCK Việt Nam. Đây cũng là cách mà các nhà quản lý muốn hỗ trợ thị trường, hỗ trợ DN trong việc tăng uy tín và thu hút vốn với giá rẻ hơn.
“Đa số DN Việt Nam chưa nhìn nhận toàn diện về  trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững”
Kinh doanh phải song hành với trách nhiệm xã hội ảnh 2

Ông Nguyễn Viết Thịnh, Giám đốc Bộ phận tư vấn PwC Việt Nam, hội viên ACCA, Trưởng nhóm chấm báo cáo phát triển bền vững (PTBV) năm 2013-2014.
 

Hiện nay, thuật ngữ CSR (trách nhiệm xã hội) thường được sử dụng chung cùng với khái niệm phát triển bền vững (PTBV). Thực ra, nếu xét vào chi tiết thì có một số điểm khác nhau giữa 2 khái niệm này. Tuy nhiên, để đơn giản, chúng ta sử dụng 2 khái niệm này tương đương với nhau.
Khái niệm về CSR và PTBV hiện tại vẫn chưa được nhìn nhận một cách toàn diện và thấu triệt bởi hầu hết các DN ở Việt Nam. Điều này thể hiện ở nội dung PTBV/CSR được thể hiện trong các báo cáo thường niên của các DN niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. HCM. Mức độ hiểu và công bố các nội dung về PTBV là không đồng đều giữa các DN. Các DN quan tâm đến PTBV trải đều ở khắp các ngành nhưng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ tài chính, dầu khí và dược phẩm.
Phần lớn các DN có chất lượng báo cáo tốt đều là các DN có quy mô vừa đến lớn. Điều này không có nghĩa là các DN nhỏ không cần quan tâm đến PTBV. Các DN có thể đạt được những lợi ích thiết thực thông qua thực hành hoạt động CSR và hướng đến phát triển bền vững, hoặc lấy PTBV làm chiến lược cho hoạt động. Cụ thể:
Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý rủi ro: DN cần thực hiện các đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội để nắm được các rủi ro có liên quan mà mình đang phải đối mặt.
 Giảm chi phí hoạt động: đầu tư vào PTBV có tác dụng nhận biết được các vấn đề chưa làm tốt và qua đó cải thiện hoạt động môi trường và xã hội của DN. Như vậy, DN có thể giảm các chi phí liên quan đến tiêu thụ năng lượng, xử lý chất/khí thải, tiêu thụ nguyên vật liệu đầu vào, giảm chi phí tuân thủ.
Tăng cường tuân thủ: đầu tư vào PTBV sẽ giúp DN tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường và xã hội.
Thúc đẩy đổi mới: đón đầu xu thế, tạo ra lợi thế và khả năng cạnh tranh. Nhiều DN lớn trên thế giới hiện nay coi PTBV là cơ hội để tìm kiếm các lĩnh vực kinh doanh và sản phẩm mới. 
Thương hiệu tốt hơn: các DN đầu tư tốt vào PTBV sẽ tạo ra được thương hiệu tốt hơn.
Thu hút đầu tư: xu hướng tất yếu về đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư lớn là quan tâm không chỉ đến tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư của mình, mà còn quan tâm đến việc các DN mà họ định/đã đầu tư có tuân thủ hoặc làm tốt các vấn đề về môi trường xã hội hay không. Một dự án có thể có tỷ suất lợi nhuận cao nhưng gây tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội có thể sẽ không được các nhà đầu tư quan tâm.
Hiện nay, Global Reporting Initiatives -Tổ chức Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu đã đưa ra các hướng dẫn chung về lập báo cáo PTBV, trong đó có kèm theo các hướng dẫn về các chỉ số mà một tổ chức có thể tham khảo để báo cáo.
Tin bài liên quan