Các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm sẽ phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe.

Các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm sẽ phải đáp ứng hàng loạt điều kiện khắt khe.

Kinh doanh mũ bảo hiểm phải có điều kiện: Rào cản quyền tự do kinh doanh?

Nếu không có gì thay đổi, kể từ ngày 1/7 tới, các doanh nghiệp kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy sẽ phải đáp ứng hàng loạt điều kiện kinh doanh mới. Nhưng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đang đề nghị loại bỏ các quy định này.     

Doanh nghiệp chuẩn bị… chóng mặt

Một cái tên rất gọn, dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, nhưng đối tượng chịu tác động mà Bộ Khoa học và Công nghiệp - đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo, đã dự liệu lại rất dài. Đó là các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và phân phối mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy, xe đạp điện và các loại xe tương tự.

Song đó không phải là vấn đề chính. Các điều kiện kinh doanh đang được đề xuất thực sự khiến không chỉ doanh nghiệp chịu tác động lo ngại. 

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thậm chí đã tính tới chồng hồ sơ mà doanh nghiệp khắp cả nước sẽ phải gồng gánh về Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để xin đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm.

“Bằng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về điều kiện kinh doanh, tôi cho rằng, doanh nghiệp phải mất cả tháng, đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính này, cho dù các quy định trong dự thảo đều tính là ngày. Kinh phí xã hội phải bỏ ra sẽ rất lớn”, ông Cung thẳng thắn.

Ông Cung không hề quá lời khi phân tích vào từng điều kiện cụ thể đang được dự thảo. Với doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, điều kiện về cơ sở vật chất được quy định là có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư.

Về thiết bị sản xuất, doanh nghiệp phải có đủ thiết bị ép vỏ mũ, ép lớp hấp thụ xung động (mút xốp), thiết bị dập đinh tán và các công cụ khác… Các doanh nghiệp này còn phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu, hoặc có giao kèo tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế… Các đại lý, cửa hàng này còn phải có địa chỉ rõ ràng, có biển hiệu treo ở vị trí dễ quan sát…

“Doanh nghiệp sẽ hiểu thế nào là diện tích phù hợp, kho chứa phù hợp, thế nào là vị trí dễ quan sát. Tôi cũng không hiểu tại sao doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm phải bị bắt buộc sản xuất mọi công đoạn của cái mũ, trong khi họ có thể đi đặt mua từ các nhà cung cấp”, ông Cung băn khoăn.

Thậm chí, với quy định về biển hiệu của cửa hàng phải ghi rõ “đại lý/cửa hàng bán mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”, ông Cung đặt câu hỏi, nếu doanh nghiệp chỉ treo biển “bán mũ” thì có được bán mũ bảo hiểm không.

“Nếu dự thảo này được ban hành, cánh cửa của ngành kinh doanh này chắc chắn sẽ đóng lại với nhiều doanh nghiệp”, ông Cung dự báo.

Thị trường có hết mũ rởm?

Trong lần giải trình gần đây tại Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ lý giải, ngành này cần có điều kiện kinh doanh vì có nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng kém chất lượng. Đại diện Bộ Công thương cũng ủng hộ vì hàng nhái, hàng giả nhiều, phải có điều kiện kinh doanh để quản lý.

Nhưng, câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là, các điều kiện kinh doanh này có giải quyết được đầu bài mà các bộ, ngành đưa ra không thì lại chưa rõ ràng.

Ông Cung thì cho là không. “Không nên đồng nhất việc quy định điều kiện kinh doanh để xử lý vấn đề kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây là trách nhiệm  của các bộ, với các công cụ quản lý nhà nước hiện có. Không thể vì các bộ không làm tốt chức năng mà phải đưa thêm điều kiện cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh này chỉ thực sự cần khi các bộ chứng minh được rằng, các công cụ hiện có đã được thực hiện hết, nhưng không có hiệu  lực. Trong giải trình của các bộ, tôi chưa thấy ý này”, ông Cung nói.

Lo ngại hơn là các điều kiện kinh doanh đang được dựng theo hướng không khuyến khích tạo ra chuỗi sản xuất, không khuyến khích chuyên môn hóa. Điều này rất trái với xu hướng kinh doanh hiện đại, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng phải nói thêm, trong tờ trình dự thảo gửi Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, việc ban hành nghị định này là cần thiết để thực hiện Luật Đầu tư, vì ngành, nghề “Kinh doanh dịch vụ mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” được đưa vào Phụ lục 4 của Luật này, với số thứ tự 217.

Tờ trình này cũng đã nhận định, cho đến thời điểm hiện tại, liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới đường bộ, đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, từ quy định về chất lượng, quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm, trách nhiệm của người sử dụng...

Đây chính là lý do ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã đặt câu hỏi với Ban soạn thảo rằng, tại sao phải đặt thêm điều kiện kinh doanh mới với mũ bảo hiểm.

VCCI kiến nghị loại bỏ ngành nghề này ra khỏi Danh mục Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Tin bài liên quan