Bà Vũ Ngọc Hương (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Bà Vũ Ngọc Hương (ngồi giữa) trong vai trò CEO của tình huống này.

Kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp có nên “bán mình”?

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) những năm qua luôn sôi động, bởi nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bị thâu tóm do đã đánh mất lợi thế cạnh tranh. Nhưng “bán mình” có phải cách làm đúng?     

Những ngày qua, cộng đồng người từng gắn bó với dịch vụ mail Yahoo bất ngờ và có chút tiếc nuối trước thông tin thương hiệu này tới đây sẽ đổi tên thành Altaba Inc và cắt giảm quy mô ban điều hành sau khi hoàn thành thương vụ “bán mình” trị giá 4,8 tỷ USD cho đại gia viễn thông Mỹ Verizon Communications. Việc “về chung một nhà” với Verizon đánh dấu sự kết thúc của Yahoo với tư cách một công ty hoạt động độc lập.

Được thành lập vào năm 1994 bởi hai sinh viên Đại học Stanford là Jerry Yang và David Filo, Yahoo đã có những năm đầu đời phát triển rực rỡ, trở thành một đế chế thống trị thị trường Internet thời kỳ đầu. Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của Internet và những đối thủ, cùng với sự chật vật trong việc định nghĩa sứ mệnh của mình đã khiến Yahoo lao dốc, mà đỉnh điểm là khoản thua lỗ tới 4,4 tỷ USD trong quý IV/2015.

Kinh tế khó khăn, ai có tiền mặt thì người đó thắng. Thiếu tiền thì cùng quẫn là chuyện dễ hiểu, nên không hiếm trường hợp doanh nghiệp buộc phải bán mình. Thị trường M&A bùng nổ trong vài năm qua tại Việt Nam cũng cho thấy rõ điều này.

Thời gian qua, Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát nổi lên như một hiện tượng với những dự án bất động sản đình đám như The Pride, The Vesta, Roman Plaza (Hà Nội). Ít ai biết rằng, giai đoạn 2011 - 2013, Hải Phát từng rơi vào tình thế vô cùng khó khăn. Giai đoạn đó, Hải Phát phải chấp nhận bán đi những khu đất vàng như số 36 - Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) và hàng loạt căn hộ các tòa CT2 và HH2 tại Khu đô thị Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng).

Việc chấp nhận bán cho Tập đoàn FLC khu đất số 36 - Phạm Hùng với mức giá rẻ đã giúp chủ đầu tư này có khoản tiền tươi thanh toán các khoản nợ phải trả, từ đó tái cơ cấu dòng tiền và quay trở lại thị trường một cách ngoạn mục.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là “bán mình” có phải là giải pháp hợp lý trong mọi trường hợp?

Câu hỏi này đã được đặt ra với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối sản phẩm khăn giấy ướt. Sau nhiều năm kinh doanh thành công nhờ sản phẩm chất lượng tốt, doanh nghiệp này đã khá quen thuộc và có thương hiệu trên thị trường, dù chưa tập trung làm thương hiệu bài bản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, do chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại, doanh nghiệp bị mất khả năng cạnh tranh, thị phần ngày càng bị thu hẹp, doanh số, lợi nhuận bị sụt giảm, thương hiệu dần bị lãng quên.

Đang trăn trở tìm lối thoát, thì bất ngờ, một đối thủ mạnh đưa ra lời đề nghị mua lại thương hiệu sản phẩm của công ty với giá tốt. Trước tình cảnh trên, nhiều cổ đông cho rằng nên “gật đầu” với thương vụ này, bởi doanh nghiệp đã rơi vào đường cùng và thương vụ sẽ giúp doanh nghiệp cắt lỗ sớm để chuyển hướng đầu tư sang lĩnh vực kinh doanh khác.

Song CEO của doanh nghiệp lại muốn tập trung tiến hành tái cấu trúc lại sản phẩm và xây dựng chiến lược định vị thương hiệu lấy lại vị thế trên thị trường. CEO lập luận, việc có đối thủ đề nghị mua lại thương hiệu của công ty với giá khá tốt cho thấy thương hiệu sản phẩm vẫn còn có vị thế trên thị trường. Việc mất khả năng cạnh tranh hiện nay là do chưa tập trung nguồn lực để đẩy sản phẩm lên đủ tầm.

Đề xuất này vấp phải sự phản ứng của các cổ đông, bởi muốn làm truyền thông tốt, thì phải có nhiều tiền, mà tiền với công ty bây giờ là cả một vấn đề lớn. Hơn nữa, kể cả có tiền thì chưa chắc doanh nghiệp có thể chống chọi được với các đối thủ đang làm truyền thông thương hiệu theo kiểu “dội bom” như hiện nay.

Nếu là CEO của doanh nghiệp này, bạn sẽ làm như thế nào? Đó là câu hỏi được đặt ra cho bà Vũ Ngọc Hương, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim. Đây là người chơi sẽ ngồi vào vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công kỳ này với chủ đề “Chiến lược doanh nghiệp - Tìm lại vị thế”.

Chương trình có thể giúp ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm được lời giải cho bài toán định vị thương hiệu, tăng năng lực cạnh tranh.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Tin bài liên quan